Kể từ khi ông Trump tuyên bố xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ, hàng loạt cử tri, nhà giáo dục ở nước này bày tỏ quan điểm và phân tích khả năng thực hiện ý định này.
Ông Trump khởi động chương trình xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2023, ông Donald Trump tuyên bố sẽ đóng cửa Bộ Giáo dục và chuyển toàn bộ công việc cho các tiểu bang nắm giữ, đồng thời bày tỏ ý định cho các hội đồng trường học địa phương và phụ huynh kiểm soát việc học của trẻ.
Mới đây, vào đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ bắt đầu soạn thảo một sắc lệnh hành pháp nhằm khởi động quá trình xóa bỏ Bộ Giáo dục. Điều này gây ra làn sóng phản đối từ các lãnh đạo giáo dục và gia đình có con em dễ bị tổn thương.
Những người phản đối nói rằng việc xóa bỏ Bộ Giáo dục có thể gây ra hiệu ứng xấu trên khắp cả nước, đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, thanh, thiếu niên từ các gia đình thu nhập thấp và những người có nợ sinh viên, đặc biệt là phụ nữ.
Không bị xóa sổ nhưng có thể lung lay?
Kể từ khi được thành lập vào năm 1979, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục Mỹ là đảm bảo tất cả học sinh đều có quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng. Bộ cũng có bộ phận điều tra các cáo buộc phân biệt đối xử liên quan giới tính, chủng tộc và khuyết tật.
Bà Becky Pringle, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA), nói với 19th News rằng học sinh trên khắp nước Mỹ được hưởng lợi từ chương trình do Bộ Giáo dục điều hành, đặc biệt là học sinh thu nhập thấp ở nông thôn, học sinh khuyết tật và học sinh nhận trợ cấp liên bang để học nghề.
Theo đó, chủ tịch của NEA nhấn mạnh việc đóng cửa Bộ Giáo dục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết học sinh trên toàn quốc, vì 90% học sinh nói chung và 95% học sinh khuyết tật nói riêng đều học ở trường công - nơi nhận được tiền trợ cấp từ bộ.
“Việc ông Trump giành quyền lực sẽ đánh cắp các nguồn lực dành cho những học sinh dễ bị tổn thương, làm bùng nổ quy mô lớp học, cắt giảm các chương trình đào tạo nghề, khiến giáo dục đại học trở nên đắt đỏ hơn và càng xa vời với của các gia đình trung lưu, tước đi các dịch vụ giáo dục đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật và làm suy yếu quyền bảo vệ dân quyền của học sinh”, bà Pringle nhấn mạnh.
Tờ 19th News nói rằng ông Trump không thể đóng cửa Bộ Giáo dục bằng một nét bút, nhưng ông có thể đuổi việc những nhân sự cấp cao của bộ hoặc ban hành một sắc lệnh, yêu cầu cơ quan này phải co nhỏ bộ máy. Cả hai cách này đều có thể khiến Bộ Giáo dục suy yếu.
Nếu bị giải thể, các bộ phận chính của Bộ Giáo dục có thể bị chuyển về các cơ quan liên bang khác. Tuy nhiên, việc chuyển giao vẫn cần có sự chấp thuận của Quốc hội mới có thể thực hiện được.
Bộ Giáo dục Mỹ thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ do Quốc hội Mỹ chỉ đạo. Ảnh: The Sun.
Hiện, Đạo luật I (chương trình cung cấp kinh phí cho trường học phục vụ học sinh khó khăn, ra đời vào năm 1965) và Đạo luật IDEA (chương trình hỗ trợ học sinh khuyết tật, ra đời vào năm 1975) đều do Bộ Giáo dục Mỹ thực hiện. Cũng như bộ, hai đạo luật này chỉ có thể bị giải thể nếu Quốc hội Mỹ tán thành.
Tuy nhiên, viễn cảnh này rất khó xảy ra. Đây là nhận định của ông Pedro Noguera, Hiệu trưởng trường Giáo dục Rossier thuộc Đại học Southern California. Theo thầy hiệu trưởng, không chỉ Quốc hội và Đảng Dân chủ, mà cả Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng có thể phản đối, bởi mọi người có xu hướng ủng hộ các trường công.
Nhiều người phản đối
Kể từ khi có tin ông Trump muốn xóa sổ Bộ Giáo dục, hàng loạt khảo sát mọc lên nhằm trưng cầu ý kiến của công chúng đối với vấn đề này.
Ví dụ, vào ngày 4/2, nhóm nghiên cứu Data for Progress công bố kết quả khảo sát với gần 1.300 cử tri nước Mỹ. Kết quả cho thấy 52% cử tri dưới 45 tuổi phản đối quyết liệt việc đóng cửa Bộ Giáo dục, trong khi 13% cử tri lại ủng hộ động thái của ông Trump. Đối với nhóm cử tri trên 45 tuổi, khoảng 46% phản đối việc xóa sổ, trong khi 19% khác lại rất ủng hộ.
Nếu xét phiếu bầu dựa trên trình độ đại học, những cử tri có trình độ đại học phản đối nhiều nhất, với khoảng 55%. Trong khi đó, 14% cử tri có chung trình độ lại ủng hộ quyết liệt.
Thái độ của người Mỹ về sự sống còn của Bộ Giáo dục cũng phụ thuộc vào việc mọi người cảm thấy cơ quan này có vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ hay không. Theo đó, những người ủng hộ học sinh khuyết tật và người có khoản vay sinh viên là những người lên tiếng nhiều nhất. Họ lo ngại về nguy cơ bộ bị giải thể hoặc thu hẹp.
Bàn về vấn đề này, ông Wil Del Pilar, Phó chủ tịch của Education Trust, tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ công bằng giáo dục, bày tỏ lo ngại về việc học sinh sẽ gặp nhiều bất công nếu quy mô của Bộ Giáo dục bị thu hẹp.
Ông Pilar nhấn mạnh ở nhiệm kỳ trước của ông Trump, Văn phòng Dân quyền trực thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đã bị thiếu nhân lực đáng kể.
Theo báo cáo thường niên, trong năm 2023, Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục nhận được hơn 19.200 khiếu nại, trong đó 45% khiếu nại liên quan phân biệt giới tính, 18% khiếu nại liên quan phân biệt chủng tộc và quốc tịch, bao gồm việc bắt nạt, quấy rối từ chính viên chức trong trường học.
Do đó, nếu Bộ Giáo dục bị giải thể, co nhỏ, hoặc cụ thể hơn là Văn phòng Dân quyền tiếp tục thiếu nhân sự dưới thời ông Trump, học sinh sẽ phải đối mặt với tình trạng phân biệt, quấy rối và những bất công khác khi đi học vì không còn ai đứng ra điều tra, buộc các tổ chức, trường học, địa phương chịu trách nhiệm cho điều đó.