Nhà Thờ Đức Bà ở Sài Gòn. (Ảnh: Euan Cameron/Unsplash)
Vào lúc này ở Việt Nam, sau vụ gọi là
"cho sáp nhập", Sài Gòn giờ đây chỉ là tên của một cái phường nằm trong khu vực gọi là TPHCM.
Còn bản thân cái khu vực TPHCM giờ còn ôm luôn các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa–Vũng Tàu. Không ai thực sự biết cái tên Sài Gòn có nguồn gốc từ đâu mà có. Song từ bao đời nay, Sài Gòn luôn là một cái tên đầy trìu mến và chứa đựng nhiều tâm huyết của hàng triệu người Việt Nam ở khắp ba miền.
Nhiều người khi đi xe khách vô TP.HCM thường nói là
"đi Sài Gòn". Với họ, TPHCM chỉ là cái tên khá trừu tượng và không mấy gì hay ho. Trong thâm tâm của họ, Sài Gòn là một thành phố tươi đẹp từng được mệnh danh là
"Hòn ngọc Viễn Đông", niềm tự hào của đất nước, còn cái tên TPHCM gần như chẳng gợi lên điều gì ấn tượng cả. Thậm chí trong thời gian gần đây, TPHCM còn bị gọi bằng cái tên mỉa mai là
"Thành phố Hồ Chứa Mưa" thì đủ hiểu ra vấn đề!
Với nhiều người Việt Nam, trong khi Sài Gòn là một cái tên rất rõ ràng và cụ thể, thì cái tên TPHCM lại không có gì rõ ràng. Với họ,
"đi Sài Gòn" tức là đi đến Sài Gòn. Còn bảo
"đi TP.HCM" thì không thực sự biết là sẽ đi đâu. Là đi Hóc Môn hay đi Bình Dương, Vũng Tàu?
Với nhiều người Việt Nam, Sài Gòn là cái tên cụ thể, một địa danh cụ thể. Còn TP.HCM chỉ là một cái tên không rõ ràng, vu vơ. Với họ, bảo mình là người Sài Gòn thì là một điều đáng tự hào. Còn bảo mình là người TPHCM thì chỉ là nói chung chung, không có gì đặc biệt. Bởi vì vu vơ thì có gì mà đặc biệt hoặc đáng để tự hào.
Trong tâm trí những người Sài Gòn gốc, người Sài Gòn xưa sống chậm rãi, cuộc sống họ thoải mái, nhẹ nhàng. Con người thì hiền hòa, rộng lượng. Còn bây giờ, ở cái gọi là TPHCM, cuộc sống thì tất bật, người ta đang quên đi những giá trị nền tảng mà người Sài Gòn đã từng gìn giữ.
Giọng Sài Gòn nghe chân chất, không kiểu cách. Có chuyên gia nghiên cứu khá có lý khi cho rằng giọng Sài Gòn cũng như văn hóa và con người Sài Gòn, là một sự pha trộn và giao thoa của nhiều vùng miền. Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất khai hoang, làm giàu xứ sở.
Có người nói họ dù không phải là người Sài Gòn nhưng luôn cố gắng học cái hay, cái đẹp của người Sài Gòn xưa và truyền dạy lại cho con cháu. Theo họ, làm lan tỏa ra cái hay, cái đẹp của một thành phố đã từng văn minh nhất Đông Nám Á là trách nhiệm của người dân Việt ngày nay. Với họ, Sài Gòn là cái tên giàu tình cảm, đầy hồn hậu, còn TPHCM chỉ là cái tên vô hồn, không gợi cho người ta điều gì ngoài sự lạnh lùng, cho dù chế độ ra sức dùng các cụm từ
"rực rỡ tên vàng" hay
"tự hào thành phố mang tên bác". Có thể tin rằng người Sài Gòn chẳng bao giờ thấy tự hào khi Sài Gòn thân yêu của họ bị gọi là TPHCM. Ngược lại, họ chỉ thấy bực bội, không thoải mái khi phải nghe thấy cái tên đó.
Sài Gòn thực sự là nơi chốn mà những ai chưa từng đến thì luôn khao khát được đến, ít nhất là một lần, để được tận mắt ngắm nhìn nơi từng là viên ngọc sáng của Viễn Đông. Đây thực là nơi mà khi ai đã đến thì nhớ, ai đã ở thì thương.
Thế gian vật đổi sao dời, nhiều người dân Việt tin rằng một ngày nào đó, chế độ không còn thì cái tên TPHCM cũng sẽ không còn, hoặc chỉ tồn tại trong cái thùng rác của lịch sử. Nhưng cái tên Sài Gòn sẽ mãi mãi còn đó, không bao giờ phai mờ trong tâm trí của người dân. Sài Gòn sống mãi. Sài Gòn bất tử!
Đó chính là sự khác biệt giữa Sài Gòn và HCM. Dù Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa nhưng trong tâm khảm của rất nhiều người Việt, Sài Gòn vẫn mãi là thủ đô của Miền Nam Việt Nam. Một ngày nào đó, nếu chế độ hiện tại không còn nữa, thì chính Sài Gòn, chứ không phải Hà Nội, sẽ là thủ đô của nước Việt Nam tự do.