R8 Võ Lâm Chí Tôn
Join Date: Jun 2009
Location: US
Posts: 17,796
Thanks: 0
Thanked 0 Times in 0 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 0 Post(s)
Rep Power: 33
|
Kiểm tra đâu, vi phạm đấy!
Từ ngày 1-1-2010 Bộ luật Hình sự được sửa đổi có hiệu lực thi hành, nhưng nhiều vướng mắc cơ bản liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vi phạm gia tăng!
Kết quả khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường qua điều tra, khảo sát tại 6 tỉnh, thành: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An và Hải Phòng cho thấy, địa phương nào cũng có vi phạm và môi trường xuống cấp một phần là do việc xử lý vi phạm còn hạn chế.
Đáng quan tâm là số lượng vi phạm được phát hiện, xử lý có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Năm 2008, Hà Nội thanh kiểm tra 128 cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp và phát hiện 72 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 711 triệu đồng; năm 2009 thanh tra 267 cơ sở thì có 256 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 3,2 tỷ đồng; sáu tháng đầu năm 2010 thanh tra 85 cơ sở thì có 50 cơ sở vi phạm, xử phạt 600 triệu đồng…
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thì cả nước hiện có 2.790 làng nghề và hầu hết các nơi này việc bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, ý thức của người dân rất kém và trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, vi phạm về môi trường xảy ra chủ yếu ở làng nghề.
Cả nước cũng chỉ có khoảng 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý theo qui định.

Xả thải ra sông Thị Vải gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng Cty Vedan không bị xử lý hình sự
Tổng hợp kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật cho thấy, các vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên ở một số lĩnh vực với một số vi phạm điển hình là vi phạm các qui định về báo cáo đánh giá tác động môi trường; về xử lý chất thải, nước thải; về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế…
Luật còn “hổng”!
Kết quả khảo sát cũng cho thấy hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là văn bản hướng dẫn được ban hành quá chậm. Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành năm 2005, nhưng đến tháng 12-2010, mới có Nghị định về xác định thiệt hại về môi trường.
Tương tự, trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hình sự năm 1999 dành hẳn một chương qui định các tội phạm về môi trường, nhưng 10 năm sau có lĩnh vực các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn. Từ ngày 1-1-2010 Bộ luật Hình sự được sửa đổi có hiệu lực thi hành, nhưng nhiều vướng mắc cơ bản liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa được giải quyết triệt để như chưa qui định cụ thể được các dấu hiệu “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, và vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được chấp nhận nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các doanh nghiệp vi pháp pháp luật về môi trường…
Bên cạnh đó, một số hình thức xử lý không khả thi, khó áp dụng như theo điều 4 Nghị định 117/2009/NĐ-CP thì cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ bị “buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường”. Nhưng trên thực tế, khó có thể buộc các cơ sở di dời vì không có cơ chế để giải quyết được các vấn đề về lao động, việc làm, trụ sở…
Hay qui định về xử lý vi phạm với tiếng ồn và độ rung, do trang thiết bị để xác định các vi phạm này không đầy đủ và khi cơ quan chức năng đến xử lý thì doanh nghiệp dừng hoạt động, không gây ồn và độ rung quá mức qui định nên rất khó để phạt. Qui định trước khi thanh tra, kiểm tra phải báo trước một thời gian nhất định (trừ thanh tra đột xuất) dẫn đến các doanh nghiệp, cơ sở có thời gian đối phó. Chưa kể, một số chế tài xử phạt quá nhẹ dẫn đến có trường hợp doanh nghiệp chấp nhận xử phạt, thay vì đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải!
Một số qui định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, cam kết bảo vệ môi trường chưa phù hợp và đáp ứng kịp thay đổi của tình hình kinh tế xã hội, kết quả đánh giá tác động môi trường ở nhiều dự án mang nặng tính hình thức, vì nhiều lý do, cơ quan chức năng không kiểm soát được việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư. Đúng qui định thì các doanh nghiệp chỉ đi vào hoạt động sau khi được “kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo”, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đi vào hoạt động đã bỏ qua thủ tục này…
Phương Thảo
(PLXH)
|