Chuyện này nhiều người trong giới cầm cọ biết, và đến nay giới “nghiền” cà phê cũng có người biết đến.
Sự tri ân phố và người
Ắt hẳn nhiều người biết rõ quán cà phê Lâm ở 60 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội. Bởi đó từng là nơi “tao nhân mặc khách” thường lui tới một thuở. Giờ thời gian tuy đã xa, nhưng còn đâu đó vương vấn những câu chuyện của những họa sỹ tài danh như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng…
Khung cửa phố cổ đậm màu thời gian
Chuyện có thể chỉ là chuyện phiếm vỉa hè, song có nhiều chuyện được người trước kể cho người sau nghe về chuyện thường nhật một thời của người họa sỹ tài danh Bùi Xuân Phái. Xưa kia, cụ Phái thường lui tới nơi này để nhâm nhi ly cà phê thì nhiều người biết rõ. Giờ trong quán vẫn còn đó những bức tranh cũ kỹ, nhưng mang dáng vẻ của một nhịp sống phố cổ Hà Nội trầm lắng mà do những hoa sỹ tài danh nào đó vẽ lại. “Trong số tranh treo trên tường có cả tranh của cụ Phái, cụ Vân” - thấy khách ngắm kỹ càng một cách lạ thường, bà chủ quán cà phê Lâm liền giới thiệu.
Câu chuyện được mở ra từ đây. Đại để là xưa kia cụ Phái hay uống cà phê nhà bà. Rồi thì có những lần, ông vẽ chân dung các thiếu nữ, những cô gái Hà thành để tặng. Vì là người nổi tiếng, nên ai nhìn cụ Phái cũng nhận ra, khách uống cà phê ai cũng muốn được ông vẽ chân dung mình, để làm kỷ niệm. Những nét phác họa đơn giản về chân dung những cô gái, những thiếu nữ của Hà thành có hồn chất như chính cái đẹp toát ra từ dung nhan nhân vật. Đã tài danh, thì luôn được nể trọng, kính phục. Ông được những cô gái đề nghị xin được phác họa chân dung, rồi xin được mời những ly cà phê thơm nồng tại quán…
Những mái rêu cổ kính của phố cổ đã được lưu giữ trong
nét vẽ của họa sỹ tài danh Bùi Xuân Phái giờ chỉ còn rất ít ở phố cổ
Bà chủ quán cà phê Lâm khẳng định, không phải vì thiếu tiền mà vì cụ tài hoa nên nhiều người mê, muốn mời cụ. Mãi sau này, nhiều người biết chuyện, hay tếu táo rằng “đổi gái lấy cà phê” đó là những tình cảm mà người ta quý trọng dành cho cụ mà thôi.
Bức tranh đựng cả thành phố thật
Nhiều người nói rằng phố cổ Hà Nội là người bạn tri ân của họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái, và Bùi Xuân Phái là một phần của phố cổ Hà Nội. Điều này quả không sai chút nào. Những mái nhà rêu phong của 36 phố phường vẫn còn đó như sự lưu giữ lắng đọng trong từng nét vẽ của bậc tài danh. Người họa sỹ của phố cổ Hà Nội đã gửi cho người sau, giữ cho phố cổ Hà Nội hôm nay một giá trị đặc biệt từ những bức họa dung dị mà đậm chất nghệ thuật.
Có nhiều con ngõ vẫn chứa chất bụi thời gian
Ông tạo nên hàng trăm bức vẽ khác nhau về phố cổ. Người ta vẫn đùa nhau rằng những bức tranh phố cổ của ông đủ để dựng một thành phố thật. Người ta gọi phố cổ là "Phố Phái" cũng là vì thế.
Những con ngõ sâu hun hút của phố cổ Hà Nội hay những mái ngói mốc rêu giờ vẫn còn sự trầm lắng trong thế giới ồn ào, tập nập của nhịp sống vội vã. Chỉ có điều người ta mải mê với cuộc chạy đua với tiền tài mà để lãng quên, rồi lãng quên mà thôi. Đã là người Hà Nội thứ thiệt, thì những con ngõ đối với họ không còn là con ngõ, mà nó là cầu nối tình cảm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Là câu chuyện của tuổi thơ một thời gian khó.
Một góc Hà Nội
Nhịp sống hiện đại có thể làm cho người ta quên đi quá khứ ở một lúc nào đó, những nếp nhà bê tông tân tiến có thể làm mất đi không gian của phố cổ... Nhưng không thể xóa nhòa được lớp bụi thời gian của từng con ngõ, bởi ở đó đã bao phủ tất cả nhưng tình cảm của những con người sinh sống ở ngõ nhỏ, phố nhỏ bao đời gắn bó với phố cổ. Và chỉ có sự trầm lắng ấy mới giữ vẫn nguyên vẹn và làm nên một Hà Nội khác mà thôi.
Ánh Nguyệt