Có những người ngủ ngáy rất to. Hoặc có người ngủ thường xuyên há miệng. Đó là một trong những dấu hiệu của bệnh về hô hấp. Theo các nhà khoa học, há miệng khi ngủ đơn thuần là một thói quen để thở, nhưng cũng có thể do bạn mắc bệnh lý về đường thở.
Há miệng khi ngủ - chuyện bình thường?
Bình thường, tư thế tự nhiên tốt nhất để thở khi ngủ là thở bằng mũi và khép miệng.
Nếu nhận thấy mình có thói quen ngủ há miệng trong thời gian dài, bạn nên kiểm tra đường hô hấp hoặc đường thở của mình.
Bạn có thể đang bị dị ứng, cảm lạnh, nghẹt mũi, sưng amidan, hen suyễn hoặc vẹo vách ngăn mũi.
Ngoài ra, những người bị tật líu lưỡi cũng dễ có thói quen thở bằng miệng khi ngủ. Nếu mắc phải chứng này, người bệnh có thể đến bác sĩ thăm khám và được phẫu thuật.
Vị trí của lưỡi đóng vai trò rất quan trọng trong việc hít thở. Vì thế, những tật ở lưỡi cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thói quen thở của bạn.
Ở trẻ em, những trẻ thường xuyên mút ngón tay sẽ dễ hình thành thói quen há miệng khi ngủ. Nguyên nhân là do trẻ đưa ngón tay vào miệng suốt thời gian dài, các cơ quanh miệng sẽ phát triển dựa trên thói quen này.
Đối với những người ngủ quên khi ngồi xe hoặc máy bay, thói quen há miệng xuất hiện thường xuyên hơn, nguyên nhân được cho là do cơ hàm được thả lỏng, trọng lực sẽ kéo hàm dưới xuống. Điều này cũng giải thích cho việc vì sao bạn hay gục đầu khi ngủ ngồi.
Thở bằng miệng trong khi ngủ có hại cho sức khỏe?
Câu trả lời là có. Nó thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt khi đường thở bị nghẽn. Ngoài ra, thói quen này cũng khiến bạn dễ mệt mỏi khi thức giấc, khả năng tập trung kém, thiếu oxy lên não.
Đối với những người đang niềng răng, há miệng khi ngủ sẽ làm quá trình chỉnh nha của họ kéo dài hơn bình thường.
Ngoài ra, kết quả niềng răng cũng bị ảnh hưởng và có thể khiến họ phải tiếp tục chỉnh nha thêm vài lần nữa.
Bên cạnh đó, thói quen há miệng khi ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cơ mặt, khiến cho xương gò má thấp, khuôn mặt dài hơn, vòm miệng hẹp và hàm dưới cũng thấp.
Ở trẻ em, thói quen há miệng khi ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển các cơ quanh miệng. Trên thực tế, một số trẻ đã phải trải qua quá trình điều chỉnh nha khoa để có thể khép miệng khi ngủ.