Cái lương đang được những nhà làm văn hóa "hồi phục". Còn đâu cải lương vang bóng một thời? Nhắc lại những kỷ niệm xưa chúng ta lại thêm thương nhớ bộ môn nghệ thuật này.
Hồi nhỏ, ở vườn lâu lắm chừng một năm mới có gánh cải lương về hát. Gánh hát tới chợ bằng vài chiếc ghe chài chở y trang, đạo cụ và diễn viên… Vào buổi xế chiều, nhân viên hậu đài dùng tôn và vải bố bao quanh nhà lồng chợ chuẩn bị cho suất diễn vào lúc bảy giờ tối.
Chạng vạng, xe lôi chở người trong gánh hát đi quanh mấy con đường thị trấn với tiếng trống thùng thùng cùng mấy tờ giấy giới thiệu tuồng được người ngồi trên xe phát hoặc thảy rơi dọc đường cho người ta lượm đọc biết vở tuồng sẽ diễn như thế nào. Con nít chúng tôi chạy theo sau xe vừa reo hò vừa xin mấy tờ quảng cáo ấy. Để rồi khi trời sụp tối, tiếng trống trước cửa nhà lồng chợ ầm vang hối thúc là chúng tôi náo nức tới nơi này.
Mặt tiền gánh hát cải lương xưa. Ảnh: TL
Trước cửa chợ có một quầy bán vé, người lớn đứng chen nhau mua. Con nít chúng tôi chỉ được ba má cho một ít tiền ăn bánh nên chẳng có tiền mua vé, dù vé con nít rẻ hơn vé người lớn. Thèm coi hát, vì một năm mới có một đoàn về biểu diễn bốn năm ngày, nên chúng tôi chỉ có cách năn nỉ người lớn dắt vào xem.
Chúng tôi còn một cách khác để vào rạp là “chui lỗ chó” vì rạp được bao quanh nhà lồng bằng một số tôn, còn lại toàn vải bố. Vải bố cũng không liền lạc vì có nhiều chỗ nối. Đó là nơi chúng tôi mạnh tay vạch rộng để chui vào. Để xem hết trọn tuồng cải lương, chúng tôi phải đứng mỏi cả chân và “ngóng cổ cò”. Có bữa không “chui lỗ chó” được hoặc không được người nào dẫn vào, chúng tôi vẫn được coi hát khi rạp mở cửa cho người ta vào coi “thả giàn”.
Ngày nay, xã hội ngày một phát triển với nhiều loại hình ca hát đa dạng, phong phú đáp ứng thị hiếu của giới trẻ, lấn át “thị phần” sân khấu cải lương.