Sa sút trí tuệ có thể xảy đến từ trước khi bạn kịp nhận ra. Bạn bỗng quên vị trí đồ vật hay những từ đơn giản, dùng từ không đúng, thay đổi tính cách... là dấu hiệu giảm sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm mức trí tuệ đã đạt được từ trước. Bệnh nhân sẽ bị giảm trí nhớ, giảm khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy nhận thức, hành động. Bệnh ảnh hưởng nặng đến chức năng sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của một người.
Các dạng sa sút trí tuệ
Do tuổi: Khó nhớ tên người mới gặp, quên một việc vừa dự định làm nhưng sau đó vẫn nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.
Do bệnh lý: Quên cách sử dụng những đồ vật đã từng dùng rất thường xuyên, gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận các thông tin mới, hay lặp lại một câu hoặc câu chuyện trong cùng buổi trò chuyện. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc giữ tiền và không thể giữ nếp sống sinh hoạt thường ngày.
Nguyên nhân
Bệnh Alzheimer, bệnh lý thoái hóa, sa sút trí tuệ mạch máu. Một số bệnh lý tổng quát như sốt cao, cơ thể bị mất nước, thiếu vitamin và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ cũng có thể gây sa sút trí tuệ.
Dấu hiệu nhận biết
Mất trí nhớ gần, thường quên và không nhớ lại được. Khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc. Có các vấn đề về ngôn ngữ, quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng.
Rối loạn định hướng. Giảm khả năng đánh giá. Có các vấn đề về tư duy. Quên vị trí đồ vật. Thay đổi khí sắc. Thay đổi cá tính. Mất tính chủ động.
Các triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ rất khó nhận biết. Nếu nghi ngờ bản thân hay người thân có những dấu hiệu của sa sút trí tuệ, nên đến các phòng khám trí nhớ để tham vấn bác sĩ. Không nên nghĩ đó là các dấu hiệu bình thường, để lâu khiến bệnh tiến triển nặng thêm. Chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ là bước quan trọng để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý.
Phòng ngừa
Gìn giữ sức khỏe là điều cần thiết để giúp bộ não hoạt động hiệu quả. Kiểm soát huyết áp kỹ, kiểm soát đường và cholesterol trong máu, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống các thuốc đa sinh tố và thuốc chống oxy hóa, tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần ổn định thoải mái... để phòng ngừa sa sút trí tuệ.