Được hưởng lợi từ đại dịch và duy trì hoạt động liên tục, nhóm công ty chứng khoán liên tục lập các kỷ lục lợi nhuận và mở rộng quy mô hoạt động.
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý III tương đối ảm đạm, được phản ánh qua con số tăng trưởng GDP gần nhất giảm sâu 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đại dịch cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghề phát triển, trong đó có chứng khoán.
Là một ngành dịch vụ thiết yếu, hoạt động của thị trường chứng khoán không bị gián đoạn do giãn cách xã hội trong giai đoạn vừa qua, và còn thu hút được dòng tiền nhàn rỗi lớn từ các cá nhân, tổ chức.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách nhà nước 9 tháng vẫn tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, nhờ một số lĩnh vực được hưởng lợi và duy trì được mức tăng trưởng khả quan như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
Tổng cục Thống kê tính toán mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt hơn 24.000 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020.
Sáu công ty đầu lãi nghìn tỷ
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới liên tục đạt mức cao. Lũy kế 9 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở thêm gần 1 triệu tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020.
Thị trường chứng khoán sôi động đã giúp cho các công ty môi giới đang ăn nên làm ra và liên tục mở rộng về quy mô hoạt động. Hàng loạt công ty đã tiến hành tăng vốn để bổ sung nguồn lực cho các hoạt động chính, qua đó ghi nhận sự tăng trưởng cao về kinh doanh.
Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đang là đơn vị có lợi nhuận tốt nhất trong ngành khi ghi nhận mức lãi kỷ lục 802 tỷ đồng trong quý III, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chủ yếu nhờ doanh thu tăng trưởng 39%.
Trong đó doanh thu từ hoạt động môi giới tăng 247% đạt 244 tỷ đồng khi TCBS vươn lên vị trí thứ 6 về môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE với 4,81% thị phần. Công ty cũng thuộc top 3 về cho vay ký quỹ (margin) chứng khoán với dư nợ gần 12.000 tỷ và vẫn còn dư địa cho vay thêm 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên nguồn thu chính của TCBS vẫn phần lớn từ hoạt động tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giữ vị thế độc tôn về thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE khi thu hút hơn 55.000 khách hàng đang đầu tư trái phiếu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty môi giới được hậu thuẫn bởi Techcombank ghi nhận doanh thu hoạt động cao gấp rưỡi cùng kỳ đạt 3.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế thu về 2.847 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng thông báo kết quả tích cực. Lợi nhuận sau thuế riêng công ty mẹ đạt 831 tỷ đồng và lũy kế từ đầu năm là 2.063 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2020.
Doanh nghiệp cũng đưa ra ước tính lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế từ đầu năm vào khoảng 2.100 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động và vượt 12% kế hoạch năm. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về mảng cho vay ký quỹ với dư nợ đạt mức kỷ lục 18.100 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu 9 tháng năm nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020
Đây đang là giai đoạn đột biến của khối ngành chứng khoán khi nhiều cái tên khác cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục và lần đầu bước vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn chỉ công ty mẹ VNDirect đã báo cáo lãi trước thuế kỷ lục 686 tỷ đồng, tăng 122% trong quý vừa qua. Tính lũy kế nhà môi giới chứng khoán này có lợi nhuận 1.822 tỷ đồng, gấp gần 3,3 lần so với cùng kỳ và vượt 14% kế hoạch năm. Công ty này đã vươn lên vị trí thứ 3 về môi giới tại HoSE với thị phần hơn 7,7%.
Chứng khoán HSC cũng thông báo thu về hơn 318 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III, tăng 124% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận lãi trước thuế tăng 135% lên mức 1.151 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ đồng dù chưa kết thúc năm tài chính.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) báo lãi quý vừa qua 399 tỷ đồng, tăng 245% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư. Công ty có lãi 1.031 tỷ đồng, tăng trưởng 146% sau 9 tháng hoạt động.
Đơn vị cuối cùng lọt nhóm lãi nghìn tỷ là Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) với lợi nhuận trước thuế 1.028 tỷ đồng kể từ đầu năm, gần gấp đôi cùng kỳ và vượt 37% mức kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Vẫn có công ty thua lỗ
Một biến động đáng chú ý là Chứng khoán VPS dẫn đầu về thị phần môi giới tại cả sàn HNX và HoSE nhưng quy mô lợi nhuận lại khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 8 (do công ty đẩy mạnh thị phần bằng các chương trình miễn giảm phí giao dịch).
Công ty báo cáo lợi nhuận trước thuế quý III tăng 53% so với cùng kỳ đạt 240 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, VPS ghi nhận 6.648 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 604 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng tăng lần lượt 149% và 66% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó một số công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn cũng đạt mức tăng trưởng rất cao trong kinh doanh. Chẳng hạn như Chứng khoán FPT có lãi tăng 625% sau 9 tháng, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) tăng trưởng 541%, Chứng khoán Thành Công (TCI) tăng 369%...
Dù hoạt động trong một ngành được hưởng lợi, không phải công ty nào cũng kinh doanh hiệu quả. Hoạt động của một số công ty chứng khoán vẫn ghi nhận sụt giảm đáng kể và thậm chí là thua lỗ.
Đơn cử, Chứng khoán Agriseco báo cáo lợi nhuận trước thuế quý III giảm đến 40% so với cùng kỳ chỉ còn 30 tỷ đồng. Dù vậy sau 9 tháng, công ty môi giới này vẫn đạt kết quả tích cực với con số lợi nhuận 342 tỷ đồng, tăng trưởng 239%.
Hay Chứng khoán VIX có lợi nhuận trước thuế quý vừa qua giảm hơn 4% về 178 tỷ đồng. Nhờ kết quả cao hồi đầu năm nên công ty vẫn có lợi nhuận đột biến 708 tỷ đồng, tăng 190% và xuất hiện trong top 10 công ty có lợi nhuận tốt nhất.
Thậm chí Chứng khoán Bảo Minh (BMS) còn báo cáo tiêu cực hơn với khoản lỗ sau thuế hơn 38 tỷ đồng trong quý III, chủ yếu do sự kém hiệu quả của bộ phận tự doanh chứng khoán - mảng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Dù vậy, lợi nhuận 9 tháng vẫn tích cực khi chuyển từ lỗ sang có lãi hơn 100 tỷ đồng.
VietBF @ Sưu tầm