Chúa Trịnh quanh năm ăn toàn sơn hào, hải vị, chả thiếu thức gì, mà vẫn không thấy ngon miệng.
Môt hôm, Quỳnh túc trực, Chúa bảo:
– Ta ăn đủ của thơm vật lạ, mà không biết ngon. Ngươi có biết thứ gì ngon thì nói cho ta hay?
– Tâu Chúa, Chúa đã xơi mầm đá chưa ạ?
– Vị ấy ngon lắm à?
– Dạ, ngon lắm.
– Thật như thế thì làm để ta nếm thử xem?
Quỳnh sai người lập tức đi lấy “mầm đá” về ninh nhừ để làm đồ ngự thực, còn mình thì lủi về nhà lấy một lọ tương ngon, một đĩa muối trắng. Lọ tương thì bịt thật kỹ ngoài đề hai chữ “Đại phong” đem sang giấu một chỗ.
Chúa đợi lâu, thấy đói bụng, hỏi:
– Mầm đá đã chín chưa ?
Quỳnh thưa:
– Chưa được.
Chốc chốc, Chúa lại hỏi, Quỳnh tâu:
– Thứ ấy phải cho thật chín, không thì lâu tiêu.
Khuya, Chúa lại hỏi. Quỳnh biết Chúa đói lắm rồi, mới tâu:
– Xin Chúa hãy xơi tạm vài thứ dã vị này, còn mầm đá xin dâng sau.
Rồi truyền dọn cơm tương với muối dâng lên. Chúa đang đói, ăn ngon miệng. Trông thấy lọ đề hay chữ “Đại phong” lấy làm lạ. Chúa hỏi:
– Mầm “Đại phong” là mầm gì mà ngon thế?
– Bẩm là đồ dã vị thường dùng.
– Là gì, nói lên cho ta biết?
– Bẩm tương ạ?
– Ngươi để hai chữ “Đại phong” là nghĩa là sao?
– Bẩm “Đại phong” là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tuợng lo là lọ tương.
– Lâu nay ta không ăn, quên mất cả vị, sao ngon thế?
– Tâu Chúa, quả không sai. Lúc đói thì ăn gì cũng ngon, no thì không thấy gì vừa miệng!
Chúa cười bảo:
– Ngươi nói phải. Thế ra ngươi làm cho ta thật đói để ăn cho biết ngon, chứ đợi mầm đá thì biết đến bao giờ cho chín.
VietBF@sưu tập
|