Khi xưa nhạc Việt cũng từng trình bày trên đất Mỹ
Không cần nhắc nhở dài dòng, ai cũng biết Phạm Duy là nhà dân ca nổi tiếng, là tác giả những bản nhạc tiền chiến quá phổ thông, quá quen thuộc với mọi giới đồng bào. Năm 1971 ông đáp lời mời của viện đại học Southern Illinois, sang Hoa Kỳ diễn thuyết về âm nhạc Việt Nam cùng với cựu giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Bảo, và Giáo Sư Trần Văn Khê. Buổi thuyết trình được thông báo bằng bích chương đầy đường phố và cuộc phỏng vấn cũng được truyền thanh cùng với chương trình diễn thuyết này.
Người Việt ở Mỹ trước 1975 gặp gỡ (hàng đầu từ trái) Giáo Sư Trần Văn Khê, Giáo Sư Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)
Trước một số khán giả đông nghẹt thính đường, Giáo Sư Trần Văn Khê trình bày về lịch sử âm nhạc Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Vĩnh Bảo nói về nhạc cụ và cách sử dụng, nhạc sĩ Phạm Duy thì trình diễn những bản dân ca nổi tiếng, trong đó, “Tiếng Xưa” và “Giọt Mưa Trên Lá” vẫn được hoan nghinh hơn cả.
Ðể gặp mặt thính giả một ngày với chương trình diễn thuyết, thảo luận và hòa nhạc, ba nhạc sĩ đã gặp nhau đề thảo luận liền trong mười lăm ngày trước. Cứ theo Phạm Duy thì Trần Văn Khê là người thông hiểu về âm nhạc Á Ðông như Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Ðộ, trong môi trường đó, ông nhìn nhạc Việt Nam một cách tường tận và thấu hiểu.
Giáo Sư Nguyễn Vĩnh Bảo thì quả là người nghệ sĩ tài hoa, chơi đàn đã hay mà làm đàn cũng khéo, đó là truyền thống xưa cũ của các cụ Việt Nam. Biết chơi đàn mà không biết làm đàn thì kể như chưa phải là người nghệ sĩ sành điệu về âm nhạc vậy.
Lúc ấy nhạc sĩ Vĩnh Bảo đã gởi về nước một bức thơ cho biết rằng, ông (Vĩnh Bảo), Phạm Duy và Trần Văn Khê được bên Mỹ hoan nghinh quá xá!
Rồi thì ông Vĩnh Bảo lại than rằng xứ người là vậy đó, người ta trọng cổ nhạc biết là chừng nào, trong khi tại Việt Nam thì nhạc sĩ cổ chịu cơ cực nhiều bề. Lúc ấy có người nói: Ấy vậy là Vĩnh Bảo trật rồi! Lâu lâu bên đó mới thấy có cây đờn tranh, đờn cò nên xúm lại coi. Vậy chớ giờ cho các ông sống hẳn bên đó mà tằng tắng tăng hay ò e hoài coi là họ có phát chán hay không?
Nhận định như vậy, người ta chẳng biết có đúng không? Giờ đây cổ nhạc Việt Nam ở Mỹ vẫn đầy, mà người Mỹ có thích nghe hay không là điều mà ai ai cũng biết vậy!
NV
|