Những tấm hình này ra đời cách đây đã hàng trăm năm và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Dưới đây là một số thông tin thú vị đằng sau những bức hình đã đi vào lịch sử.
|
Ảnh: Bữa trưa trên tòa nhà chọc trời |
Bức ảnh này khiến nhiều người nghi ngờ rằng có thể là giả mạo hoặc đã qua chế tác, nhưng nó lại là một bức ảnh thật.
Bức ảnh huyền thoại này chụp 11 công nhân đang ăn trưa trên tầng 69 của Tòa nhà RCA (hiện là Tòa nhà GE) ở New York, được chụp vào ngày 29/9/1932 bởi nhiếp ảnh gia Charles Ebbets.
Cùng ngày hôm đó, nhiếp ảnh gia Ebbets còn chụp một bức ảnh những công nhân này đang ngủ trưa trên dầm. Bức ảnh có tên gọi là ‘Những người đàn ông ngủ trên dầm’.
Sự thật thú vị:
Bức ảnh này được đề là ‘Vô danh’ trong nhiều năm liền. Chủ sở hữu quyền tác giả của bức ảnh không nhận ra Charles C. Ebbets là nhiếp ảnh gia cho đến năm 2003 sau nhiều tháng điều tra bởi một công ty điều tra tư nhân.
We Can Do It! (Chúng ta có thể làm được!)
Tấm áp phích này được sáng tạo bởi nghệ sĩ đồ họa người Mỹ J.Howard Miller. B
Bức ảnh trở thành biểu tượng của những người phụ nữ làm nhiệm vụ sản xuất nhu yếu phẩm cho chiến tranh. Tấm áp phích này vẽ hình ảnh một phụ nữ tên là Geraldine Doyle đang làm việc ở một nhà máy.
Trớ trêu là bà Doyle chỉ làm công việc đó trong vòng 2 tuần vì bà sợ những chấn thương ở tay sẽ khiến bà không chơi được violoncelle. Cho tới những năm 70, 80, tấm áp phích này mới nổi tiếng và nó bắt đầu được sử dụng bởi những người ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ ở nơi làm việc.
Sự thật thú vị: Geraldine Doyle không hề biết bà là người mẫu cho tấm hình này cho tới năm 1984. Khi đó, bà đọc một bài báo trên tạp chí Modern Maturity (hiện nay là tờ AARP) có đăng một tấm hình của bà khi nói về tấm áp phích nổi tiếng.
Albert Einstein
|
Ảnh: Albert Einstein |
Bức ảnh nổi tiếng của Albert Einstein được chụp vào ngày 14/3/1951 bởi nhiếp ảnh gia Arthur Sasse.
Sau một sự kiện ở Princeton để vinh danh Einstein vào ngày sinh nhật lần thứ 72 của ông, Sasse và các nhiếp ảnh gia khác đã cố gắng thuyết phục Einstein mỉm cười trước ống kính máy ảnh. Trong khi đó Einstein đang ở trong xe hơi, chuẩn bị trở về nhà và đã quá mệt mỏi với việc phải cười cả ngày.
Khi bị các nhiếp ảnh gia làm phiền, ông đã hét lên ‘Đủ rồi! Đủ rồi!’. Nhưng điều này không làm các nhiếp ảnh gia nản chí và cuối cùng nhà vật lý xuất sắc nhất mọi thời đại đã phản ứng như trong ảnh.
Bức ảnh này đã trở thành một trong những bức hình nổi tiếng nhất chụp Einstein.
Sự thật thú vị: Einstein thích bức ảnh này đến mức ông đã cắt nó ra để chỉ còn khuôn mặt của ông, sau đó sao chép chúng và gửi cho bạn bè trong những bức thiệp chúc mừng.
Bức ảnh ban đầu cho thấy Einstein đang ngồi ở ghế sau, giữa Tiến sĩ Frank Aydelotte – cựu giám đốc Viện Nghiên cứu cấp cao - và vợ ông.
Che Guevara
Bức ảnh nổi tiếng được biết đến với cái tên Guerrillero Heroico (du kích anh hùng) được chụp ở Havana, Cuba vào ngày 5/3/1960 bởi Alberto Korda.
Ông chụp bức hình này khi Guevara bất ngờ xuất hiện trên sân khấu trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, trong khi Fidel Castro đang ca ngợi các nạn nhân của vụ nổ La Coubre.
Bức chân dung đen trắng vẽ Che Guevara được hoàn thành vào năm 1968 bởi nghệ sĩ người Ailen Jim Fitzpatrick. Bức hình này được đánh giá là một trong số 10 hình ảnh mang tính biểu tượng nhất thế giới, cùng với bức Mona Lisa.
Sự thật thú vị: Nghệ sĩ Fitzpatrick đã thông báo trong năm nay rằng ông có ý định giữ bản quyền tác giả hình ảnh này.
Ông đang lên kế hoạch sẽ trao lại bản quyền cho gia đình của Guevara.
Nụ hôn trên Quảng trường Thời đại
Bức ảnh được chụp vào ngày 14/8/1945 bởi Alfred Eisenstaedt và được xuất bản một tuần sau đó trên tạp chí Life.
Bức ảnh này được chụp rất ngẫu nhiên. Chàng trai trao cho cô gái nụ hôn trên Quảng trường Thời đại khi chiến tranh Nhật Bản được thông báo là đã kết thúc.
Eisenstaedt chụp những bức hình rất nhanh trong suốt buổi lễ và không có cơ hội hỏi tên 2 nhân vật trong ảnh.
Không ai biết họ là ai cho đến cuối những năm 70 khi bà Edith Shain viết một bức thư cho Eisenstaedt nói rằng bà chính là cô gái trong ảnh.
Trong số những y tá tự nhận mình là cô gái trong ảnh, nhiếp ảnh gia Eisenstaedt chỉ tin tưởng bà Shain.
Bà đã kể về khoảnh khắc đó rằng một thủy thủ đã vòng tay ôm bà và trao một nụ hôn. Bà đã nghĩ có thể để anh ta hôn vì anh đã chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến tranh.
Bà Edith Shain qua đời năm 91 tuổi.
Cũng có một số người đàn ông đã nhận mình là người thủy thủ trong bức ảnh. Song người nổi bật nhất là ông Glenn McDuffie. Ông nói mình mới chỉ 18 tuổi khi chụp bức hình này. Ông McDuffie đã vượt qua 5 bài kiểm tra nói dối để xác nhận lại lời khẳng định của mình.
Sự thật thú vị: Không mấy ai biết rằng có một bức ảnh khác cũng chụp cặp đôi này trong cùng thời điểm đó nhưng ở góc độ khác. Nhà báo hải quân Victor Jorgensen là người đã chụp bức hình đó.
Nó cũng là một bức hình nổi tiếng, được đăng tải trên tờ New York Times vào ngay ngày hôm sau với cái tên ‘Nụ hôn tạm biệt chiến tranh’.
Ngô Nguyễn (Theo Listverse)