Một nhà nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản vừa sáng chế ra loại máy bay không người lái hình cầu, chuyên thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.
Đây là một sản phẩm sáng tạo của ông Fumiyuki Sato, kỹ sư nghiên cứu tại Viện Phát triển và Nghiên cứu Kỹ thuật Tokyo, thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Chiếc máy bay đặc biệt này có khả năng bay ở những địa hình hẹp, lượn vòng trên các mục tiêu, cất cánh theo phương thẳng đứng và thậm chí nảy trên mặt đất. "Đây là chiếc máy bay hình cầu đầu tiên trên thế giới",
AFP dẫn lời ông Sato.
Bản vẽ mô tả thiết kế của chiếc máy bay hình cầu. Đồ họa:
AFP
Với kích thước của một quả bóng và mang màu đen tuyền, chiếc máy bay hình cầu điều khiển từ xa này có thể truyền trực tiếp những hình ảnh thu được từ một camera gắn kèm. Toàn bộ khối hình cầu màu đen được nâng lên bằng một cánh quạt được đặt bên trong màng chắn, với những khe lớn để lưu thông khí. Kết cấu đặc biệt này giúp chiếc máy bay không bị hư hại dù có va vào tường hay rơi xuống đất.
Nghiên cứu để cải tiến thiết bị bay đặc biệt này vẫn đang tiếp tục, nhưng ông Sato cho rằng nó có thể trở thành một phương tiện truy kích hiệu quả trong tương lai, vì có thể bay phía trên các phương tiện lưu thông trong thành phố hoặc thu thập thông tin tình báo về một mục tiêu chỉ thông qua việc bay sát một ô cửa sổ.
Tuy nhiên, là một người theo chủ nghĩa hòa bình, ông Sato còn muốn phát minh của mình có thể tham gia vào các hoạt động phi bạo lực, ví dụ như tìm kiếm và cứu hộ tại các khu vực xảy ra thảm họa, nơi mà chiếc máy bay hình cầu có thể bay len lỏi giữa các tòa nhà và thậm chí lên xuống cầu thang một cách bình thường.
Mẫu máy bay hình cầu mà ông Sato vừa cho ra mắt là mẫu thử nghiệm thứ bảy, được trang bị một cánh quạt đơn và có thể đạt tới tốc độ 60 km/giờ. Nhà sáng chế người Nhật cho hay tất cả các linh kiện của chiếc máy bay đều có thể tìm thấy trong các cửa hàng ở khu đồ điện tử Akihabara tại thủ đô Tokyo, hoặc tại các cửa hàng 100 yen nơi mà các món đồ được bán với giá đồng hạng 1 USD hay cũng có thể tìm được trên Internet.
Ông Sato đang điều khiển chiếc máy bay hình cầu của mình. Ảnh:
AFP
Tuy nhiên, ông Sato thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi chiếc máy bay hình cầu có thể được đưa vào sử dụng trong thực tế, bao gồm việc thêm vào chức năng tự lái cũng như khả năng tìm đường trong điều kiện thời tiết xấu và nhiều gió.
Một ví dụ để thấy chặng đường dài để đi từ thử nghiệm tới thực tế của chiếc máy bay hình cầu, đó là nó không được sử dụng trong việc khắc phục sự cố hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima I, vì chỉ có thể bay trong tầm nhìn của người điều khiển. Những nhược điểm của chiếc máy bay này còn là khả năng thăng bằng chưa tốt ở trên không cũng như chưa thể dừng lại giữa khoảng không một cách nhanh chóng.
Phan Lê
Theo VNE