(Phunutoday) - Ấp Mương Tra là một ấp nghèo thuộc xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Chính vì cuộc sống nghèo khó nên người dân nơi đây rất chăm chỉ, cần cù, lo cho cái ăn, cái mặc và sống cuộc sống an phận thủ thường.
Nhưng khoảng 15 giờ 45 phút, ngày 9-11-2011, trong khi người dân tỉnh Sóc Trăng đang nô nức kéo nhau đi xem “Festival Lúa gạo” với những lễ hội đua ghe tưng bừng sôi nổi thì tại ấp nghèo Mương Tra bỗng dưng “dậy sóng” vì cái tin Lê Hồng Phi (tên thường gọi là Tiểu Phi, sinh năm 1975), vì ghen tuông mà giết chết người vợ đầu ấp tay gối của mình, để lại hai đứa trẻ lạc loài mất mẹ.
Ma men giết chết tình yêu
Sự việc diễn ra trước mắt; người dân vẫn không khỏi bàng hoàng, thương xót. Không ai tin, người đàn ông hiền lành, chất phác, rất yêu thương vợ như Tiểu Phi lại đủ can đảm dùng dao đâm vợ. Vết thương nơi đùi trái tưởng chừng không nghiêm trọng, song đã làm đứt động mạch chủ. Do không biết cách băng bó, cầm máu kịp thời nên người vợ qua đời tại bệnh viện.
Còn Tiểu Phi bị Công an Điều tra huyện tạm giữ để làm rõ động cơ gây án. Không ít người dù không ruột rà máu mủ nhưng không cầm được nước mắt khi thấy hai đứa trẻ khóc ngất bên xác mẹ. Ngay từ giây phút thảm kịch này, hai đứa trẻ sẽ chịu cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa khi mẹ chúng vĩnh viễn ra đi, còn người cha thì phải vào tù vì tội giết người. Nước mắt đầm đìa, bà mẹ già lưng còng, tóc đã bạc của nghi phạm Phi cũng chới với trước tình cảnh éo le ập đến gia đình nghèo của mình.
Tất cả những người hàng xóm, láng giềng của Tiểu Phi và nạn nhân đều có chung nhận xét: “Cái thằng Tiểu Phi thường ngày hiền như cục đất và tốt bụng lắm. Gia cảnh nó nghèo nhưng biết chí thú làm ăn nên cả xóm, ai cũng quý, cũng thương. Nó là đứa hiếu thảo với cha mẹ, làm được bao nhiêu tiền nó cũng dành dụm gởi về cho mẹ. Hai vợ chồng sống rất thuận thảo, chưa bao giờ làm phiền lối xóm. Chỉ có một điều là mỗi lần có rượu vô, nó cộc cằn với vợ vì ghen. Nó yêu vợ nên mới ghen. Nhưng ngặt nỗi, mỗi khi nó ghen thì con vợ lại chửi lốp bốp tề thiên”.
Sở dĩ người ta bảo vợ của Phi - chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1975) - là miệng “lốp bốp tề thiên” cũng có lý do. Cái nghĩa của cụm từ “lốp bốp như tề thiên” ý nói là người mồm mép nhưng không ác ý, có chuyện gì là cứ chửi toáng lên, nhưng trong dạ không cố ý hạ nhục người bị chửi. Chính vì cái tật đốp chát khi bị chồng ghen trong cơ say ấy nên Thúy cũng thường bị rượt chạy mỗi khi chồng ngà men say.
Cứ mỗi lần nhậu vào là y như rằng Phi lè nhè nhắc lại điệp khúc “10 năm tình cũ” và bóng gió ghen tuông. Những người địa phương lẫn gia đình đều không giải thích được vì sao anh Lê Hồng Phi chỉ ghen khi có rượu trong người.
Lần ngược về khoảng thời gian 14 năm trước, khi mới bước sang tuổi 22, cái tuổi háo thắng của một thanh niên trẻ, Tiểu Phi đã cưới vợ để được bằng bạn bè trong xóm, mặc dù cưới vợ về là thêm một gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Nhà nghèo nhưng hai vợ chồng trẻ vẫn đầm ấm hạnh phúc.
Kết quả của tháng ngày mặn nồng là một cặp song sinh 1 trai 1 gái chào đời. Nhà có thêm người mà không có đất sản xuất, quanh năm cắm mặt làm thuê, làm mướn vẫn không đủ sống, Phi quyết định gởi con cho mẹ ruột của Phi là bà Tư Oanh rồi cùng vợ khăn gói lên Bình Dương kiếm kế sinh nhai bằng nghề thu hoạch nhựa cao su.
Cuộc sống lao động cực nhọc, chân tay chai sần theo năm tháng, nhưng tâm hồn Phi thì luôn phơi phới với chuyện tình yêu lãng mạn. Nhưng chuyện tình ấy không phải với vợ mà tình cảm đó được trao cho người phụ nữ khác. Người phụ nữ mà Phi đem lòng yêu thầm nhớ trộm là một nữ tiếp viên bán nước giải khát đã có chồng. Nữ tiếp viên quê ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Yêu và khát khao được đổi đời đã khiến Phi quên duyên xưa với người vợ cũ đã có với anh hai mặt con.
Cuộc tình vụng trộm này kéo dài một thời gian và làm cho đầu óc Phi mụ mị, Phi quyết bỏ vợ để sống chính thức với người yêu mới. Sau khi quyết định chia tay với người vợ một thời lam lũ cùng mình, Phi dắt người vợ mới trở về quê Long Phú, Sóc Trăng sinh sống. Người vợ mới của Phi chính là chị Nguyễn Thị Thúy (người phụ nữ bạc số mà Phi vừa đâm trọng thương dẫn đến tử vong).
Bị chồng phụ bạc, bỏ rơi giữa chốn quê người, vợ cũ của Phi đau khổ, tuyệt vọng. Trong những ngày cô đơn ấy, không biết do duyên phận hay có sự cố ý sắp đặt mà vợ cũ của Phi đã gặp chồng cũ của Thúy. Hai con người bị phụ tình gặp nhau, cùng chia sẻ nỗi đau và nhanh chóng kết hợp thành một “cặp đôi hoàn hảo”. Có người cho rằng, để trả thù chồng nên vợ cũ của Phi đã lấy chồng của tình địch để. Cuộc tình tréo ngoe của hai cặp vợ chồng này có vẻ ngoài êm ấm nhưng bên trong có những trắc ẩn mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mới đau với những bất trắc như những cơn sóng ngầm cứ mãi trào dâng trong lòng họ.
Phi trở về quê nghèo với hai bàn tay trắng, không vốn, không đất sản xuất. Để vun vén cho cuộc tình mới, Phi nai lưng đi làm thuê đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Chị Thúy thương chồng nên cũng tất tả buôn gánh, bán bưng. Hai người ở với nhau có hai đứa con cũng 1 trai, 1 gái.
Tuy là tình muộn nhưng họ yêu thương nhau hết mực. Cũng vì quá yêu nên Phi hay ghen với quá khứ của Thúy, dù biết rằng hiện tại, chồng cũ của Thúy giờ đã là chồng của vợ cũ mình. Mỗi lần Phi nhớ đến quá khứ cuộc tình trước của Thúy là lại mượn rượu để… ghen.
Uống rượu giải sầu nhưng sầu không vơi mà càng khiến cơn ghen, mối nghi ngờ của Phi càng ngày càng sôi lên. Phi lè nhè nhắc chuyện cũ của Thúy với những lời lẽ không hay ho gì. Mỗi lần bị chồng ghen, chửi bóng gió, thay vì nhẫn nhịn, Thúy lại la mắng để lấn át. Hai vợ chồng chửi nhau chí chóe nhưng khi Phi tỉnh rượu, thì mọi người thấy hai vợ chồng Phi lại hòa thuận, quấn quýt nhau như chưa có chuyện gì xảy ra.
Cách nay hơn 5 tháng, Phi tuyên bố cai rượu. Lúc bấy giờ, anh mới nhận ra suốt thời gian mình say bét nhè, một mình vợ buôn gánh, bán bưng không đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày nên phải vay mượn với số nợ lên đến vài chục triệu. Thế là hai vợ chồng bàn nhau đi làm ăn xa. Họ quyết gởi con cho bà nội, rời quê lên thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân xây dựng để mong kiếm tiền trả hết số nợ.
Ngày 7-11-2011, để dành được chút ít tiền, hai vợ chồng Phi về thăm con và cũng để trả dần số nợ vay. Sáng ngày 9-11, hai vợ chồng Phi sửa soạn đồ đạc để ngày hôm sau trở lên thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục làm thuê. Sắp xếp xong mọi việc, Phi đi tìm bạn bè uống rượu để chia tay. Đến trưa, Phi ngật ngưỡng trở về nhà trong cơn say.
Bà Tư Oanh và hai đứa cháu côi cút
Thấy chồng đã cai rượu, chí thú làm ăn, hôm nay bỗng dưng trở chứng nhậu say bét nhè, chị Thúy bực bội cằn nhằn. “Bệnh ghen” trong cơn say tái phát, Phi lại nhắc quá khứ không đẹp của vợ để mỉa mai, chửi bới. Lời qua tiếng lại, hai vợ chồng Phi lao vào nhau ẩu đả. Chòm xóm nháo nhào lao vào can ngăn, kéo hai người ra.
Thúy giận chồng, đứng ngoài sân tru tréo chửi đổng. Lập tức, Phi chạy xộc vào nhà lấy con dao xếp rượt đuổi vợ. Tóm được vợ, Phi vật chị xuống, vung dao đâm vào đùi trái. Phi không thể ngờ cú đâm đã khiến động mạch chủ bị đứt, Thúy chết vì không cầm được máu. Vẫn còn trong cơn say, Phi thẫn thờ như người mất hồn. Cho đến khi ngồi trước cơ quan điều tra Công an huyện, Phi mới bật khóc như đứa trẻ. Phi hối hận thì đã quá muộn.
Người mẹ đáng thương của hung thủ giết vợ
Cơn mưa cuối mùa khiến căn nhà tình thương cũ nát, trống hoác của bà Tư Oanh càng thêm lạnh lẽo. Hương nhang cúng vong người chết phảng phất trong gió khiến không gian tang tóc thêm u uất, thê lương. Tuy Phi là hung thủ giết vợ, nhưng những người hàng xóm không oán trách, nguyền rủa nhiều mà họ còn tỏ ra tiếc thương và đau lòng cho hoàn cảnh gia đình của Phi. Họ kéo nhau đến nhà hỏi han, động viên, chia sẻ nỗi đau với bà Tư Oanh.
Gương mặt phúc hậu và cam chịu khắc khổ của bà Tư Oanh ướt đẫm nước mắt xót xa. Không đau sao được khi ở cái tuổi gần đất xa trời, bà lại mất chỗ nương tựa cuối cùng của cuộc đời. Đứa con trai hiền lành của bà bỗng dưng trở thành hung thủ giết chết người vợ của mình. Chị Thúy qua đời, Phi vướng vòng lao lý. Xét cho cùng, cả hai đều là nạn nhân của ma men. Tuy nhiên, vẫn còn ba nạn nhân đáng thương khác chịu ảnh hưởng từ vụ án mạng. Đó là bà Tư Oanh - mẹ ruột của Phi và hai đứa con còn thơ dại của Phi và chị Thúy. Đứa lớn 8 tuổi, đang học lớp 2 và đứa nhỏ chỉ mới 3 tuổi.
Những người hàng xóm cho biết, bà Tư Oanh rất hiền lành và chân thật. Bà góa bụa vào năm 40 tuổi. Để có tiền thuốc thang chống chọi cơn bạo bệnh của chồng, bà đã bán hết đất sản xuất, chỉ chừa lại cái nền nhà. Chồng chết, không đất sản xuất, bà phải lam lũ làm thuê nuôi ba đứa con, 1 trai, 2 gái. Khi trưởng thành, hai cô con gái cũng lấy chồng nghèo nên không giúp đỡ cho bà bao nhiêu.
Hằng ngày, bà lân la ra chợ xin rửa chén cho các quán ăn để có cơm ăn. Thấy bà quá nghèo, không đủ tiền sửa sang lại ngôi nhà sắp sập, chính quyền địa phương vận động Mạnh Thường Quân cất cho bà căn nhà mái tôn và tặng sổ hộ nghèo. Dù nghèo, bà và con dâu rất hòa thuận, thương yêu nhau. Buổi sáng, trước khi tai họa xảy ra, người ta trông thấy bà âu yếm vuốt tóc con dâu.
Kể từ khi Phi và Thúy dắt nhau lên thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân xây dựng, bà phải ở nhà chăm hai đứa cháu nội. Dù đồng lương không bao nhiêu nhưng vợ chồng Phi cũng gởi được chút ít tiền để bà xoay sở.
Bà nức nở: “Nhờ thằng Phi và vợ nó gởi tiền về, tui mới có cái ăn hằng ngày. Bây giờ, một đứa chết, một đứa vô tù, lại phải nuôi hai đứa con côi cút của tụi nó, tui không biết phải mần sao?”. Dù đã 60 tuổi nhưng bà vẫn khẳng định mình đủ sức làm thuê để nuôi cháu. Điều bà băn khoăn lo lắng là hai đứa bé còn quá nhỏ, không thể tự chăm sóc mình.
Hai đứa trẻ quấn quýt bên bà, ngây thơ cười nói, càng khiến những người chứng kiến xót lòng thương hại. Chỉ vì một chút nông nổi do rượu, Phi đã đẩy tất cả những người thân của mình vào bước đường nghiệt ngã.
Huyền Thoại