Chất làm đầy (filler) được lạm dụng nhiều trong công nghệ thẩm mỹ ngày nay.Bên cạnh những trường hợp đẹp lên nhờ tiêm chất làm đầy filler,song cũng có rất nhiều trường hợp bị biến dạng nghiêm trọng sau khi tiêm filler.
Chất làm đầy (filler) được dùng rộng rãi và an toàn trong việc làm đẹp bằng phương pháp không xâm lấn bởi nó có thể bù đắp những khuyết hổng tổ chức nhỏ trên cơ thể. Tuy nhiên, việc lạm dụng filler sẽ gây biến chứng trầm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.
Rất dễ gây biến chứng
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về vụ việc một nạn nhân nữ tên là Nguyễn Thị H, 23 tuổi, quê Quảng Ninh, sống ở Hà Nội bị hoại tử môi dưới phải nhập viện do biến chứng sau khi tiêm filler tại spa ở ngõ Vạn Kiếp, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trao đổi với Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về việc làm đẹp bằng filler, PGS.TS Tài Sơn cho biết, filler là tổng hợp từ nguồn động vật và từ vi khuẩn lên men.
Nhìn chung filler là chất rất an toàn và được dùng rộng rãi trong thẩm mỹ nội khoa - bơm làm đầy, bởi nó có thể bù đắp lại những khuyết hổng tổ chức nhỏ trên cơ thể. Filler được tiêm vào cơ thể người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp không xâm lấn mà trên thế giới đã áp dụng chất này trong thẩm mỹ từ những năm 2000.
Mục đích của filler là làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận rất nhỏ nào đó trên cơ thể như: môi, mí mắt, viền mắt, ngực, mông… với 1 lượng rất nhỏ chỉ 1 đến vài xi-lanh nếu đảm bảo tuân thủ quy tắc, liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác.
Khi ấy, các phân tử HA có trong filler sẽ đổ đầy các thể tích mô giúp vị trí được tiêm đầy hơn, cao hơn và có hình dáng như mong muốn. Nhưng nếu lạm dụng bơm với thể tích lớn, người sử dụng chất này không có kỹ thuật sẽ gây những tai biến, tai nạn cho người dùng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Lấy dẫn chứng với hình ảnh của những ca bị biến chứng nặng nề, có người bị méo mó khuôn mặt, sưng vù, biến dạng… PGS.TS Nguyễn Tài Sơn còn chỉ ra những khối vón cục, hoặc hoại tử qua hình ảnh chụp phim.
Ông cho biết: “Tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi cùng các đồng nghiệp đã phải khắc phục sự cố, thậm chí cấp cứu cho rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy. Với chị em phụ nữ, phần lớn các trường hợp bị biến chứng do lạm dụng tiêm filler nâng mũi bị biến dạng hoặc sưng tấy, môi hoại tử hoặc ngực bị viêm nhiễm dẫn đến xơ hoá, vón cục như quả cam, quả chanh dẫn đến nhiễm trùng…
Chúng tôi phải khoét bỏ hoàn toàn phần ngực hoặc chích nạo vét khối hoại tử đó và tái tạo bộ phận mới. Nguy hiểm nhất với cánh mày râu, đa phần họ dùng filler tiêm vào dương vật nhằm tăng kích thước, đến khi viêm nhiễm, đau đớn chúng tôi lại phải giúp họ khắc phục hậu quả đáng tiếc này”.
Không nên nâng mũi, nâng ngực… bằng filler
PGS.TS Tài Sơn khuyên mọi người không nên tiêm filler để nâng mũi, bởi filler là chất lỏng, không thể đậu trên sống mũi lâu được mà chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chảy tràn sang hai bên cánh mũi, làm mũi bị bè, to, rất xấu. Mặt khác, nếu lạm dụng tiêm nhiều chất này ở những cơ sở không được cấp phép trong khi tay nghề kỹ thuật viên không chuyên nghiệp sẽ dẫn đến biến chứng như: nhiễm trùng, hoại tử do filler không đảm bảo.
Qua sự cố mà các bác sĩ ở BV 108 thường xuyên phải khắc phục và đặc biệt việc cô gái bị biến dạng môi sau khi làm đẹp bằng chất filler, PGS.TS Tài Sơn khuyến cáo về cách nhận dạng loại filler an toàn: “Hiện nay chỉ có một số loại, chủ yếu của Mỹ, Thụy Sĩ, Pháp và Ukraine được Bộ Y tế cấp phép. Về bản chất, chúng giống nhau, chỉ khác nhau về hãng. Loại an toàn chỉ đóng trong một xi-lanh có hàm lượng nhất định chỉ 1cc, dùng xong vứt đi. Lưu ý, các dung dịch được đóng trong chai, lọ đều là những dung dịch trôi nổi, không được kiểm nghiệm sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng”.
PGS. Tài Sơn cho biết, cách làm đẹp này chỉ phù hợp với trường hợp như muốn làm đầy với thể tích từ một đến vài xi-lanh, còn việc làm đẹp để bơm má, nâng ngực và mông… thì cần phải tiêm với dung lượng lớn trong khi những bộ phận này có nhiều mạch máu. Nếu tiêm không chuẩn rất dễ dẫn tới biến chứng và tử vong./.