Mạng xã hội Douyin của Trung Quốc vài tháng trước xuất hiện nhiều video chia sẻ về một món ăn đường phố mới của Thành Đô, Tứ Xuyên, được gọi là "tóc nướng muối ớt".
Hầu hết các video, người quay đều ăn món này một cách ngon lành. Đặc sản này đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong cộng đồng mạng.
Sự thật về món 'tóc nướng muối ớt' gây sốt ở Thành Đô
Nhiều người tò mò bày tỏ ý muốn khám phá món ăn độc đáo này. Theo họ, tuy phần nguyên liệu có vẻ ngoài lạ mắt nhưng nếu ngon thì có thể chấp nhận được. Số khác lại tỏ ra e ngại, thậm chí sợ hãi trước hình ảnh "tóc" dày đặc như vậy. Thậm chí có người còn thẳng thắn: "Thứ này không phải bị cấm sao? Người bán lấy nguồn cung từ đâu vậy?".
Một vài tài khoản cho biết hình ảnh về món "tóc nướng muối ớt" khiến họ không nuốt nổi. Nhóm người này quyết định lựa chọn các món ăn truyền thống và không sẵn sàng tiếp nhận những nguyên liệu mới lạ.
Có người lại đùa rằng: "Hãy thử tưởng tượng khi bạn đang chuẩn bị ăn thì một đĩa "tóc nướng muối ớt" được mang ra. Cảnh này chẳng phải rất ngầu sao?". Một số ý kiến lại băn khoăn về người đã tạo ra món ăn đặc biệt này, quả thật là rất sáng tạo.
Một bộ phận khác, đặc biệt là những người mắc hội chứng Chaetophobia - sợ những thứ như lông, tóc - cũng bày tỏ sự khó chịu trước hình ảnh của món ăn. Phản ứng đa dạng của cư dân mạng cho thấy tâm lý dung nạp khác nhau của mỗi người.
Đối với những tín đồ ẩm thực thích khám phá, món "tóc nướng muối ớt" này chính là một trải nghiệm vị giác thú vị.
Khi cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, nhiều chuyên gia ẩm thực đã lên tiếng giải thích về món "tóc nướng muối ớt" của Thành Đô. Món ăn này thực chất không phải là tóc người như nhiều người hiểu lầm. Nguyên liệu chính của món ăn đường phố này là loại tảo lam được gọi là Hải Phát, chúng mọc ở những vùng sa mạc khô hạn như Cam Túc, Thiểm Tây, Thanh Hải, Tân Cương và Nội Mông.
Tảo Hải Phát lần đầu được ghi nhận vào thời kỳ nhà Thanh. Theo ghi chép trong sách sử, tảo Hải Phát không chỉ có đặc tính giòn và ngon mà còn có các công dụng như lợi tiểu, tiêu đờm, thanh lọc cơ thể và giúp nhuận tràng.
Loại tảo này sau khi được thu hoạch sẽ được phơi khô. Vì tảo Hải Phát có hình dạng sợi và màu sắc sẫm, nên người ta thường gọi nó là "rau tóc". Người dân ở Đài Loan, Macau và Hong Kong rất ưa chuộng loại thực phẩm này.
Loại tảo lam này còn được gọi là "Fa Cai", tương tự như cách phát âm của từ "phát tài" trong tiếng Trung. Vì thế, nó thường được nấu thành canh hoặc súp để thưởng thức vào đêm giao thừa nhằm mong muốn cầu may mắn. Gần đây, tảo này đã trở nên phổ biến như một món ăn vặt trên các con phố ở Thành Đô, khiến một số người lầm tưởng rằng những thực khách khác đang ăn tóc.
|