Nếu tính từ khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức và tỷ phủ Musk bắt đầu 'nắm quyền', cổ phiếu của Tesla đã mất khoảng 38% giá trị.
Giám đốc điều hành (CEO) của nhà sản xuất ô tô điện Tesla, tỷ phú Elon Musk, tại một sự kiện ở Gruenheide, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo CNN, tỷ phú Elon Musk đang phải gánh chịu sự tức giận không chỉ đến từ các nhân viên chính phủ đứng trước nguy cơ thôi việc mà còn đến từ các nhà đầu tư tại Phố Wall với việc nhằm vào cổ phiếu hãng xe điện Tesla.
Cổ phiếu của hãng xe điện Tesla đã tăng vọt 91% sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ và đạt đỉnh ngay trước thời điểm Giáng sinh. Khi đó, các nhà đầu tư dự đoán tỷ phú Musk và công ty ô tô điện của ông sẽ là những bên chiến thắng lớn nhờ nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Tổng thống Donald Trump.
Tỷ phú Musk là người ủng hộ tài chính lớn nhất cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong suốt chiến dịch tranh cử. Kể từ đó đến nay, vị tỷ phú công nghệ này đã là một thành viên có ảnh hưởng lớn trong chính quyền của ông Trump. Với vai trò là người đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) hiện nay, ông đã cố gắng áp dụng các biện pháp cắt giảm sâu nguồn ngân sách đã được Quốc hội Mỹ chấp thuận trước đó và tiến hành sa thải hàng loạt nhân viên liên bang.
Tuy nhiên, có vẻ không tương đồng với sức ảnh hưởng của bản thân, cổ phiếu hãng xe điện Tesla của tỷ phú Musk đã giảm 5,6% trong phiên giao dịch hôm ngày 6/3 và hiện đã giảm 45% so với mức đỉnh điểm vào tháng 12/2024. Nếu tính từ khi Tổng thống Trump chính thức nhậm chức và tỷ phủ Musk bắt đầu “nắm quyền”, cổ phiếu của Tesla đã mất khoảng 38% giá trị.
Giá cổ phiếu Tesla giảm dường như đang phản ánh những mối lo ngại rằng tỷ phú Musk đã trở thành một nhân vật nổi bật theo chiều hướng “gây tranh cãi” trong chính quyền Mỹ thay vì những gì được nhiều nhà đầu tư mong đợi sau cuộc bầu cử vào năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư có lẽ đã nghĩ rằng tỷ phú Musk sẽ chỉ đóng vai trò cố vấn theo kiểu “hậu trường” truyền thống, thay vì trực tiếp tham gia vào việc thực thi các chính sách hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng tỷ phú Musk có quá nhiều mối bận tâm đang sở hữu và điều hành nhiều công ty hàng đầu bên cạnh Tesla như SpaceX, Neuralink và X.
Sự sụt giảm giá trị của cổ phiếu Tesla dường như cho thấy những thách thức mà công ty này đang phải đối mặt. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các hãng xe khác, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những doanh nghiệp đã đạt được những bước tiến đáng kể cả trên thị trường nội địa lẫn tại châu Âu.
Cho dù là vấn đề gì đi nữa thì rõ ràng là doanh số bán hàng sụt giảm của Tesla đang kéo giá cổ phiếu của hãng này đi xuống và các nhà đầu tư đang cố gắng tìm kiếm một động lực, một niềm tin để có thể chứng kiến doanh số bán hàng của Tesla tăng lên trong tương lai.
Doanh số xe điện Tesla trên toàn cầu sụt giảm
Trong khi doanh số bán xe điện tại châu Âu tăng vọt 34% vào tháng 1, doanh số bán xe Tesla lại giảm mạnh 50%. Theo Reuters , doanh số bán xe Tesla tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của công ty chỉ sau Mỹ, đã giảm tới 29% trong 2 tháng đầu năm.
Theo ước tính của Cox Automotive, doanh số bán hàng của Tesla tại Mỹ cũng đã giảm 16% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.
Nhà phân tích Gordon Johnson – người thường xuyên có các phát biểu chỉ trích Tesla - cho biết: “Doanh số của ông ấy (Musk) trên toàn cầu đang giảm mạnh. Doanh số giảm ở Trung Quốc là do cạnh tranh, nhưng ở các quốc gia phương Tây, mọi người tức giận với ông ấy. Cho dù điều đó có làm giảm doanh số ở các quốc gia phương Tây hay do cạnh tranh thì cũng không quan trọng. Ông ấy chẳng thể làm gì để đảo ngược tình hình. Và chúng ta biết ông ấy sẽ không có xe tự lái hoàn toàn. Tôi nghĩ đây có thể là năm mà cổ phiếu của Tesla cuối cùng cũng sụp đổ”.
Không chỉ ông Gordon Johnson mà ngay cả những nhà đầu tư lạc quan cũng hoài nghi về mục tiêu tăng trưởng của Tesla trong năm nay.
Ông Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management cho biết rằng các nhà đầu tư đang dần điều chỉnh kỳ vọng về lượng xe của Tesla được giao trong năm nay. Ông nói thêm: “Ba hoặc bốn tháng trước, ông Musk đã dự báo tăng trưởng giao xe từ 20% đến 30% vào năm 2025. Và sau đó một tháng trước, ông ấy không đề cập đến mục tiêu trước đó - điều mà các nhà phân tích và nhà đầu tư đã đúng khi cho rằng điều này có nghĩa là mục tiêu đó không còn nằm trên bàn nữa".
Lý do đến từ chính tỷ phú Musk?
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu phần trăm sự sụt giảm của Tesla đến từ chính “hình ảnh chính trị” của tỷ phú Musk. Ông Munster, người tự nhận là một nhà đầu tư lạc quan với Tesla, cho rằng khoảng 3/4 nguyên nhân là do phản ứng tiêu cực từ công chúng.
"Vào thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, chưa rõ ông Musk sẽ đóng vai trò thế nào (trong chính quyền Tổng thống Trump). Một số người nghĩ rằng toàn bộ chuyện DOGE sẽ không thành hiện thực. Nhưng đến thời điểm này, các nhà đầu tư Tesla đang nhìn nhận ông Musk như một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả ông Trump. Điều đó gây tổn hại đến thương hiệu", ông Munster cho biết.
Vào cuối tuần trước, một số cuộc biểu tình đã nổ ra bên ngoài các cửa hàng Tesla tại nhiều nơi trên nước Mỹ. Một số báo cáo cho thấy đã có các vụ phá hoại xe Tesla. Một người đã bị bắt ở Loveland, bang Colorado, và đối mặt với cáo buộc hình sự liên bang sau các hành vi phá hoại cùng với việc sở hữu "thiết bị gây cháy nổ."
Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi trong mức độ “khao khát” sở hữu một chiếc Tesla đến từ dữ liệu của S&P Global Mobility - tổ chức theo dõi doanh số bán xe theo từng bang. Báo cáo này phân chia dữ liệu thành hai nhóm: các bang "xanh" – nơi ứng viên đảng Dân chủ giành chiến thắng trong bốn cuộc bầu cử tổng thống gần nhất và và các bang "đỏ" - nơi đảng Cộng hòa thắng liên tiếp bốn kỳ bầu cử. Trong từng nhóm, tổ chức này đã xem xét tỷ lệ trung thành, tức là phần trăm hộ gia đình đã mua hơn một chiếc Tesla.
Tại các bang xanh, tỷ lệ khách hàng mua lại Tesla đã giảm từ 72% trong quý 4/2023 xuống còn 65% vào quý 4/2024. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các bang đỏ đã tăng nhẹ, từ 47,6% vào cuối năm 2023 lên 48,2% trong 3 tháng cuối năm 2024.
Sự sụt giảm “lòng trung thành” của khách hàng tại các bang xanh khiến hãng Tesla mất khoảng 1 điểm phần trăm thị phần ở những khu vực này, bao gồm cả các thị trường ô tô lớn nhất nước Mỹ như California.
Một cuộc khảo sát vào tháng trước của Morning Consult cũng cho thấy gần 32% người mua xe tại Mỹ “sẽ không cân nhắc” mua một chiếc Tesla. Con số này đã tăng so với mức 27% trong cuộc khảo sát một năm trước và 17% vào tháng 2 năm 2021. Ngược lại, chỉ 16% người mua xe tiềm năng trong khảo sát gần đây cho biết họ gần như chắc chắn hoặc rất có khả năng chọn Tesla, một con số không thay đổi nhiều trong 4 năm qua.
Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều phản ứng tiêu cực đối với tỷ phú Musk, bao gồm cả các video ghi lại cảnh người dân phản ứng với chiếc xe Cybertruck tại sự kiện Mardi Gras ở New Orleans, buộc cảnh sát phải hỗ trợ đưa phương tiện ra khỏi khu vực. Nhiều người còn công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các vụ phá hoại xe Tesla hoặc tai nạn liên quan đến các cửa hàng và phương tiện của hãng.
Những vai trò khác của tỷ phú Musk
Bên cạnh đó, nhiều người đánh giá việc sụt giảm của Tesla dường như có liên quan đến sự lo ngại tỷ phú Musk đang mất tập trung vào công việc điều hành Tesla. Ông Munster có những phát biểu ám chỉ rằng công việc của tỷ phú Musk không chỉ là Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla mà còn là SpaceX, chủ sở hữu chính của nền tảng truyền thông xã hội X, cũng như là người sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo xAI và Neuralink - công ty có mục tiêu cấy chip máy tính vào não người để điều khiển máy tính.
“Tôi nghĩ rằng có những hạn chế tự nhiên đối với những gì ông ấy có thể làm. Ông ấy có rất nhiều thứ đang diễn ra”, ông Munster nói thêm.
Ngoài ra, một số nhà phân tích cũng nhận định căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng khiến Bắc Kinh có thể nhắm vào Tesla vì vai trò của ông trong chính quyền Tổng thống Trump.
Không ít người bày tỏ lạc quan về tương lai của Tesla
Những người lạc quan về Tesla cho rằng chính mối quan hệ của tỷ phú Musk với chính quyền Tổng thống Trump sẽ mang lại lợi ích cho hãng sản xuất ô tô này, chẳng hạn như việc phê duyệt kế hoạch phát triển "robottaxi" tự lái dễ dàng hơn.
Hiện tại, nhiều mẫu xe Tesla được trang bị tính năng “Tự lái hoàn toàn” (FSD), có thể xử lý một số thao tác lái xe, nhưng tài xế vẫn phải ngồi sau vô lăng và sẵn sàng kiểm soát phương tiện khi cần. Hơn nữa, vẫn có những vụ tai nạn liên quan đến FSD, khiến Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) tiến hành một số cuộc điều tra. Các quy định cũng như động thái của các cơ quan công quyền của Mỹ dường như là "vật cản" đối với xu hướng phát triển mới của hãng Tesla.
Tuy vậy, tỷ phú Musk vẫn cam kết rằng đến tháng 6, Tesla sẽ có những phương tiện có thể vận hành hoàn toàn tự động, không cần tài xế, để cung cấp dịch vụ gọi xe tại Austin (Texas) – nơi đặt trụ sở của Tesla. Ông Musk kỳ vọng dịch vụ này sẽ nhanh chóng mở rộng và một mẫu xe Cybercab – không có vô lăng, bàn đạp ga hay phanh – sẽ xuất hiện trên đường vào năm tới.
Những cam kết này khiến nhiều nhà đầu tư vẫn thể hiện thái độ khá lạc quan, hào hứng về triển vọng của Tesla, bất chấp tình hình doanh số hiện tại. Họ tin rằng đợt sụt giảm giá cổ phiếu hiện nay là cơ hội mua vào cho những ai đặt niềm tin vào tương lai đó.
“Giá trị thực sự của Tesla sẽ được giải phóng nhờ công nghệ tự lái. Ông Trump rất quý ông Musk, và ông Musk sẽ đạt được một số điều ông ấy mong muốn, trong đó quan trọng nhất là có thêm cơ hội chứng minh độ an toàn của robotaxi. Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra”, ông Munster nhận định.