Nằm ở vùng núi cao của thị trấn Bắc Hà (Lào Cai), dinh thự của Vua Mèo - Hoàng A Tưởng "hoành tráng" với khuôn viên rộng lớn và có tới 36 phòng.
Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, người có công xây dựng là ông Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của ông Hoàng A Tưởng. Toàn bộ khu dinh thự rộng tới 1000m2 với tường thành bao quanh rất kiên cố.
Toàn bộ mặt trước của dinh thự Vua Mèo.
Khuôn viên yên bình phía trước tòa nhà.
Trong suốt những năm 1905-1950, thổ ty Hoàng Yến Chao chiếm nhiều vùng đất màu mỡ, độc quyền kinh doanh. Dựa vào tiềm lực kinh tế, Hoàng Yến Chao đã xây dựng một dinh thự bề thế để thể hiện sự giàu có và uy quyền của mình. Sau này, ông Hoàng A Tưởng lớn lên, sống cùng các bà vợ trong dinh thự, và người ta gọi đây là dinh thự của Vua Mèo hoặc dinh thự Hoàng A Tưởng.
Mặt tiền của dinh thự từ tầng 2.
Khoảng những năm 1950, toàn bộ gia quyến của ông Hoàng A Tưởng vào Lâm Đồng sinh sống, để lại dinh thự tại thị trấn Bắc Hà. Từ đó, chính quyền Bắc Hà đã tiếp quản và biến nơi này thành địa điểm du lịch.
Dinh thự có mặt sân rất rộng lớn.
Các dãy nhà trái, phải.
Lối đi lên tầng 2.
Gian nhà phía sau gồm 2 tầng, từng là bếp, là nơi sinh sống của người ở và lính.
Dinh thự Vua Mèo vì thế được một thầy phong thủy người Trung Quốc chọn địa thế. Dinh nằm trên một quả đồi ở trung tâm thị trấn Bắc Hà, phía sau, hai bên đều có núi, phía trước là một dòng suối uốn lượn và một quả núi hình mẹ bồng con - một khung cảnh rất "sơn thủy hữu tình".
Hai bên tả hữu là hai dãy nhà có bố cục giống nhau. Mỗi dãy đều hai tầng và thấp hơn gian nhà chính, mỗi tầng gồm 3 gian với tổng diện tích 300m2. Đây là nơi sinh hoạt của 3 bà vợ ông Hoàng Yến Chao và 2 bà vợ của ông Hoàng A Tưởng.
Đứng giữa lan can trên tầng 2 của dinh thự, bạn sẽ nhìn thấy bốn bề núi rừng vùng cao Bắc Hà.
Tương truyền, dù có tới 2 vợ nhưng ông Hoàng A Tưởng không có con. Sau này, ông nhận nuôi 4 người con, và mới đây, một người con nuôi cùng cháu của ông đã trở về thăm dinh thự.
Những năm trước, khu dinh thự đã được tu sửa lại, tuy nhiên, vì thế mà sắc màu không còn vẻ đẹp nguyên thủy.
Người dân ở đây cũng bày tỏ sự tiếc rẻ về nội thất bên trong cũng như khuôn viên xung quanh tòa nhà. Đó là giờ đây, các căn phòng đều trống, những món đồ quý giá còn sót lại chỉ là 4 chiếc trường kỷ được chạm khắc rất công phu. Trong khi đó, vườn lê từng được tương truyền là tuyệt đẹp nhất vùng Bắc Hà nay cũng không còn nữa, thay vào đó là các thảm cỏ xanh và một vài cây cảnh.
Tuy vậy, nếu đã đặt chân đến Bắc Hà, bước vào tòa dinh thự, rồi đứng bên cột cờ ở lan can tầng 2, bạn sẽ có cảm giác như bước vào một thế giới xa xưa của vùng Đông Bắc, với đất trời mênh mông, với dòng xe cộ chầm chậm và tiếng gió vi vút.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam