Ngày 23/1 vừa qua, kênh truyền hình Arập Al-Jazeera tiết lộ hàng nghìn trang tài liệu tuyệt mật liên quan đến hòa bình Trung Đông. Tiết lộ cho biết, các nhà đàm phán Palestine, mặc dù trước công chúng luôn tỏ ra không khoan nhượng trước Israel, lại sẵn sàng chấp nhận nhiều nhượng bộ quan trọng với Tel-Aviv về vấn đề Jérusalem và số phận những người tị nạn Palestine. Ai sẽ là những nạn nhân của những tiết lộ động trời này?
Al-Jazira gọi đây là tiết lộ quan trọng nhất trong lịch sử xung đột giữa Israel - Palestine. Cùng tiết lộ với nhật báo Anh Guardian, Al-Jazira cho biết 1.700 trang tài liệu mật đề cập tới các cuộc đàm phán Israel-Palestine trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2010. Kênh truyền hình có trụ sở tại Qatar này từ chối tiết lộ nguồn cung cấp thông tin nhưng khẳng định đây là những tài liệu thực.
Các tài liệu bao gồm thông cáo ngoại giao, bản ghi chép các cuộc họp cấp cao cá nhân, đề cập tới các cuộc họp điều phối an ninh giữa Israel và Palestine về những đề xuất của chính quyền Palestine trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về Jerusalem và số phận người tị nạn Palestine. Điều gây sửng sốt nhất trong những tiết lộ trên nằm ở chỗ, các nhà thương thuyết Palestine lại sẵn sàng trao cho Israel chủ quyền của gần như toàn bộ các khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem.
Đề xuất được cho là nhượng bộ lớn nhất của Palestine về tương lai của Jérusalem, lại bị Israel từ chối trong khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình năm 2008. Trong khi đó trên bình diện truyền thông, người ta có thể dễ dàng nhận thấy quan điểm cứng rắn của phe Palestine đến mức nào.
Theo Al-Jazeera, trong một cuộc gặp vào ngày 15/6/2008, Trưởng đoàn đàm phán Palestine lúc đó là Ahmed Qurei đề nghị Israel nối hết các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem từ năm 1967 trừ Har Homa nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng, tiến đến thành lập một nhà nước Palestine độc lập. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi đưa ra một đề xuất như thế. Chúng tôi đã từ chối làm vậy ở Trại David"- ông Ahmed Qurei cho biết trong bản ghi chép năm 2008. Tuy nhiên, Israel cho rằng sự nhượng bộ này chưa đủ và không đáp trả lại.
Ngoài ra, theo các tài liệu bị rò rỉ, các nhà lãnh đạo PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine) cũng đề nghị đổi một phần của Sheikh Jarrah, khu vực lân cận Đông Jerusalem, để lấy đất ở nơi khác. Các nhà đàm phán Palestine cũng sẵn sàng thảo luận việc hạn chế số lượng người tị nạn Palestine xuống 100.000 người trong 10 năm. Đây là những vấn đề có tính nhạy cảm cao và không được đưa ra đàm phán trước đây.
Ngay sau khi khối tài liệu trên được công khai, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat, người được nhắc đến nhiều lần trong các tài liệu, quả quyết những tài liệu trên là "một mớ dối trá". "Chúng tôi chưa từng và cũng không bao giờ nhượng bộ. Nếu chúng tôi nhường đất cho người tị nạn và nhượng bộ, tại sao phía Isarel lại không đồng ý ký vào hiệp định hòa bình?"- ông Saeb Erekat nhấn mạnh. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng nghi ngờ về các tài liệu này: "Tôi không biết Al-Jazeera lấy đâu ra các tài liệu bí mật đó".
Theo tờ Guardian, nạn nhân đầu tiên của những tiết lộ trên là tình cảm yêu nước của người Palestine, bởi lẽ tờ báo cho rằng những tiết lộ trên là chấp nhận được đối với người Palestine nếu chúng được tiếp nối bằng việc khai thông các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel hay cuộc sống của họ được cải thiện, nhưng tất cả đều là con số không. Tờ báo viết tiếp, những tiết lộ trên làm gia tăng những bất mãn và biểu tình trong cộng đồng người Palestine về điều mà họ coi là sự bành trướng của Israel và sự yếu kém của các lãnh đạo bên phía họ. Phía Israel đến nay vẫn chưa có bình luận gì về vụ rò rỉ thông tin mật này.
Sami Abu Zuhri, phát ngôn viên của phe vũ trang Hamas, vốn kiểm soát Dải Gaza và là đối thủ của lực lượng Fatah của ông Abbas, nói các tài liệu này cho thấy "bộ mặt xấu của Chính quyền và mức độ hợp tác với quân chiếm đóng". Tài liệu cho thấy "mức độ liên quan của Chính quyền Fatah trong phép thử loại trừ chính nghĩa của người Palestine, đặc biệt là về vấn đề Jerusalem và người tị nạn, và mức can thiệp chống lại kháng chiến ở Bờ Tây và Dải Gaza" - Zuhri nói với hãng tin AFP.
Tuy nhiên nhà báo James Hider của tờ The Times lại cho rằng những tiết lộ trên đã làm lộ rõ bộ mặt của một nước Israel luôn công khai nói rằng sẵn sàng có những nhượng bộ lớn để đạt được hòa bình nhưng trong bí mật họ lại khước từ đề xuất "hào phóng" nhất của người Palestine. Paul Danahar, trưởng phòng Trung Đông của đài BBC đặt câu hỏi : "Ai là người được lợi từ việc rò rỉ thông tin này?". Người Palestine nhìn chung có thể cảm thấy bị phản bội bởi vị lãnh đạo của họ đã kể cho họ một câu chuyện hoàn toàn khác so với những gì họ đàm phán với Israel (...) nhưng qua đây người Mỹ thấy họ đã thất bại tại Trung Đông và người Israel đã tỏ ra thô lỗ một cách sống sượng khi từ chối đề xuất hòa bình của Palestine.
Nhật báo Israel, Haaretz, kết luận: "Rõ ràng những tài liệu vừa tiết lộ đã khẳng định Israel chưa bao giờ là một đối tác đàm phán hòa bình thực sự của Palestine. Nhưng nó lại cho thấy người Palestine sẵn sàng đi tới cùng để có được một nền hòa bình".

Đông Jerusalem nằm trong những vấn đề nhức nhối nhất trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 23/1, các giới chức Israel nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Avigdor Lieberman đang thảo một kế hoạch hòa bình tạm thời với một nước Palestine trong đường biên giới tạm. Người Palestine đã bác ý kiến một quốc gia Palestine tạm thời, thay vào đó, nói rằng họ muốn thảo luận để đi tới một hòa ước chung cuộc.
Kế hoạch của Bộ trưởng Ngoại giao Lieberman sẽ dành cho người Palestine chừng 40 đến 50% khu Bờ Tây. Những phần đất thêm vào sau có thể chuyển giao cho quyền kiểm soát của người Palestine theo với tiến trình thương thuyết trong tương lai.
Các cuộc đàm phán hòa bình gần đây giữa Israel và người Palestine bị ngưng trệ nhiều tháng là do Israel không chịu ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất chiếm đóng của người Palestine
Quốc Hùng (tổng hợp)