Thủy tùng, loài cây quý hiếm có tuổi đời hàng triệu năm đã có mặt tại Thủ đô dịp tết Tân Mão.
Thủy tùng còn gọi là thông nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis. Về khoa học, đây cũng là loài thực vật duy nhất còn tồn tại thuộc chi Glyptostrobus, ngành Hạt trần.
Thủy tùng là loại gỗ xuất hiện hàng chục triệu năm, cùng thời với loài bò sát khủng long khổng lồ. Có lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, thủy tùng là “hàng xóm” duy nhất nguyên sinh còn sót lại, trong khi bạn cùng thời với nó đã bị biến mất nhiều triệu năm trước.
|
Bộ gỗ thủy tùng chạm trổ ba ông Tam đa Phúc - Lộc - Thọ liền khối có chiều cao 1m05, rộng 80cm có giá hàng trăm triệu đồng.
|
|
Vân gỗ thủy tùng nổi bật khiến người xem mê mẩn.
|
EaHleo (Đắk Lắc) là thủ phủ duy nhất của thủy tùng, với tổng số 270 cây. Mức độ quý hiếm của thủy tùng càng được nâng lên khi loài cây này không có khả năng sinh sản bằng hạt, mặc dù nó là loài cây có quả (như thông).
Thời điểm những năm 1980, khi dự án xây dựng hồ thủy lợi EaHleo, một số lớn thủy tùng đã được đốn hạ để làm hồ tưới tiêu café, hồ EaHleo được coi là “nghĩa địa thủy tùng” bởi thân cây, cành và gốc thủy tùng bị chặt hạ, hiện tại vẫn nằm nguyên dưới lòng hồ rộng lớn.
Lực lượng kiểm lâm huyện EaHleo đã xây dựng hẳn một trạm chốt giữ để bảo vệ quần thể thủy tùng duy nhất còn sót lại. Lưới thép b40 được rào bốn xung quanh, và có lực lượng tuần tra 24/24, bởi những kẻ săn tìm thủy tùng luôn tìm cách trục vớt những xác thủy tùng vẫn còn nằm dưới long hồ.
Theo người dân địa phương, trước đó khi chưa có cơn sốt thủy tùng, gỗ thủy tùng được dựng để làm lán, làm cọc trồng hồ tiêu… Thế nhưng, khi mức độ quý hiếm của loài cây này được đẩy lên, người ta đã đào cả những thửa ruộng đang canh tác để tìm kiếm thủy tùng.
Trong danh mục lâm sản quý hiếm, thủy tùng được xếp vào nhóm 1A – loài đặc biệt quý hiếm, và được bảo vệ bằng các hình thức cấm buôn bán, vận chuyển, khai thác dưới mọi hình thức. Một sản phẩm bằng gỗ thủy tùng được chế tạo làm đồ mỹ nghệ cũng sẽ bị tịch thu và truy tố trách nhiệm hình sự, nếu như sản phẩm đó không có giấy tờ xác nhận của kiểm lâm.
|
Vân gỗ thủy tùng.
|
Những thông tin được rao trên mạng về việc buôn bán thủy tùng, một cặp bình gỗ thủy tùng có thể tích bằng chiếc phích có giá vài chục triệu đồng. Những sản phẩm chế tác lớn như tượng phật, tam đa… càng quý hiếm, vì những khối gỗ thủy tùng lớn ngày càng cạn kiệt. Giá của những sản phẩm nói trên được đẩy giá hàng trăm triệu đồng.
Đẹp nhất của thủy tùng đó là nước vân gỗ. Những đường vân thủy tùng khi được chế tác thành phẩm rất nổi bật. Thủy tùng có mùi thơm đặc trưng, và được nhiều người coi đó là linh vật.
Tại hội chợ sinh vật cảnh tết Nguyên đán Tân Mão, một số lượng ít ỏi đồ gỗ mỹ nghệ thủy tùng đã được trưng bày tại bảo tàng Hà Nội. Chủ nhân của các sản phẩm này thừa nhận, việc vận chuyển thủy tùng từ Đắc Lắc ra Hà Nội hết sức khó khăn, vì phải có giấy phép xác nhận sản phẩm đó hợp pháp của lực lượng chức năng.
Mỗi một sản phẩm thủy tùng đều có “giấy khai sinh” ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ sở hữu…, và không vi phạm pháp luật. Giới “chuyên gia” thủy tùng dự đoán, sự quý và hiếm của thủy tùng sẽ ngày càng quý hiếm hơn, và giá trị của thủy tùng sẽ ngày càng “sốt hơn”.
Vẻ bề ngoài của các sản phẩm mỹ nghệ thủy tùng khiến người xem mê mẩn, và bất kỳ ai cũng đều có ham muốn được… sở hữu.
|
Những tác phẩm thủy tùng quý hiếm được làm từ loài cây sống cùng thời với loài khủng long hàng chục triệu năm trước.
|
Kiên Trung - Vietnamnet