Chùa Vĩnh Xương nằm sâu trong con hẻm đường Trần Văn Đang, là nơi nhận nuôi bao thân phận mồ côi, cơ nhỡ, bệnh tật đã rộn rã tiếng cười khi có cuộc thăm hỏi của nhạc sĩ Trái tim bên lề và ca sĩ Khánh Loan.
Tháp tùng đi theo nhạc sĩ Khải Tuấn và ca sĩ Khánh Loan, chiếc xe hơi loại “bèo” của chúng tôi phải loay hoay mãi mới xin được chỗ đậu, vì con hẽm quá nhỏ, mà người qua lại thì rất đông. Chỉ một tấn gạo đến cúng cho chùa, nhưng các anh “phật tử” phải cật lực di chuyển bằng xe Honda mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới đem được vào chùa.
Được đến chùa tháp nén nhang và sẽ chia những khó khăn là niềm vui của Khánh Loan vào ngày đầu năm
Tiếp chúng tôi là vị sư cô Thích Nhật Thành, dáng người chắc khỏe, gương mặt phúc hậu, vị nữ sư nhẹ nhàng tiếp đón chúng tôi bằng tách trà nóng nghi ngút khói.
Sau vài ba câu chuyện xã giao, chúng tôi xin phép được tham quan cảnh chùa. Nói tham quan cho oai, chứ thật ra chỉ cần vài bước chân là đã ra tới bếp. Góc bếp của chùa khá nhỏ nhoi, nhưng danh tiếng của nó thuộc hàng "cao thủ" của đạo và đời, bởi chính căn bếp đơn sơ này, mấy ai biết được mỗi ngày cung cấp cho 300 suất cơm cho các bệnh nhân ung bướu. Riêng ngày chủ nhật, chùa cung cấp 800 suất cháo chay, và sữa đậu nành, và buổi chiều cũng phải nấu thêm 800 suất ăn cho bệnh nhân của bệnh viện Gia Định, nơi có nhiều bệnh nhân nghèo khổ vất vã với từng bữa ăn.
Những con số nói trên tưởng chứng như đơn giãn, nhưng các phật từ của chùa phải thức từ 1-2 giờ sáng, cật lực đến trời tối mịt mới về nhà, nghĩ ngơi độ vài tiếng lại tiếp tục đến với chùa để làm tiếp những công việc âm thầm đã diễn ra từ chục năm nay.
Nhạc sĩ Trái tim bên lề Khải Tuấn tháp nén nhang thành tâm trước tượng phật
Ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh những bà cụ nghèo neo đơn đang ngồi thảnh thơi bên chiếc giường ọp ẹp nhỏ nhoi, đây được xem là “giang san” của bà từ suốt những năm qua, cảnh nhà đơn chiếc, không con không cháu, các bà đến chùa xin tá túc.
Lúc sinh thời còn trẻ khỏe, các bà cũng phải giúp chùa trong công việc bếp núc, nay tuổi gần 80, bà được quyền “hưu non” nên chễm chệ ngồi trên chiếc giường với nụ cười thỏa thích, biết khách đến tham quan, bà vui lắm, còn đòi kể chuyện thời vàng son của khiến ai cũng nức nẽ.
Náo động hơn là các cậu nhóc tỳ, cũng thuộc diện mồ côi, được chùa nhận về nuôi suốt những năm qua, các bé dường như không có khái niệm về hai từ cha hoặc mẹ, chỉ quanh quẩn bên góc chùa, quen dần với tiếng mõ câu kinh, thấy khách đến thăm đôi mắt xoe tròn ngạc nhiên. Đến khi được nhạc sĩ Khải Tuấn đến làm quen, bắt nhịp chuyện trò và đùa giỡn, chỉ độ năm phút thì các cháu cất tiếng cười sung sướng. Có lẽ hơn ai hết chúng cảm nhận sâu sắc nhất tình thương của một người dù rất lạ đang đến với mình.
Khánh Loan sau giây phút tham quan trên lần, cũng bồi hồi cho biết: “ Chính điện là một tượng phật uy nghi, và bên phải là rất nhiều hủ cốt của những người đã mất, đây là nơi an dưỡng cuối cùng của đủ mọi thành phần trong xã hội. từ kỷ sư, bác sĩ, đến anh xích lô và cả đứa bé bụi đời chết ven đường, cũng được ngôi chùa này “cưu mang” trong những ngày cuối đời.
Hàng tháng, bọn em rủ rất nhiều anh chị em nghệ sĩ đến đây, trước thắp nhang, sau rủ rê người chút ít quyên góp mua gạo để cúng chùa, như để chia sẻ một phần nào khó khăn với vị sự cô giàu lòng nhân ái này. Đi riết rồi ghiền, bởi ngoài những suất ăn cần thiết hàng ngày cho những bệnh nhân nghèo, đòi hỏi người làm công tác từ thiện này phải bền bỉ với thời gian, kiên nhẫn với từng hoàn cảnh, có như thế mình mới có thể giúp đỡ phần nào. Và quan trọng nhất, mỗi lần đến đây, lòng mình cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng, bởi trong cuộc sống, nếu chúng biết sẻ chia tức là chúng ta đang vun đắp hạnh phúc cho chính mình…”
Các cậu bé xoe tròn đôi mắt khi thấy khách đến thăm chùa
Không khó khăn lắm nhạc sĩ Khải Tuấn đã dễ dàng làm quen với các bé mồ côi
Sư cô Nhật Thành và Khánh Loan tham quan bếp ăn và thăm các cụ neo đơn ở chùa
Thủ tục nhận sự tài trợ của khách thập phương khá nhanh chóng
Thành tâm trước đức phật ngày đầu năm
Lữ Đắc Long
Theo Bưu Điện Việt Nam