Đi tìm cao thủ Thiếu Lâm Việt Nam (Kỳ cuối): Cuộc đời cha đẻ 10 thế điểm huyệt mật truyền
Đi tìm cao thủ Thiếu Lâm Việt Nam (Kỳ 1)
Tuyệt chiêu múa quyền trên mặt nước
Khi nhắc tới những võ sư Thiếu lâm, người ta thường nghĩ đó phải là những môn đồ khổ luyện ở các ngôi chùa trên đất Trung Hoa với đầu trọc, áo nâu sòng hoặc vàng cam... ít ai biết rõ phái võ này đã từng được du nhập vào Việt Nam hàng thế kỷ trước, và môn phái Thiếu lâm Việt Nam đã từng sinh ra những bậc kỳ tài. ĐS&PL xin giới thiệu loạt bài về chân dung của một số kỳ nhân trong làng võ Thiếu Lâm Việt Nam. Mỗi cao thủ luôn gắn với một tuyệt chiêu và những câu chuyện hành tẩu giang hồ cam go. Nhưng tất cả họ đều có mong muốn xây dựng một võ phái Thiếu Lâm mang đậm bản sắc Việt Nam.
Nửa thế kỷ trước, khi nhắc đến võ Thiếu lâm tại Việt Nam, giới võ lâm không ai không biết đến võ sư nổi tiếng Vũ Đăng Thường. Những câu chuyện về sự kỳ công rèn luyện võ nghệ, khả năng "bất khả chiến bại" của ông đã trở thành giai thoại li kỳ lưu truyền đến tận ngay nay.
Tuyệt chiêu lướt trên mặt nước
Võ sư Vũ Đăng Thường sinh năm 1898, tại thôn Đại Nghĩa (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Theo phả hệ, gia đình võ sư Thường là người Trung Quốc, đến Việt Nam từ nhiều đời trước đó. Từ nhỏ, võ sư Thường đã được tiếp thu tinh hoa võ thuật Thiếu lâm từ sư phụ là chính người cha của mình. Tương truyền, cậu bé Thường khi còn nhỏ đã có khả năng thiên phú về võ nghệ, nói theo cách của con nhà võ thì "vừa biết đi đã biết đánh quyền".
Sau khi đã được cha truyền dạy võ công, cậu bé Thường tiếp tục được cha gửi về quê theo học các cao thủ thiếu lâm. Đến những năm 1940, sau hàng chục năm tập luyện, ông đã học được những tuyệt chiêu đỉnh cao của môn phái.
Võ sư Vũ Đăng Hoài, con trai của võ sư Thường kể lại, tên tuổi của võ sư Thường vang danh các võ đài Trung Quốc bắt đầu vào khoảng năm 1940, kể từ sự kiện giới võ lâm Trung Quốc mở một cuộc thi võ thuật để tìm kiếm, tuyển chọn cao thủ. Lúc này, võ sư Thường đã ngoại tứ tuần nhưng vẫn tham gia với mục đích trao đổi kiến thức võ học với các võ sư Trung Quốc. ông quyết định biểu diễn bài "Mai hoa ngũ lộ" trên mặt một hồ nước.
Để thực hiện được tuyệt chiêu này, võ sư Thường đã phải bỏ ra hàng chục năm tập luyện. Cứ mỗi sáng, người dân trong làng lại thấy võ sư Thường trong tư thế dùng một tấm vải đen bịt chặt hai mắt, chạy bộ hàng tiếng đồng hồ trên cọc tre đặt dọc. ông tập luyện nhuần nhuyễn đến nỗi, vừa bịt mắt, vừa đi chuyển, vừa đánh quyền nhưng chân không bao giờ chạm đất.
Tương truyền, khi võ Thiếu Lâm bắt đầu phát triển ở Trung Hoa thì đồng thời cũng được du nhập vào Việt Nam và được phối hợp với võ cổ truyền Việt Nam, sửa đổi cho phù hợp với thể chất của người Việt nhằm sử dụng hữu hiệu, hình thành nên những hệ phái Thiếu Lâm của nước Việt.
Sự phát triển của Thiếu Lâm danh gia tại Việt Nam cực thịnh khi những người Hoa qua Việt Nam sinh sống, làm ăn, tạo nên cộng đồng Hoa kiều đông đảo tại Việt Nam. Không để thất truyền tinh hoa của tiên tổ, họ đem võ học của gia tổ ra truyền dạy cho mọi người và phục vụ quê hương mới của họ. Các môn phái Thiếu Lâm danh gia Việt Nam bắt đầu được xây dựng và phát triển từ đó cho đến ngày nay.
Sự chuẩn bị cho màn biểu diễn tại cuộc thi võ thuật tại Trung Quốc năm ấy cũng rất công phu. Đầu tiên ông lên rừng chặt những thân gỗ có đường kính khoảng 15 cm, sau đó đóng cọc xuống lòng hồ sao cho độ cao của cọc gỗ bằng với mặt nước. Đến khi biểu diễn, võ sư Thường nhờ người ném lá tre trên mặt nước trong khi đó ông đang ngồi thiền luyện khí công. Sau 5 phút luyện khí công, bất thình lình ông bật dậy, lao ra giữa hồ. Vì lá tre được thả xuống mặt nước nên người xem cứ tưởng ông đang đạp trên những chiếc lá ấy để bay trên mặt hồ. Thực ra vị võ sư này đang chạy trên những cọc tre ẩn mình dưới mặt nước. ông đánh bài "Mai hoa ngũ lộ" trong sự ngỡ ngàng của các võ sư Trung Quốc.
Với màn biểu diễn đỉnh cao đó, ông đã vượt qua hàng trăm cao thủ võ lâm Trung Hoa để đoạt giải xuất sắc. Được biết sau này, khi ông mất đi, ở Việt Nam, không ai có thể đánh được tuyệt chiêu trong bài "Mai hoa ngũ lộ" hoàn hảo như vậy.
Để đạt đến trình độ võ công thượng thừa này, võ sư Thường phải tuân thủ thời gian biểu luyện tập nghiêm ngặt, khổ luyện trong hàng chục năm trời. Tất cả các đệ tử theo học ông cũng phải kinh qua quãng thời gian khổ luyện như vậy. Con cháu của võ sư kể lại, trước đây ông có một đệ tử tên Lý Trình. Sau khi người này đến nhà võ sư Thường xin học võ Thiếu lâm, người học trò này hơn một năm trời ngày nào cũng phải gánh nước từ giếng đi từ đầu làng đến cuối làng tưới vào những gốc tre. Nhiều người nhìn thấy cảnh tượng đó, nghĩ là hai thầy trò "không bình thường". Tuy nhiên, sau này khi cậu học trò này đã có tên tuổi, người làng Đại Nghĩa mới hiểu được võ thuật Thiếu lâm chân truyền phải luyện chí, luyện gian khổ bằng những bài tập tưởng rằng "không bình thường" như thế.
Vang danh trận quyết đấu bên tử đài
Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng nhiều người dân hai tỉnh Nam Định và Hà Nam ngày nay vẫn nhắc đến trận đấu giữa võ sư Thường và một cao thủ Trung Quốc như một giai thoại về võ nghệ cao cường. Theo đó, năm 1956, vợ chồng một võ sư người Trung Quốc dẫn theo hàng chục đệ tử sang huyện ý Yên (Nam Định) mở đài thi đấu võ thuật. Giải thưởng của giải đấu gồm 10 lạng bạc và 2 lạng vàng. Điều kiện của những võ sĩ lên đài thi đấu phải nộp 1 lạng bạc. Rất nhiều cao thủ võ lâm Việt Nam đã đăng kí thượng đài thi đấu. Lúc này, võ sư Thường đang sinh sống tại Hà Nội...
Giải đấu diễn ra một tháng, và cũng chừng đấy thời gian võ sư Trung Quốc "bất khả chiến bại". Nhiều người đã nghĩ đến võ sư Vũ Đăng Thường và quyết định lên Hà Nội khẩn khoản mời ông về Nam Định thi đấu. Bỏ hết công việc, võ sư Thường quyết định về ý Yên để thử tài cao thấp.
Võ sư Vũ Đăng Hoài.
Theo quy định của cuộc thi, mỗi người có thể đăng kí được thi đấu ở 3 đài: Tránh thủ đài là đài thấp nhất. Đả lôi đài là cấp dành cho các võ sĩ tầm trung. Cuối cùng là Tử Đài, nơi mà các võ sĩ đăng ký thi đấu sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm mạng sống. Điều đặc biệt ở chỗ, ở trên Tử đài được đặt sẵn một cỗ quan tài. Sở dĩ có sự sắp xếp đặc biệt này là do vị võ sư người Trung Quốc muốn gây tâm lí lo sợ cho người tham gia.
Võ sư Thường quyết định đăng kí ngay lên thi đấu ở Tử Đài. Biết thanh thế của ông, khác với các trận đấu khác, vị võ sư Trung Quốc không dám cho các đệ tử ra thi đấu mà trực tiếp động thủ.
Vào hiệp thi đấu đầu tiên, võ sư Thường đã lĩnh trọn cú đấm "nặng tựa ngàn cân" của vị võ sư người Hoa khiến cho ông choáng váng và gãy 4 chiếc răng. Nhiều người thấy cảnh tượng đó đã khuyên nhủ ông dừng cuộc đấu nhưng ông không nghe, quyết thượng đài thi đấu đến cùng.
Hiệp 2, thế thượng phong vẫn thuộc về phía võ sư người Trung Quốc. Đến cuối hiệp 3, võ sư Thường quyết định hạ thủ đối phương. ông tấn công dồn dập khiến cho võ sư người Hoa bị rớt đài trong tiếng vỗ tay không ngừng của khán giả.
Được biết, sau khi nhận giải ông tặng toàn bộ giải thưởng cho địa phương để xây dựng cơ sở vật chất.
Năm 1992, võ sư Vũ Đăng Thường mất tại Hà Nam, thọ 94 tuổi. Sau này, người con trai của ông là võ sư Vũ Đăng Hoài đi theo nghiệp võ của cha.
VĂN CHƯƠNG
(ĐS&PL)
Kỳ 2: Gặp lại người Việt đầu tiên 6 năm khổ luyện ở Thiếu Lâm Tự.
(Kỳ 2) Gặp người Việt từng khổ luyện ở chùa tổ Thiếu Lâm
Từ hàng chục năm nay, giới võ lâm Việt Nam hâm mộ võ sư Vũ Đăng Hoài không chỉ vì ông là một "cánh chim đầu đàn" của thời phục hưng võ thuật vào những năm 1980 mà người ta còn cảm phục ý chí của ông: Khi mới 22 tuổi, chàng thanh niên Vũ Đăng Hoài đã lặn lội đường trường sang chùa Thiếu Lâm (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) tầm sư học võ. Ông cũng là truyền nhân của hai môn phái võ Thiếu Lâm: Thiếu Lâm Bắc Phái và Thiếu Lâm Nam Phái.
Khổ luyện bóp nát gốc tre
Võ sư Vũ Đăng Hoài sinh năm 1956 tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từ nhỏ, ông đã được cha là võ sư Vũ Đăng Thường truyền dạy những tinh hoa võ thuật Thiếu Lâm tự. Ông kể: "Khi tôi mới lên 10 tuổi, để luyện tay, bố tôi ra đầu làng chặt những gốc tre đực rắn chắc nhất đem về phơi khô, tẩm dầu vào thân cây rồi đưa lên gác bếp hong cho khô hẳn. Sau đó, ông chẻ gốc tre làm đôi và bắt tôi hàng ngày phải dùng tay bóp những gốc tre ấy. Những ngày đầu chưa quen, bóp xong, tay đau đến nỗi buổi tối không cầm được bát đũa để ăn cơm. Sau này, khi đã đủ khả năng bóp nát những gốc tre ấy thì cơ, gân tay tôi đã cứng cỏi hơn rất nhiều. Ngày ấy chưa có các học cụ luyện võ như bây giờ, bố tôi phải đi tìm những gốc cây xà cừ lớn chôn xuống đất làm tượng Mộc nhân để chúng tôi luyện tập".
Trong hồi ức của ông Hoài, việc luyện Thông thiên nhãn cũng là quãng thời gian đáng nhớ. Cứ buổi sáng sớm hoặc buổi hoàng hôn, ông phải nhìn thẳng lên mặt trời. Dần dần khi đã quen, ông có thể nhìn lên mặt trời lúc giữa trưa nắng gắt.
Võ sư Hoài nhớ lại những ngày đầu luyện võ: " Có khi mùa đông đang nằm đắp chăn trong nhà, bỗng nhiên bố tôi gọi dậy bắt nhảy xuống giếng làng ngâm mình hàng giờ đồng hồ. Có lần ngâm mình dưới nước quá lâu tôi bị cảm lạnh nặng, ốm hàng tháng trời mới khỏi. Thế nhưng qua những lần tôi luyện như vậy, sức mạnh, sức đề kháng của cơ thể mới ngày càng được nâng cao".
Sang chùa Thiếu Lâm bái sư học võ
Khi nhắc đến các đệ tử đã từng được ông giảng dạy, võ sư Hoài rất đau lòng vì 3 người học trò, những người mà ông đã chọn làm truyền nhân đều bị chết trong một vụ tai nạn giao thông. Con trai của võ sư Hoài kể lại: "Khi nghe tin các học trò bị tai nạn, ông chạy thẳng đến hiện trường, ngồi thẫn thờ khóc. Suốt thời gian 6 năm, ông bị ám ảnh bởi các anh ấy. Cứ mỗi khi đến bữa cơm, ông lại lấy thêm 3 chiếc bát và 3 đôi đũa đặt trên mâm cơm, gọi các học trò về ăn cơm, sư phụ ăn gì thì gắp cho 3 đệ tử cái ấy. Ba anh ấy chính là 3 niềm tâm đắc của bố em. Trong võ thuật, để tìm được một người hợp ý, một truyền nhân còn khó hơn "mò kim đáy bể".
Võ sư Hoài biểu diễn đao thuật (Nguồn internet)
Năm 1975, người cha, cũng là sư phụ đầu tiên của ông bị bệnh thần kinh tọa không thể tiếp tục giảng được nữa. Võ sư Hoài quyết định sang Trung Quốc tìm đến chùa Thiếu Lâm học võ để về nối nghiệp cha. Ông đến chùa Thiếu Lâm thuộc tỉnh Quảng Đông xin bái sư học võ. Cảm động trước lòng thành của chàng trai trẻ nên vị phương trượng chùa Thiếu Lâm nhận ông làm đệ tử. Sau khi nhập môn, hơn một năm trời ông chỉ có việc gánh hai xô nước từ dưới chân núi lên chùa để lấy nước sinh hoạt và tưới cây là một cách rèn nội công. Khi đã luyện được nội công, ông mới bắt đầu được sư phụ dạy quyền cước.
Sau 6 năm 7 tháng đi xứ người luyện võ, võ sư Hoài quyết định về nước. Ông định mở lò luyện võ nhưng khi bàn luận võ công với cha mình, ông mới thấy được sự mênh mông của võ công Thiếu Lâm. Ông quyết định phải học thêm những bí kíp, tuyệt chiêu Thiếu Lâm mới. Võ sư Hoài được cha gửi đến một võ sư nổi tiếng trong giới võ lâm cũng là người bạn thân tên Nguyễn Văn Tiến (còn gọi là cụ cả Tiền) ở Hà Nội.
Cụ cả Tiền muốn ông luyện chí kiên trì, nhẫn nại nên 6 tháng trời không cho luyện võ, bắt võ sư Hoài ngồi se hương để đi bán. Khi đã rèn ý chí cho học trò, cụ cả Tiền bắt đầu truyền dạy võ công cho võ sư Hoài. Ông tập luyện trong võ đường của võ sư Tiền đến khi sư phụ qua đời vào đầu những năm 1980.
Những cuộc tỉ thí không đụng thủ
Dù khả năng võ công cao cường, thế nhưng theo những lời võ sư Hoài tâm sự, người "ngoại đạo" sẽ không ngờ ông lại là một người cực kỳ khiêm tốn: "Có khi người ta đánh mình, chưa biết người ta mạnh yếu ra sao nhưng mình đã phải bỏ chạy". Ông giải thích: "Tôi theo học võ nhà Phật nên rất tránh việc tỉ thí động chân động tay. Mình học võ, nếu đánh người không may đúng chỗ phạm thì sẽ day dứt, ôm niềm tội lỗi cả đời. Chúng tôi rèn võ để tăng cường sức khỏe, bảo vệ chân lý, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới phải động thủ".
Võ sư Hoài cho biết, đã có rất nhiều cao thủ võ lâm muốn tỉ thí với ông để "phân tài cao thấp", tuy nhiên, thường thì sau khi uống hết một ấm trà, nói chuyện về võ thuật, những người này đều bỏ ngay ý định đó. "Tôi còn nhớ, một võ sư nổi tiếng người Cao Bằng tên Du lặn lội đường xa đến nhà tôi đòi đấu võ. Sau nửa ngày đàm đạo, võ sư này đã ra về và nói một với tôi một câu: "Tôi với anh không còn gì để tỉ thí nữa"". Hay trong một chuyến đi Lào Cai, ông gặp một môn đồ của võ thuật Vân Nam (Trung Quốc) nổi tiếng "không có đối thủ" ở Lào Cai. Cũng sau khi đàm đạo về võ công, võ sư này cũng không muốn "động thủ" với ông nữa.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khác của võ sư Hoài là chuyến "Nam du". Đến TP. Hồ Chí Minh, một võ sư tên Thiệu muốn thử trình độ của võ sư Hoài nên đã đề nghị ông đánh một bài quyền. Ngay lập tức, võ sư Hoài dùng chân móc côn lên tay và đánh bài "Song đầu Triệu gia côn". Khi đánh xong võ sư Thiệu đã phải thốt lên: "Những người ẩn dật thì tôi chưa biết, nhưng những người mà tôi gặp thì chưa thấy ai đánh một bài côn hoàn hảo như anh".
Võ sư Hoài trầm tư: "Khi hai người đã học võ, chỉ cần lướt một vài quyền cước, đàm thoại mấy câu về võ thuật, họ có thể hiểu nội công, mức độ thâm hậu về võ thuật của đối thủ như thế nào và biết ngay được mình có thể thắng hay bại".
Được biết, năm 1982, võ sư Hoài thành lập chi nhánh võ Thiếu Lâm tại Cung văn Hóa hữu nghị Việt - Xô và dạy cho đến ngày nay. Đã có hàng vạn môn sinh theo ông luyện võ và đã có rất nhiều người trở thành võ sư sau đó về các địa phương mở lò dạy võ.
Điều đặc biệt, võ sư Hoài được học bởi hai sư phụ Thiếu Lâm tự nhưng thuộc hai trường phái khác nhau là Thiếu Lâm Bắc Phái (bố ông) và Thiếu Lâm Nam Phái (cụ cả Tiền). Qua thời gian hàng chục năm luyện võ, tinh hoa võ thuật của hai trường phái đã được ông lĩnh hội trọn vẹn.
Ông Hoài cho biết: "Ngày nay, tôi lấy tên chi nhánh Thiếu Lâm của chúng tôi là Thiếu Lâm Liễu Đôi vì cha tôi là theo Bắc Phái, sư phụ Tiền theo Nam Phái. Đó cũng là cách để tưởng nhớ đến hai vị sư phụ có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi". Hiện nay, nhà thờ tôn sư Thiếu Lâm tự của ông đang ở giai đoạn hoàn thành. Ông và cậu con trai út đã bỏ ra 6 năm ròng trực tiếp thiết kế và thực hiện công trình này. "Tôi có thể bỏ tiền ra thuê cũng được, nhưng tôi cảm thấy tự tay làm sẽ phần nào thể hiện được sự tôn trọng đến các vị tôn sư".
Nhắc đến võ Thiếu lâm là nói đến sự tu luyện gian khổ, vất vả hàng chục năm trời mới đạt đến trình độ võ công thượng thừa. Để tập luyện môn võ này, sức vóc của đàn ông đã vô cùng khó khăn chứ chưa nói gì đến phụ nữ. Thế nhưng, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Hà Nội xuất hiện một nữ cao thủ Thiếu Lâm nổi tiếng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bà là Nguyễn Kim Thành (SN 1960, ngụ phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội), nữ võ sư Thiếu Lâm duy nhất Việt Nam.
"Không qua lửa, không thành thép"
Cũng như nhiều người khác theo nghiệp võ vì truyền thống "cha truyền con nối", võ sư Thành theo học Thiếu Lâm từ nhỏ và sư phụ của bà cũng chính là người cha: cụ Nguyễn Văn Tiến (cụ cả Tiền), một tiền bối võ thuật có tiếng tại Hà Nội. Nhà có 4 người con gái, nhưng chỉ duy nhất cô bé Thành theo học võ vì theo lời bà: "Thấy tôi có "tướng" đàn ông nên cụ quyết định truyền võ cho tôi".
Năm lên 8 tuổi, cô bé Thành đã bắt đầu làm quen với quyền cước. Ban ngày đi học văn hóa, đến tối sư phụ lại bắt đứng tấn hàng giờ đồng hồ mới cho nghỉ. Sau này khi bố mẹ cô sinh thêm được 1 em trai, lúc ấy cô có thêm một sư đệ cùng nhau tập luyện.
Những ngày đầu học võ, bài học đầu tiên mà cô bé Thành là buộc dây chun vào chân rồi đá hàng trăm lượt mới nghỉ. Để luyện tay, bà phải tự đấm vào thân cây đến mức thân bưởi trước nhà đổ gục... Học võ Thiếu Lâm, việc đứng tấn là vô cùng quan trọng, là bước khởi đầu, bước nhập môn. Không phân biệt mùa đông hay mùa hè, cụ Tiền thường thắp một nén hương ngoài sân và bắt người con gái của mình đội sương luyện "trung bình tấn" đến khi nén nhang cháy hết. Lần đầu tập đứng tấn hết 1 nén nhang, bà bị cảm, chân mỏi đến mức mấy ngày sau không di chuyển được. Đúng như lời tâm sự của võ sư Thành: "Không qua lửa, không thành thép".
Hi sinh hạnh phúc riêng
Nữ võ sư Nguyễn Kim Thành.
Năm 21 tuổi, bà lập gia đình với một đệ tử của cha mình. Trước đó, hai người thường xuyên đi theo cụ Tiền "phiêu bạt giang hồ" để biểu diễn võ Thiếu lâm. Ngày ấy, khi đi biểu diễn ở các tỉnh xa, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì bà là phụ nữ lại biểu diễn võ thuật đạt đến độ thượng thừa.
Năm 1982, vừa mới sinh con được 2 tháng, Sở Thể dục Thể thao Hà Nội (TDTT) có tổ chức buổi biểu diễn võ thuật ở công viên Lê Nin (nay là công viên Thống Nhất). Đến gần thời gian biểu diễn, một võ sư đã đăng kí tiết mục biểu diễn nhưng bận việc đột xuất nên không thể tham gia. "Lúc ấy một cán bộ công tác tại Sở, cũng là đệ tử của cha tôi đến nhà năn nỉ tôi tham gia biểu diễn. Tôi phân vân mãi vì con lúc ấy còn đang bú. Nhưng rồi nể quá, hơn nữa đang "ngứa nghề" nên tôi quyết định lên đài biểu diễn", bà Thành kể lại.
Không ai ngờ tiết mục của người biểu diễn "chữa cháy" lại trở thành tiết mục "đinh". Bà biểu diễn liền một lúc hai bài là "Đại đao" và "Song kiếm". Đây được coi là hai bài khá khó trong các bài tập binh khí thuộc môn phái Thiếu Lâm tự. Võ sư Thành tâm sự: "Lúc ấy vừa sinh con, sữa còn đầy nên khi biểu diễn phải nén khí, sữa chảy ra ròng ròng ướt cả áo. Lúc tôi đang biểu diễn, nhiều người tưởng tôi do căng thẳng quá chảy mồ hôi ướt áo. Khi Ban tổ chức giới thiệu tôi vừa sinh con được hai tháng, tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay thán phục. Biểu diễn xong, tôi chạy thẳng một mạch về nhà cho con bú".
Sau lần đó, giới võ lâm Hà Nội truyền tai về câu chuyện của bà như một giai thoại về tinh thần thượng võ.
Sau tiếng vang từ buổi biểu diễn tại công viên Lê Nin, võ sư Thành được mời về công tác tại Sở TDTT Hà Nội. "Hữu xã tự nhiên hương", liên tục nhiều tỉnh mời bà về địa phương dạy võ. Niềm đam mê muốn cho môn phái Thiếu Lâm nổi danh hơn nữa nên những chuyến công tác xa nhà kéo bà đi liên miên. Bà buồn bã: "Lúc đó tôi đã có hai con nhỏ, nhưng vì phải đi dạy võ ở các tỉnh xa nên bỏ bê công việc, trách nhiệm của người phụ nữ. Rồi đến năm 1990, tôi và chồng chia tay nhau".
Nỗi niềm riêng phụ nữ theo nghiệp võ
Sau gần 30 năm dạy võ Thiếu Lâm, võ sư Thành đã giảng dạy cho hàng vạn đệ tử. Bà được Hội võ thuật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đẳng cấp Võ sư năm 1990, là nữ võ sư Thiếu Lâm duy nhất ở miền Bắc. "Năm 1982, Sở TDTT Hà Nội mời tôi vào công tác. Nhiệm vụ của tôi lúc đó dạy võ Thiếu Lâm tại Cung văn hóa Việt - Lào. Sau đó, tôi được Sở cho đi học luật và cử sang huấn luyện bộ môn Pencak Silat. Đến năm 2005, tôi xin nghỉ về mở quán phở kinh doanh cho đỡ buồn". Được biết, hiện nhiều học trò của võ sư Thành mở những lò luyện võ tại Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Khi nào gặp những động tác khó, những học trò này lại tìm về để nhờ võ sư Thành chỉ dạy. Đến lúc ấy, khách ăn phở mới biết người đàn bà tay dao tay thớt đang chế biến đồ ăn lại chính là nữ võ sư từng một thời vang danh.
Nghề võ với phụ nữ này gắn liền với rất nhiều kỷ niệm, đặc biệt bà thường gặp không ít "đấng mày râu" vì tò mò nên đòi tỉ thí. Năm 1986, bà được mời lên Cao Bằng dạy võ. Nghe tiếng, một thanh niên tên Kỳ "đen" vào xin học. Trước đó, người này đã từng theo học rất nhiều môn phái, không biết sợ một ai và chưa từng có đối thủ. "Có lẽ cậu ta đến với mục đích muốn thử trình độ của mình như thế nào nên đòi thi đấu", bà Thành nhớ lại. Bà quyết định lên đài để "dạy dỗ" cho cậu ta một bài học. Võ sư Thành cười nhớ lại: "Cậu ta múa rất nhiều thế võ của nhiều trường phái còn tôi thì đứng im. Cứ mỗi khi cậu ta chuẩn bị tấn công, tôi nhích người lên tung một cú đá lại khiến đối thủ ngã lăn ra sàn. Sau 4 lần như vậy, cậu ta đầu hàng và nhận tôi làm sư phụ, dẫn thêm hơn chục người đến xin học võ Thiếu Lâm".
Hay một lần ở Hải Phòng, thấy phụ nữ đi dạy võ, một thanh niên đến cười nhếch mép: "Tôi rất thích học võ Thiếu Lâm nhưng liệu bà có đánh được tôi không mà đòi làm thầy". Cậu thanh niên này mời võ sư Thành tỉ thí "phân tài cao thấp". Bà càng từ chối thì thanh niên kia càng buông những lời thô tục để hạ thấp bà. Võ sư Thành quyết định lên đài và chỉ sau 2 cú đá, đối thủ đã gục ngã. "Cậu ta muốn bái tôi làm sư phụ nhưng tôi quyết không nhận vì tính cách của người này quá ngỗ ngược, học võ cũng chỉ đi hại người", bà nhớ lại.
Được biết, trong những năm đi dạy võ ở các tỉnh xa, đã nhiều lần võ sư Thành bị người của một số môn phái khác đến quấy rối, ngăn cản việc giảng dạy. Tuy nhiên, người phụ nữ này luôn khéo léo xử lý để tránh phải động thủ, gây mất đoàn kết với các môn phái khác.
Đến nay, các học trò của võ sư Thành vẫn còn nhắc về vụ một mình bà "đo ván" 3 môn đệ của một môn phái khác. Một lần bà đi làm về ban đêm, đến đoạn vắng thấy 3 bóng áo đen xuất hiện. Một tên định đánh lén từ phía sau, võ sư Thành né đòn sang bên trái quay người tung quyền chân đúng vào bụng đối thủ khiến cho hắn gục xuống. Hai tên khác cùng lao vào, nhanh như cắt bà nhảy lên đạp thẳng hai chân vào ngực đối thủ. Sau khi ăn đòn, mấy đối tượng đánh lén lê lết chạy đi.
Là con trai của một trong những võ sư đầu tiên đưa môn võ Thiếu Lâm vào Việt Nam, thế nên để nêu gương, võ sư Nguyễn Hồng Quân lại càng phải cố gắng gấp bội các môn sinh khác của cha. Nghe ông kể lại chuyện luyện võ hồi thơ ấu, người ta mới biết con đường đến danh hiệu cao thủ võ lâm vất vả như thế nào.
Tự biến mình thành... bao cát
Võ sư Nguyễn Hồng Quân kể lại: "Năm 6 tuổi tôi đã được theo cha luyện võ. Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, một buổi đi học, một buổi làm nghề mưu sinh, tối mới có thời gian tập luyện. Thời ấy, chính quyền cũ không cho dạy và học võ nên cha con tôi phải đợi đến khi hàng xóm ngủ say mới dám luyện. Lúc ấy vì nhỏ quá ham ngủ, nhiều khi đứng tấn còn ngủ gật ngã xước xác cả đầu. Nhà có 5 chị em nhưng có mỗi mình là con trai nên được mẹ cưng chiều, nhiều lần học lộn nhào, xoạc mà bị thương mẹ tôi xót con, không cho tập. Tuy nhiên, cha tôi quyết tâm cho tôi tập bằng được môn võ thuật này để sau này nối nghiệp cha".
Chúng tôi gặp võ sư Quân trong ngôi nhà, nép mình trên một con ngõ nhỏ đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội). Võ sư Nguyễn Hồng Quân sinh năm 1963, là con trai duy nhất của sư ông Nguyễn Văn Tiến, một võ sư Thiế Lâm nổi tiếng đất Hà Thành. Được biết, để luyện thành công môn võ này đã khó khăn nhưng để trở thành một võ sư Thiếu Lâm tự thì con đường tập luyện phải gian nan vất vả hơn nhiều. Những ngày đầu võ sư Quân tập luyện, để luyện sức khoẻ, mỗi buổi sáng sớm, ông thường phải chạy bộ hàng giờ đồng hồ ngoài đường phố. Để luyện quyền chân, ông thường buộc những viên đá nặng vào chân rồi chạy, nhảy. Võ sư Quân tâm sự: "Đây là một bài tập luyện đúng bài bản của Thiếu Lâm tự. Khi buộc đá vào chân di chuyển nghe vẻ rất nặng nề nhưng khi đã luyện thành thạo, tháo đá ra khỏi chân, tôi chạy mà cảm tưởng mình đang bay. Hơn nữa, cú đá cũng có sức nặng hơn nhiều".
Một cách tập luyện của võ sư Quân cũng khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Ngày ấy, chưa có vật dụng để luyện tay, ngoài việc sử dụng cây làm bao cát, cha của võ sư Quân thường bắt ông tự đánh hai tay vào nhau hoặc tự đấm vào người. Nghe có vẻ lạ và "bất bình thường" nhưng đây là một phương pháp tập luyện được người học võ cho là "nhất cử lưỡng tiện". "Khi tự đấm vào người, mình vừa luyện được quyền tay vừa rèn luyện khả năng chịu đựng. Lúc đầu tập luyện còn cảm thấy đau chứ một thời gian sau khi đã quen rồi thì không thấy hề hấn gì. Đến bây giờ đi dạy võ, tôi thường đứng yên cho đệ tử đấm đá vào người thoải mái", võ sư Quân vừa nói chuyện với chúng tôi vừa đấm vào người như mình chứng cho lời ông nói.
Với người học võ, việc luyện tấn là đặc biệt quan trọng. Đây cũng chính là bài học đầu tiên mà người học võ ái ngại nhất. Nhớ lại những ngày đầu học tấn, võ sư Quân kể: "Ngày ấy tôi 15 tuổi, trong đám học trò của bố, tôi là người có khả năng đứng tấn lâu nhất. Một hôm, bố tôi mang về một hòn đá nặng khoảng 30kg và bắt tôi ôm hòn đá ấy đứng tấn đến khi nén nhang cháy hết trong khi đó ông vào giường nằm ngủ. Lúc đầu chưa quen, tấn khoảng 20 phút chân tay tôi mỏi rã rời tưởng chừng như không thể đứng được nữa. Tôi cứ cố gắng đứng thêm được chút nào hay chút ấy, thế rồi tôi cũng chịu đựng được đến lúc cháy hết một nén nhang. Lúc ấy, tôi mệt đến nỗi mặt mày tái ngắt, nằm ngay xuống sân và không đứng được dậy. Bố tôi chạy ra đỡ tôi dậy, nhìn thấy ánh mắt của ông, tôi thấy sự tự hào. Đến bây giờ nhiều huynh đệ trong lò võ của cha tôi vẫn nhắc đến câu chuyện đó như một kỳ tích".
Ngày ấy, việc học võ được thực hiện vào ban đêm. Để tránh phát ra tiếng động, cứ tầm 11 -12h đêm, hai cha con võ sư Quân thường đốt đèn ra cánh đồng gần nhà luyện võ. Chính vì thế, những năm đó, ở khu vực võ sư Quân sinh sống có chuyện, dân làng kháo nhau về việc có ma ngoài đốt đuốc ở cánh đồng. Ban đêm không ai dám bén mảng đi qua khu vực đó. Võ sư Quân cho biết, để luyện cho cơ thể chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết, giữa trưa mùa hè bị bắt ra "phơi" nắng hay buổi tối mùa đông cởi trần đứng tấn hoặc nhảy xuống ao hồ ngâm mình là chuyện hết sức bình thường.
Đốt dây cao su làm đèn dạy võ
Tính đến thời điểm này, võ sư Quân đã hơn nửa đời người dạy võ. Vị võ sư Thiếu Lâm này cũng không thể nhớ bao nhiêu lứa học trò đã qua tay mình. Năm 1985, ông bắt đầu công việc dạy võ Thiếu Lâm. Năm ấy, vẫn chưa có điện nên hàng ngày, mỗi học trò đến lớp đều phải mang theo một chiếc dây cao su để đốt lấy ánh sáng tập võ. Thầy trò cùng nhau tập luyện trong thứ ánh sáng nhạt nhạt của "ngọn đuốc" từ những chiếc dây cao su mùi khét lẹt. Những ánh lửa ấy có thể bị gió thổi tắt nhưng ánh lửa trong trái tim, ánh lửa của tinh thần thượng võ thì không có gì dập tắt được, nó cháy mãi trong ông và những đệ tử đang theo học môn võ Phật chân truyền. "Ngày ấy, cứ trời mưa là lò võ của chúng tôi nước lại lênh láng trên nền nhà vì mái nhà bị dột. Ngoài trời mưa sấm chớp, tiếng ếch nhái kêu ồm ộp vang trời nhưng thầy trò vẫn mải mê tập luyện. Chính những ngày khắc khổ như thế, các học trò mới thấy được sự gian khổ của các bậc tôn sư khi luyện những tuyệt chiêu võ Thiếu Lâm và tăng thêm ý chí rèn luyện thành tài".
Võ sư Quân đang biểu diễn.
Kế thừa truyền thống môn phái Thiếu Lâm của người cha đã quá cố, võ sư Nguyễn Hồng Quân đã duy trì và phát triển môn phái. Năm 1988, đánh dấu bước tiến trong cuộc đời võ thuật khi ông được Liên đoàn Võ Hà Nội công nhận đẳng cấp võ sư. Võ sư Quân đã đào tạo được nhiều vận động viên, huấn luyện viên có thành tích cao. Gần 30 năm qua môn phái Thiếu Lâm tự đã tham gia với Hội võ thuật Hà Nội trong những hội diễn và đạt được nhiều thành tích cao. Kể từ năm 1995 đến 2000, môn phái Thiếu Lâm do võ sư Quân làm huấn luyện viên đã đạt được nhiều huy chương trong các hội thi võ cổ truyền trên toàn quốc.
Hiện nhiều học trò của võ sư Quân đã mở lò luyện võ Thiếu Lâm tự tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội. Được biết những năm đầu mở lò luyện võ ở Hải Phòng, vùng đất mà chưa có môn phái nào có thể trụ được lâu dài, có rất nhiều môn phái khác đến thách đấu nhưng ông đều khéo từ chối. Vì đối với vị võ sư này, học võ không phải là để đánh nhau, không phải để phân tài cao thấp. ông tâm niệm rằng, học võ để rèn luyện sức khoẻ và bảo vệ chân lý. Hơn nữa, môn phái mà ông đang theo học là Thiếu Lâm - võ nhà Phật nên tránh việc động thủ. Võ sư Hoài nói vui: "Nếu động thủ mình bại thì mình đi viện, mà mình thắng thì mình đi tù. Tốt nhất là dĩ hoà vi quý". Chính vì sự điềm đạm của ông khiến cho nhiều trưởng môn của các môn phái khác nể trọng.
Chia tay chúng tôi, võ sư Quân tâm huyết: "Tôi rất mừng vì tôi đã nối nghiệp được tinh thần thượng võ cũng như niềm tâm đắc của cha tôi. Hiện nay, tôi và các huynh đệ trong môn phái đang cố gắng truyền bá những tinh hoa Thiếu Lâm tự đến cả nước. Sau này khi đôi chân tôi đã mỏi, tôi sẽ truyền lại chức Trưởng môn nhân cho một học trò đủ đức đủ tài".
"Để được phong đẳng cấp võ sư võ Thiếu Lâm không phải là một chuyện đơn giản. Có 3 điều kiện để Hội võ thuật phong cấp võ sư. Thứ nhất là người đó phải giảng dạy nhiều năm về võ thuật; Thứ hai các học trò của vị sư phụ đó ít nhất phải giành được huy chương trong các hội thi võ thuật Hà Nội; Thứ ba, tiểu sử của vị võ sư đó phải rõ ràng về mục đích luyện võ và việc dạy, học võ phải theo quy định của pháp luật Việt Nam". - Võ sư Nguyễn Hồng Quân, Trưởng môn phái Thiếu Lâm tự Hà Nội.
(Kỳ cuối): Cuộc đời sóng gió của cha đẻ 10 thế điểm huyệt mật truyền
Dành cả cuộc đời cho nghiệp võ và giành được nhiều vinh quang trên võ đài nên võ sư Mai Văn Phát (pháp danh Thích Thiện Tánh, trụ trì Long Hoa tự, Sài Gòn) đã từng được báo chí nhiều lần nhắc đến. Trong loạt bài Chân dung cao thủ võ lâm Sài Gòn được ĐS&PL đăng tải vào cuối năm 2010, những thành công của vị võ sư này cũng đã từng được đề cập. Kết thúc loạt bài "Đi tìm cao thủ Thiếu Lâm Việt Nam", ĐS&PL một lần nữa xin được trở lại với những kỳ tích huyền thoại của vị võ sư này một cách cụ thể hơn.
Giới võ lâm Sài Gòn những năm 1960 - 1970 luôn dành vị trí trang trọng trong những lần họp mặt cho một vị thiền sư tóc búi cao, râu bạc dài, đôi mắt sáng quắc tinh anh trong bộ cà sa vàng mượt, tác phong thư thái, tay lần chuỗi hạt, và ai đó còn ví ông như một trong các vị thiền sư chùa Thiếu Lâm. Đó là vị chưởng môn phái Trung Sơn võ đạo Mai Văn Phát.
Cuộc đời thăng trầm
Cuộc đời Võ sư Mai Văn Phát từng nhiều lần được báo chí nhắc đến.
Đại sư Mai Văn Phát sinh năm 1917 tại xã Thới Đông, huyện ô Môn, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình nông dân. Thuở nhỏ, ông là một đứa trẻ ốm yếu, thường hay bệnh tật, với thân thể èo uột, sống dở chết dở, nhiều lần cha ông định đem ông cho hẳn một nhà thờ Thiên Chúa nhưng mẹ ông cản ngăn. Năm 6 tuổi, ông đã trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo, kiến bu đầy thân. Năm 10 tuổi, ông được gia đình đưa lên Hải Sơn tự ở núi Thất Sơn (Châu Đốc, An Giang) theo hòa thượng Thích Thiện Hoa chữa bệnh và tu học. Vị hòa thượng này nguyên là thủ hạ của Nguyễn Trung Trực - vị anh hùng cầm đầu nghĩa quân đốt cháy tàu Espéranto của thực dân Pháp trên dòng Nhật Tảo. Khởi nghĩa thất bại, người cận tướng của Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp truy lùng, phải lánh nạn tại Hải Sơn tự, mai danh ẩn tích dưới pháp danh Thích Thiện Hoa.
Chốn thiền môn không chỉ là chỗ người nghĩa quân dung thân, ông còn dùng sân chùa đêm đêm bí mật rèn luyện võ nghệ cho thanh niên dưới chân núi. Nơi cửa chùa, ngoài Phật pháp, cậu bé Phát còn được sư phụ truyền dạy võ công. Sau 14 năm, cậu bé gầy gò bệnh tật năm nào đã trở nên rắn rỏi, săn chắc, tinh thông quyền cước và thập bát binh khí. Học được 5 năm thì thầy viên tịch, năm 1934 Mai Văn Phát xuống núi trở về quê.
Hai năm sau, trong trận thắng tay võ biền Trần Thanh Sơn ở một trận đấu đài tại Cần Thơ, Mai Văn Phát may mắn được một cao thủ Thiếu Lâm Bắc phái người gốc Triều Châu (Trung Quốc) ở Cần Thơ nhận làm nghĩa tử. Từ đó, suốt 6 năm ròng rã, ông được cha nuôi truyền dạy khí công, khinh công, y thuật và môn điểm huyệt (cùng tập luyện có một sư huynh rất giỏi võ là con trai của sư phụ). Thời gian này, Mai Văn Phát tham gia đấu võ đài tại Châu Đốc (hai trận đều thắng), tại Nam Vang (1 thắng 1 hòa) và nhiều trận thắng vang dội ở huyện Cờ Đỏ (Long Xuyên). Năm 1942, ông về Châu Đốc mở lớp dạy võ với mục đích giúp thanh thiếu niên nâng cao thể lực và bản lĩnh để cứu quốc và kiến quốc. Khoảng năm 1945, ông rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp.
Vị võ sư yêu nước
Ở Sài Gòn, ông vừa làm công nhân, vừa dạy võ tại gia, đồng thời nghiên cứu, hệ thống hóa tinh hoa võ thuật từ hai vị ân sư, sắp xếp thành chương trình huấn luyện từ thấp đến cao. Năm 1963, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền miền Nam xáo trộn, làn sóng xung đột giữa Phật giáo và Công giáo diễn ra khắp nơi, nhằm thu hút thanh thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, võ sư Mai Văn Phát quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp danh Thích Thiện Tánh. Với ước mong dùng việc dạy võ để giáo huấn thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo đức làm người và khả năng tự vệ, ông sáng lập môn phái Trung Sơn võ đạo (Thiếu Lâm Nguyên thủy mật truyền) từ chi đoàn Trúc Lâm (hướng đạo sinh Phật tử), võ đường đặt tại Long Hoa tự. Tại ngôi chùa này, Mai Văn Phát truyền bá Thiếu Lâm Nam phái nhưng võ đường lại trương bảng "Võ đường Trung Sơn Thiếu Lâm Bắc phái".
Năm 1969, cùng với 13 võ sư là Kim Kê, Mười Mách, Tám Kiển, Nguyễn Nhiều, Trần Xil, Liên Văn Răng, Phan Văn Hai, Mã Thanh Long, Xuân Bình, Quách Phước... ông vận động thành lập Tổng hội Võ học, giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch. Sau 1975, đại sư Mai Văn Phát tham gia Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, được cử giữ chức trưởng Ban cố vấn. Năm 1997, dù đã bước qua tuổi 80, đại sư Mai Văn Phát vẫn biểu diễn bài Đại đao Lý Thường Kiệt với những đường múa uyển chuyển, hoa mỹ đầy uy lực. Ngoài dạy võ, đại sư Mai Văn Phát còn chữa trị các bệnh khớp xương và thần kinh tọa. Không chỉ nổi tiếng trong nước, ông còn được quốc tế nhiều lần nhắc tên ngưỡng mộ. Tạp chí võ thuật Pháp Karate Bushido (6/1995) đăng bài viết của Phan Châu Toàn về lão võ sư Mai Văn Phát, tác giả đã gọi ông là "vị thầy tu giỏi võ, một huyền thoại sống".
10 thế điểm huyệt mật truyền
Trung Sơn võ đạo sản sinh nhiều tài năng. Là thiền sư, lấy chữ Bi làm đầu, đại sư Mai Văn Phát hạn chế đưa đệ tử đấu đài bởi ông tâm niệm "võ thuật nhằm rèn luyện nhân cách, học võ không phải để tranh tài cao thấp, phân định hơn thua". Trung Sơn võ đạo nổi tiếng với các bài quyền về binh khí đặc trưng: La hầu quyền, Đồng nhi, Thập nhị hình long quyền, Long mơn tứ trụ quyền, Thần đồng, Tứ linh, Ngọc trản ngân đài... Đao pháp Trung Sơn võ đạo, trong thì ý, khí, lực; ngoài thì thân, thủ, bộ pháp uy lực đúng với khẩu quyết "đao như mãnh hổ, thương tựa giao long".
Trung Sơn võ đạo còn có 10 thế điểm huyệt mật truyền: Nữ hầu chưởng ngọc; Thiết sa chưởng; Hầu xiềng; Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực; Phụng hoàng sang điểm thủy; Hắc hổ du tâm; Hầu xiềng điểm huyệt yết hầu; Song hầu thủ điểm giáng kinh; Đơn hầu thủ, điểm huyệt toàn cơ; Mãnh hổ du sơn. Hai tuyệt kỹ của mơn phi: Hùng chưởng, tam thập lục kế, Vĩ đào di thượng, Thiết thủ ngọa hầu thủ - Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực.
Võ sư Mai Văn Phát (chưởng môn phái Trung Sơn võ đạo) trong một buổi thiền.
Các đệ tử được học về "Kinh huyệt tứ tuyệt môn công" - một môn học tối quan trọng, chỉ được mật truyền trong hàng cao đồ của môn phái, trải qua 4 giai đoạn khổ luyện: Thức (học về âm dương ngũ hành), Nhãn (nhận biết các vị trí của huyệt đạo), Kình (biết vận lực và dụng khí để điểm trúng huyệt) và Giải (giải huyệt với 2 phương pháp: dùng tay không ma sát, thoa bóp gọi là Thủ thuật hoặc dùng thuốc xức, uống gọi là Dược thuật).
Ngoài ra, môn phái còn có các tuyệt kỹ như Hầu xiềng (vừa đánh ngã vừa điểm luôn huyệt đối phương), Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực (thế của con cọp trắng vừa chụp siết yết hầu vừa chụp siết hạ bộ đối phương. Đối phương sẽ chết ngay nếu ta không kịp buông tay ra), Phương dực đăng sơn đại bàng (dùng chỏ đánh từ tam tinh xuống yết hầu đối phương), Phi ngưu trá hình (đối phương nhập nội, ta phóng đến dùng gối chỏ tấp ngay vào chấn thủy đối phương), Kim tiêu cước (nhảy tới đá ngay vào hạ bộ đối phương)...
Ngày 8/12/1997, đại lão võ sư Mai Văn Phát viên tịch sau cơn bạo bệnh. Hiện ở Sài Gòn có 24 đơn vị đang hoạt động, số môn sinh khoác áo Trung Sơn võ đạo đã lên đến hàng vạn.
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.