Ám ảnh “xóm ma-cà-rồng” giữa rừng Sơn La - VietBF
 
 
 

HOME

NEWS 24h

DEM

GOP

Phim Bộ

Phim Lẻ

Ca Nhạc

Breaking
News Library Technology Giải Trí Portals Tin Sốt Home

Go Back   VietBF > Others (Closed Forums) > Archive - Old News 2006-2011 (closed)

 
 
Thread Tools
Old 05-05-2011   #1
tonycarter
R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
 
tonycarter's Avatar
 
Join Date: Dec 2008
Posts: 44,699
Thanks: 262
Thanked 591 Times in 456 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 61
tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2
Supseries Resize Ám ảnh “xóm ma-cà-rồng” giữa rừng Sơn La

Người ta còn đồn rằng, đấy là những con ma đói hiện hình từ địa ngục. Rồi thì thầy mo ác đã đọc bùa chú làm xác chết sống dậy. Lại có người quả quyết đó là những con ma-cà-rồng chuyên đi hút máu người.

Cho đến hôm nay, đối với đồng bào ở vùng rừng xanh núi đỏ này, bệnh phong vẫn là cái gì đó rất ghê sợ. Người dân quanh vùng gọi Khu điều trị bệnh phong Sông Mã (Sơn La) là “bản hủi”. “Bản hủi” nằm giữa một cánh rừng bên dòng sông Mã.

Khu điều trị bệnh phong Sông Mã, tỉnh Sơn La, hay còn gọi là “bản hủi”, ám ảnh tôi với bao huyền thoại về xứ sở hãi hùng và tuyệt vọng của những con người bị vi khuẩn Hansen gặm nhấm xương cốt. Những người không còn bàn tay, phải dùng dây chun buộc cuốc, dao vào cánh tay rồi tự cày cuốc, đào bới, đánh vật với rừng già để kiếm ăn qua ngày.

Bệnh nhân phong ở làng phong Sông Mã.

Người ta bảo, máu họ chảy ra suối, chảy ra thượng nguồn sông Mã, máu họ thấm đẫm những luống ngô, luống khoai. Có người bị vi khuẩn Hansen ăn mất cả xương sống mũi, hai hốc mũi vếch lên trời như loài khỉ mũi hếch. Có người bị mất thanh quản nên không nói được, chỉ phát ra tiếng ú ớ rùng rợn. Có người cụt cả hai chân, hai tay. Họ phát rồ phát dại khi nhìn những phần cơ thể của mình bị loài vi khuẩn ma quái gặm thịt ăn xương. Họ nghĩ mình bị ma ám thật. Họ lọ mọ từ khắp nơi tụ về một khu rừng rồi cùng nhau chờ chết.

Những con người này, một thời như những con ma thoắt ẩn, thoắt hiện trong những cánh rừng già dưới chân núi Mường Hung.

Những bệnh nhân hủi từng dựng nhà giữa rừng, nhai vỏ cây, lá cỏ để sống.
Đồng bào ở Sông Mã thường truyền tai câu chuyện đầy chất liêu trai chí dị, rằng lúc lên nương họ vô tình nhìn thấy những nhóm người như những sinh vật lạ, rách rưới, bẩn thỉu, người cụt tay, người cụt chân thậm thụt dưới khe suối, ngoài bìa rừng. Họ phát ra những tiếng kêu ú ớ gớm ghiếc rồi biến mất sau những lùm cây um tùm của đại ngàn.

Những câu chuyện ấy vẫn ám ảnh đến ngày nay. Người ta còn đồn rằng, đấy là những con ma đói hiện hình từ địa ngục. Rồi thì thầy mo ác đã đọc bùa chú làm xác chết sống dậy. Lại có người quả quyết đó là những con ma-cà-rồng chuyên đi hút máu người.

Họ từng bị coi là ma-cà-rồng.

Ngày đó, ở vùng đất Sông Mã, bệnh phong hoành hành rất dữ dội. Hễ ai bị bệnh phong là người ta đổ cho con ma về hại bản. Người bị chôn sống, người bị thiêu cháy, người bị buộc vào bè chuối thả trôi sông. Tôi đã từng gặp những bệnh nhân phong, hiện đang sống ở trại phong Văn Môn (Vũ Thư, Thái Bình), từng bị thả trôi sông từ tận Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ về theo sông Hồng, sông Lô.

Phần lớn số người mắc bệnh phong bị xua vào rừng già. Họ sống vạ vật trong rừng, tay chân không có, lại thêm mắt mù tai điếc nên thường xuyên bị hổ báo tìm về xé xác ăn thịt.



Ông Nguyễn Đăng Sinh, nguyên Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Sông Mã, người đã gắn bó với trại phong ngót 50 năm trời kể lại như sau:

Khi nghe nói các bệnh nhân phong vùng Tây Bắc dồn tụ về bản Pháy trên sườn núi Mường Hung sống, ông đã cuốc bộ hàng trăm cây số vào rừng để tìm ra chỗ họ lẩn trốn. Sau mấy ngày đêm lặn lội trong rừng sâu, ông đã gặp một đám người rách rưới, què cụt lê lết chạy trốn, miệng kêu ú ớ như con thú bị trúng đạn.

Sau một hồi rượt đuổi, cuối cùng thì đoàn người què cụt cũng dừng lại vì kiệt sức. Dù là bác sĩ phong, song ông cũng phải lạnh sống lưng khi thấy cảnh người mất chân, người mất tay, người rụng tai, người mất mũi, người mất môi, nước dãi chảy lòng thòng. Hình dáng họ khi đó thực sự giống những quái vật kinh hoàng chỉ có trong những bộ phim kinh dị của Mỹ.

Họ từng trốn chạy vào rừng sâu và chờ chết.

Những bệnh nhân phong này tập trung thành một xóm nhỏ giữa rừng, trên vách núi, sống tách biệt hoàn toàn với đồng bào dân tộc trong vùng. Họ dựng những túp lều tranh và sống bầy đàn như người nguyên thủy.

Đàn ông không đủ sức đi săn bắn, đàn bà không đủ sức trồng trọt. Họ nhặt rau rừng, tước vỏ cây để ăn đúng như bầy thú. Họ nằm liệt cô đơn trên vũng mủ máu nhờn nhoét, ruồi bọ lúc nhúc trong những túp lều dơ bẩn và mòn mỏi chờ một cái chết thê thảm.

Tình cảnh cuộc sống kinh hoàng của những người cùi khi ấy còn nguyên vẹn trong ký ức của ông Sinh và những người đầu tiên khám phá ra một thế giới thê lương kinh hoàng giữa đại ngàn Sông Mã, nơi vùng đất tận cùng của tỉnh Sơn La.

Họ bị đồn là những xác chết sống dậy.

Gặp được đoàn người cùi, ông Sinh cùng một số đồng nghiệp chuẩn bị cho việc thành lập làng phong.

Từ đây, những người bệnh phong ở các bản làng thuộc 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ (ngày đó có tỉnh Nghĩa Lộ) được các bác sĩ, y tá lùng sục mang về chăm sóc.

Khi thành lập, làng cùi có 50 bệnh nhân, đến năm 1960, số bệnh nhân đã lên đến 250 người. Làng phong ngày đó nằm trên bản Pháy. Thế nhưng, cái tên bản Pháy chỉ là trên giấy tờ, trên bản đồ địa chính của xã, người dân Sông Mã vẫn chỉ biết đến nó với một cái tên đầy sự kinh hãi: Bản Hủi.

Còn tiếp…


Lâm Giang
VTCNews
tonycarter_is_offline  
Attached Thumbnails
Click image for larger version

Name:	1.jpg
Views:	34
Size:	22.7 KB
ID:	282713
Old 05-07-2011   #2
tonycarter
R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
 
tonycarter's Avatar
 
Join Date: Dec 2008
Posts: 44,699
Thanks: 262
Thanked 591 Times in 456 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 61
tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2tonycarter Reputation Uy Tín Level 2
Default

Cuộc vượt biên kinh hoàng của những “con bệnh” từ Lào

Những bệnh nhân phong ở khu điều trị Sông Mã (Sông Mã, Sơn La) đã được chữa khỏi dù vẫn còn quê hương bản quán, dù vẫn còn người thân, song họ cũng nhất quyết không về. Họ đã quá đau lòng với những người thân, với xóm làng, những người từng xua đuổi, từng đòi giết họ, đẩy họ trải qua những cuộc chạy trốn kinh hoàng.

Sau mấy chục năm tồn tại, Khu điều trị bệnh phong Sông Mã (huyện Sông Mã, Sơn La) bây giờ khá tiêu điều vì hầu như không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Bệnh hủi không còn nghiêm trọng, không còn gây ra nỗi sợ kinh hoàng với con người nữa.

Dù không phải tiếp nhận thêm bệnh nhân mới, nhưng khu điều trị vẫn có bác sĩ, y tá, phục vụ, chăm sóc những bệnh nhân tồn tại từ ngày xưa. Họ là những bệnh nhân bị bỏ rơi hoàn toàn, không có người thân thích, không còn chốn nương thân.

Những bệnh nhân đã được chữa khỏi, dù vẫn còn quê hương bản quán, dù vẫn còn người thân, song họ cũng nhất quyết không về. Họ đã quá đau lòng với những người thân, với xóm làng, những người từng xua đuổi, từng đòi giết họ.

Một ngôi nhà trong "xóm hủi" cuối bản Pháy.

Họ vẫn ở lại bản Pháy, nơi có cánh rừng mà mấy chục năm trước từng che chở, bao bọc cho họ, giúp họ thoát khỏi những hình thức giết chóc dã man: thiêu sống, chôn sống kèm rắc vôi bột, đóng vào cũi dìm xuống đáy sông, thả bè chuối trôi sông…

Tôi lang thang vào ngôi làng nằm lấp ló trong đại ngàn, trên sườn dãy Mường Hung, nơi có những ngôi nhà tạm. Đó là những ngôi nhà do những bàn tay cùi hủi rụng rời dựng lên. Trong tổ ấm của những “con ma” giờ đã có tiếng cười, đã bớt nước mắt, bớt sự rùng rợn, sợ hãi.

Trò chuyện với những cư dân một thời trốn tránh khỏi sự giết chóc, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng, rất nhiều trong số họ là người Lào. Có tới 15 người Lào đã trốn sang cánh rừng Việt Nam này từ rất lâu để được cứu mạng.

Bà Vì Thị Túp - người Lào, hiện đang sống ở bản Pháy.

Nhà bà Quàng Thị Thum ở cuối bản Pháy mờ sương, tít thượng nguồn dòng suối Nậm Ca. Căn nhà của vợ chồng bà Thum, ông Ọi mái lụp xụp, bé tin hin, lọt thỏm dưới khe núi, không có người qua lại.

Bà Thum không nói được câu tiếng Kinh nào, chỉ bập bẹ tiếng Thái nhờ chồng dạy.

Qua lời dịch của bác sĩ Cầm Văn Háo, tôi cũng hình dung được phần nào sự đau đớn, bất hạnh đến tuyệt vọng của những “con ma” bị người đời hắt hủi, phải rời bỏ đất nước yêu dấu, vùi thân tàn vào chốn rừng thiêng để sống một cuộc đời tận cùng đau khổ.

Tôi thật không ngờ, người đàn bà cụt một cánh tay, cụt hai bàn chân này lại từng là vợ của một người có thế lực ở huyện Chiềng Khọ (tỉnh Sầm Nưa). Sau một hồi câm lặng, bà chợt bật khóc.

Bà Thum từng là người đàn bà đẹp nhất huyện Chiềng Khọ.

Những năm 1960, Thum là một bông hoa đẹp nhất nhì huyện Chiềng Khọ. Ngày lên xe hoa về với Khăm, những tưởng cuộc đời chị thế là mãn nguyện.

Thế nhưng, cuộc sống sung túc chỉ được ít lâu, người ta phát hiện chị bị bệnh hủi. Người chồng trở mặt, gia đình, hàng xóm nội ngoại đều hắt hủi chị và coi chị là một con ma. Họ đuổi chị vào trong rừng, nơi có một xóm nhỏ với 30 người bị hủi sinh sống.

Một đêm, bỗng nhiên cả “bản hủi” bốc lửa ngùn ngụt. Những con người cụt tay, cụt chân la hét, lao nhao trong ngọn lửa, bị ngọn lửa rừng rực thiêu cháy.

Vụ đó, 6 người đã bị ngọn lửa thiêu cháy. Chị cùng với đoàn người cùi cụt tìm sang làng phong bên Việt Nam để có chỗ trú chân.

Cuộc vượt núi Mường Hung tìm sang Việt Nam là những tháng ngày vô cùng đau đớn, nhục nhã. Cả đoàn người cùi cụt, không một thứ vũ khí cầm tay, không một manh chiếu, tấm màn, họ phải bứt lá cây rừng để sống, bắt côn trùng để ăn, ngủ hang ngủ lỗ để vượt qua rừng già, trèo qua dãy Mường Hung cao gần 2.000m để tìm sang Việt Nam.

Phải mất cả tháng trời, nhóm người mắc bệnh phong ở Lào mới vượt qua được dãy Mường Hung tìm sang Việt Nam.

Suốt một tháng trời lang thang trong rừng, đến bờ sông Mã, giáp biên giới Việt Nam, đoàn 24 người cùi cụt bị sốt rét rừng hạ gục, bị thú rừng ăn thịt chỉ còn lại 20.

Năm đó là mùa lũ, dòng sông Mã lồng lên dữ dội như mãnh thú. Những bệnh nhân phong ngày chặt cây, bó củi khô làm bè, đêm chuẩn bị vượt sông. Sau một đêm vật lộn với dòng nước xiết, đoàn người cùi cụt bị dòng nước cuốn đi mất 5 người, chỉ còn 15 người an toàn về đến làng phong.

Bà Thum cho hay: “Chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện về quê nữa. Ở đây tôi có chồng, có con, có những bác sĩ tận tâm làm chỗ dựa. Tôi tìm lại được cuộc sống ở đây thì chết cũng ở đây thôi”.

Bà Thum và người chồng cũng mắc bệnh phong.

Tôi hỏi: “Thế bà không nhớ chồng cũ, không nhớ quê sao?”. Bà oà khóc nức nở: “Ai cũng biết tôi đang ở đây nhưng đã mấy chục năm nay có ai tìm sang thăm đâu?”.

Từ sâu thẳm đôi mắt người đàn bà Lào, tôi thấy một nỗi nhớ quay quắt. Có lẽ bà cũng muốn về thăm quê cho dù một lần, song người ta đã quên bà rồi. Quê hương là một cái gì đó thật khủng khiếp đối với bà.

15 bệnh nhân phong từ Lào trốn sang Việt Nam từ những năm 60 thế kỷ trước đều được chăm sóc, chữa trị rất tốt và giờ đây, họ đều đã có gia đình với những người ở làng phong. Đó là cặp vợ chồng bà Quàng Thị Thum và ông Lường Văn Ọi, Bà Quàng Thị Thăm và ông Lường Văn Pản, Bà Vì Thị Túp và ông Đỗ Đắc Tuấn, rồi thì bà Chảo Thị May, bà Lò Thị May…

Đôi lúc nhớ quê, bà Thum ra hiên nhà nhìn sang trời Tây.

Họ sống quây quần thành một xóm nhỏ giữa rừng, ở cuối bản Pháy, sườn núi Mường Hung, nơi thượng nguồn con suối Nậm Ca.

Con cái họ đều đã trưởng thành, người làm lái xe, người làm bảo vệ, làm công nhân cho Công ty chế biến nông sản của anh Nguyễn Văn Tài. Anh Tài là bác sĩ, con trai của nguyên Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Sông Mã, tức ông Nguyễn Đăng Sinh.

Anh Tài sống với bố ở trên này từ bé nên anh hiểu hoàn cảnh của những người bệnh phong. Anh đã thành lập công ty sơ chế, buôn bán nông sản để giúp bà con bản phong thoát nghèo. Hầu hết con em bản Pháy đều làm công nhân của công ty và có mức thu nhập ổn định.

Vợ chồng bà Quàng Thị Thăm và ông Lường Văn Pản trong ngôi nhà giữa rừng.

Bệnh phong giờ đây không còn là “tứ chứng nan y” như người ta vẫn quan niệm nữa, thế nhưng, sự kỳ thị đối với những bệnh nhân phong dường như vẫn còn nguyên vẹn ở cái mảnh đất rừng xanh núi đỏ này.

Dẫu biết rằng sau mấy tháng điều trị, bệnh phong không còn khả năng lây lan, nhưng con trâu ăn nhầm sang rẫy của “bản hủi”, người ta vẫn cứ thấy lo. Thậm chí, người bệnh phong muốn đem chài ra sông Mã kiếm con cá, con tôm cũng phải đợi đêm đến. Ban ngày, nếu thấy người bản Pháy ra sông quăng chài thì người ta bỏ đi cả, bởi vì họ vẫn còn nghĩ rằng bệnh phong có thể lây qua đường… nước.

Để tránh sự miệt thị của xã hội, người bản Pháy chẳng bao giờ ló mặt ra chỗ đông người, họ cứ sống như những cái bóng trong đại ngàn.

Khổ nhất là đám con cháu của bệnh nhân phong. Họ không mang vi khuẩn bệnh phong, thế nhưng, vượt rừng, vượt dốc đến trường, các em vẫn bị chỉ trỏ “lũ con người cùi”, kèm theo cái bĩu môi khinh thị, vậy là các em bỏ học cả.

Rời “bản hủi”, tôi mang theo câu chuyện hãi hùng về người đàn bà bệnh phong mà ông Sinh kể. Chuyện rằng, nửa thế kỷ trước, có một người đàn bà bị dân làng xua đuổi, đã trốn vào rừng. Nhưng ở trong rừng, tay chân cùi cụt, không kiếm được miếng ăn, nên người đàn bà như con ma đói, rũ rượi, bẩn thỉu. Bà mò về bản trộm đồ ăn, bị dân vác gậy đòi đánh chết. Nhưng nhìn thấy bộ dạng như xác chết sống dậy của bà, không ai dám xông vào giết. Đau khổ quá, bà lết thân xác đang phân hủy ra sông Mã đắm mình xuống dòng nước bạc. Tiếng người đàn bà “bản hủi” tự tử lan xa, cả tháng trời người ta chẳng dám ra sông đánh cá nữa.

Lâm Giang
VTCNews


tonycarter_is_offline  
 
User Tag List


Phim Bộ Videos PC8

 
iPad Tablet Menu

HOME

Breaking News

Society News

VietOversea

World News

Business News

Other News

History

Car News

Computer News

Game News

USA News

Mobile News

Music News

Movies News

Sport News

DEM

GOP

Phim Bộ

Phim Lẻ

Ca Nhạc

Thơ Ca

Help Me

Sport Live

Stranger Stories

Comedy Stories

Cooking Chat

Nice Pictures

Fashion

School

Travelling

Funny Videos

NEWS 24h

HOT 3 Days

NEWS 3 Days

HOT 7 Days

NEWS 7 Days

HOT 30 Days

NEWS 30 Days

Member News

Tin Sôi Nổi Nhất 24h Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 3 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 7 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 14 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 30 Ngày Qua
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.


All times are GMT. The time now is 17:47.
VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2025
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2025 DragonByte Technologies Ltd.
Log Out Unregistered

Page generated in 0.07361 seconds with 14 queries