Hinh - người lính đang canh giữ nơi biển đảo, đã trải qua bao phong ba bão táp giữa biển khơi. Thế nhưng, giờ đây, giông tố khi sắp phải chia tay người vợ thân yêu bao năm đầu ấp môi kề khiến bàn chân anh muốn chùn bước.
Duyên số định mệnh
Giữa nơi hải đảo, trong tiệc nhậu tình cờ gặp lại bạn cũ từ thời còn cắp khố đến trường, tôi chú ý đến anh bởi qua lời giới thiệu của bạn tôi thì trong số tất cả những người lính đang công tác tại Trạm T550, Hinh là người có hoàn cảnh éo le nhất và cũng đầy bi đát, hẩm hiu.
Bữa tiệc rôm rả tiếng cười, nói, vui đùa nhưng phía sau những câu chuyện xã giao, ánh mắt Hinh vẫn có điều gì đó khiến người đối diện nếu tinh ý sẽ đọc được nỗi buồn đang vây quanh người đàn ông bước qua tuổi 40.
Lật ngược ký ức thời gian, người lính ấy chính là Hoàng Văn Hinh, quê gốc xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Hinh có khuôn mặt sạm đen, tóc húi, bàn tay chai sạn, dáng người thô, mới nhìn qua nếu không có bộ quân phục hải quân anh đang mặc, nhiều người sẽ e ngại vì trông anh giống dân “anh chị” trong “xã hội đen”. Thế nhưng ẩn chứa sau vẻ bề ngoài hình thức ấy là một trái tim nhân hậu, tốt tính đến khó tin về người đàn ông đang canh giữ nơi biển đảo huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Anh trầm giọng kể về mối tình “sét đánh” và những lần “vượt bão” trong cuộc hôn nhân đầy niềm vui, nước mắt.
Mối tình "sét đánh" của cô giáo và anh lính biển
13 năm trước nơi bến cảng, cô gái Bùi Thị Bích Thuận khi vừa đặt chân từ trên tàu vào đảo thì gặp ngay Hinh cũng đang đứng đợi bạn gái. Sau mấy câu chuyện pha trò của anh lính trong lúc chờ đợi, cả hai cứ ngỡ đó như là một cuộc gặp tình cờ và bông cợt chỉ để giết thời gian. Thế nhưng, trong chuyện tình yêu, mấy ai đoán được chữ ngờ và ngay như bản thân anh cũng vậy, có nằm mơ anh cũng sẽ không bao giờ nghĩ đến người con gái nết na, dáng người mảnh khảnh ấy, ánh mắt xen lẫn đượm buồn sau này sẽ theo anh đi suốt cuộc đời.
Hinh bảo, từ cuộc gặp đó, cả hai sau đó cũng đường ai nấy đi, anh về nơi đơn vị đang công tác tại T550, còn Thuận thì đến thăm nhà bạn.
Hôm sau, cô bạn của Thuận rủ lên thăm các anh lính đang canh gác biển đảo. Trong cuộc vui, Hinh không xuất hiện nhưng dường như ấn tượng về chàng trai và cuộc gặp tình cờ nơi bến cảng khiến cô gái sinh ra ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có phần ngóng đợi.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, không hiểu duyên số xui khiến thế nào Thuận lại về đảo Lý Sơn công tác. Lúc này, Hinh cũng đang trong giai đoạn buồn chán vì người yêu cũ nói lời chia tay do không thể chịu đựng được khi phải xa nhau đằng đẵng.
Bùi Thị Bích Thuận, cô giáo reo chữ nơi miền hải đảo
Những đêm đứng gác giữa màn đêm đặc quánh, sương rơi nhòe vạt áo, Hinh cô đơn. Nhưng khoảng thời gian “trống vắng” tình cảm cũng chẳng được bao lâu khi anh theo đám bạn cùng đơn vị xuống thăm khu tập thể giáo viên và tình cờ gặp lại Thuận. Tiếng sét ái tình khiến Hinh mỗi đêm rảnh rỗi lại xuống nhà cô giáo “đánh du kích” một mình.
Quen nhau chưa được bao lâu, tình cảm dần chớm nở, Hinh lại đón nhận tin phải vào Bình Định nhận nhiệm vụ mới. “Đời người lính, dù có trăm khổ ngàn bề khi có nhiệm vụ là phải đi, dù lúc đó cả hai đã bắt đầu có cảm tình”. Ngày chia tay, Thuận bịn rịn nhìn anh bước lên tàu, nước mắt giấu lệ nhìn bóng tàu khuất dần sau tiếng sóng vỗ.
Đốt đèn, mũi xạm đen viết thư tình
Những đêm đầu nơi biển đảo, Hinh ngồi thắp đèn dầu hí húi viết thư. Ngọn đèn dầu leo lét, khói bay vào mặt mũi khiến các lá thư gửi đi được anh mỏi mòn ngóng đợi nhiều hơn. Những lá thư tới tấp chuyển về đảo Lý Sơn với cùng một địa chỉ: cô giáo Bùi Thị Bích Thuận, người gửi Trần Văn Hinh, khiến sợi dây tình cảm như được nối liền gần hơn.
Trong câu chuyện về mình, Thuận luôn cố gắng bình tĩnh nhưng không giấu được ánh mắt buồn
“Lúc mới nhận thư, tui ngồi dịch mãi không được, chữ anh ấy xấu quá. Cực chẳng đã nên mang thư tình đến nhà bạn bè cùng ngồi dịch”- Thuận nhớ lại, ánh mắt cười hồn nhiên.
Riêng bản thân Hinh, mỗi lần được nghỉ phép, anh tức tốc bắt xe và về thẳng huyện đảo Lý Sơn, thăm người yêu. Chính vì tình yêu cuồng nhiệt ấy khiến Thuận thêm hạnh phúc và hãnh diện với bạn bè. Bạn bè đôi lần khuyên can và nên suy xét khi lấy chồng làm lính vì suốt ngày, suốt tháng biền biệt đi làm nhiệm vụ. Thuận bỏ ngoài tai tất, vì cô gái đầy nghị lực, từng là vận động viên đạt giải Nhất tỉnh Quảng Ngãi môn nhảy xa, không hề nao núng. Gia đình Thuận, bố cũng từng là người lính tham gia cách mạng, còn mẹ cũng là một người phụ nữ can trường dấn thân theo bố vào trận tuyến khói lửa nên cô hiểu, mẹ đã chấp nhận được thì tại sao mình lại không.
Sau 3 năm quen nhau, với đầy những thử thách, vượt qua mọi giông tố giận hờn, chia xa, cả hai mỉm cười hạnh phúc ra mắt bà con, hàng xóm với đám cưới điền viên nên duyên vợ chồng.
Cưới nhau chưa kịp vui tuần trăng mật, Hinh lại ra đơn vị tại tỉnh Bình Định công tác, Thuận quay về đảo Lý Sơn giảng dạy. Một năm sau, niềm vui nhân lên gấp bội khi Hinh đón nhận tin vui vợ chuẩn bị sinh em bé. Ngày Thuận chuyển dạ, không có chồng bên cạnh, cô chợt thoáng buồn tủi thân, nhưng rồi tự động viên “chồng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương hải đảo”!.
Cứ ngỡ như hạnh phúc sẽ mỉm cười với cặp vợ chồng trẻ nhưng từ sau khi sinh con, Thuận mới biết mình mang căn bệnh hiểm ác.
Rồi, bao muộn phiền cũng xua tan khi anh cắt phép về bên vợ con. Ôm đứa bé vào lòng, anh hôn nhẹ vầng trán vợ còn đẫm mồ hôi như thay lời cảm ơn. Cứ ngỡ như đôi vợ chồng trẻ này ngập tràn trong hạnh phúc khi đón đứa con đầu lòng chào đời, nhưng cũng từ đây, bao nhiêu giông tố cuộc đời bắt đầu đổ ụp xuống như thử thách tình yêu của họ. Thuận đón nhận tin buồn qua lần chẩn đoán bệnh: Bị suy thận mãn tính.
Căn bệnh hiểm ác ấy đã cướp đi của Thuận tất cả. Từ một người luôn hồn nhiên yêu đời, từ một người hãnh diện bước qua ngưỡng cửa thiên chức với vai trò bổn phận làm mẹ, Thuận suy sụp hẳn. Nước mắt hằng đêm của cô chảy ướt đẫm gối.
Bao nhiêu tài sản, tiền của lần lượt đội nón ra đi theo căn bệnh của Thuận. Cả hai cắn răng can trường vượt qua thử thách. Hinh, từ chàng trai lực điền, phút chốc xuống sức như “thằng nghiện”. Thuận buông tay gằn chồng: “Thôi anh đừng khổ nữa, hãy để em được chết”…
Với Thuận, dù luôn có chồng bên cạnh nhưng bản thân cô cũng đã đôi lần từng nghĩ quẩn khi phải nuốt ngược nước mắt nhìn cảnh chồng luôn túc trực, lo lắng, đưa vợ đi chạy chữa bệnh tứ phương.
Giành giật sự sống
Bao nhiêu nghĩ suy cứ ám ảnh cô mãi. Mỗi ngày thấy chồng chạy vạy khắp nơi mượn tiền, có khi trở về tay không, Thuận càng tự dằn vặt mình hơn. Cô hờn trách số phận mình hẩm hiu đã mang khổ đau, gánh nặng cho người khác.
Thuận bảo, những lúc ngược xuôi Nam- Bắc đi chữa bệnh, Hinh phải theo vợ túc trực tại bệnh viện ăn ngủ vật vờ, chăm sóc vợ. Nhiều đêm thức trắng nghĩ suy, ánh mắt chồng thâm quầng, thân hình từ chỗ như cây lim lực lưỡng, phút chốc teo tóp lại.
Số thuốc men là "tài sản" vô giá đối với cô giáo Thuận lúc này
Qua những lần chữa bệnh, Thuận mới biết quả thận của mình đã bắt đầu suy thận giai đoạn 1 từ năm 2004 và từ đó đến giờ, cứ mỗi tháng một lần chị ra Đà Nẵng để khám và mua thuốc trị bệnh.
Cuộc sống trên đảo khó khăn, không có nguồn viện trợ, cả hai vợ chồng phải lấy 2 sổ lương tổng cộng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng đem đi cầm cố Ngân hàng để lấy tiền mua thuốc men cho Thuận điều trị.
Nguồn tài sản của cặp vợ chồng trong căn phòng trọ ở khu tập thể của Trường THCS An Vĩnh, Lý Sơn giờ cũng không còn gì ngoài căn phòng đặc biệt, gian phòng đó là phòng vô trùng, dành riêng cho những người chạy thận. Mỗi ngày, Thuận phải ra vào 4 lần để hút những chất độc trong người, thay cho quả thận đã hỏng của mình.
Căn phòng đặc biệt nơi kéo dài sự sống của Thuận
Dù lâm vào cơn bạo bệnh từ năm 2004 tới giờ nhưng chị Thuận vẫn bám trường, bám lớp đều đặn. Còn Hinh, ngoài thời gian làm nhiệm vụ của người lính trên biển đảo, mỗi khi trở về nhà, anh kiêm luôn nhiệm vụ “làm mẹ” chăm sóc con và vợ.
Với anh, trong những giây phút này, anh đang cố gắng bù đắp cho vợ những thiệt thòi và muốn dành thời gian nhiều hơn để níu kéo sự sống của người vợ đang “ngàn cân treo sợi tóc”.
“Sống trong tâm trạng không biết vợ lúc nào sẽ chết càng khiến cho tôi cũng như người khác đau đớn, chỉ mong sao có thêm tiền mua thuốc men để giúp vợ kéo dài thêm sự sống”- Hinh trầm ngâm buông giọng.
Nhưng đến mùa mưa bão, chỉ cần đảo bị cô lập với đất liền hơn 1 tháng thì mọi nỗ lực của anh đều trở thành con số không...
Giang Uyên
Theo Bưu ĐIện Việt Nam