Một tổ chức vận động bảo vệ môi trường quốc tế vừa ra phúc trình cáo buộc quân đội Việt Nam tham gia mạng lưới kinh doanh trị giá nhiều triệu đôla nhằm mua gỗ lậu từ Lào.
Rừng nguyên sinh ở Lào đang ngày càng ít dần
Tổ chức Điều tra Môi trường (Environmental Investigation Agency - EIA), trụ sở chính tại Anh quốc, nói lĩnh vực mua bán gỗ lậu đầy rẫy tham nhũng tại cả các cấp chính phủ.
Kết quả là tốc độ phá rừng ngày càng nhanh chóng ở Lào.
Phúc trình của EIA được đưa ra trong lúc Liên hiệp châu Âu đang xem xét dự luật nhằm siết chặt quy định về nhập khẩu và kinh doanh gỗ và hàng làm từ gỗ.
Đại diện của một trong số các công ty Việt Nam bị cáo buộc là mua và vận chuyển lậu gỗ từ Lào trong khi đó lên tiếng bác bỏ hoàn toàn cáo buộc.
Ông Trần Xuân Hòa từ Tổng công ty Hợp tác Kinh tế (thuộc Quân khu 4 - Bộ Quốc phòng) nói các tố giác của tổ chức môi trường EIA là 'hoàn toàn không đúng sự thật'.
Ông cũng nói công ty của ông "hoạt động theo đúng các thỏa thuận đạt được giữa hai chính phủ, tuân thủ pháp luật và không làm gì trái phép".
Điều tra bí mật
Các điều tra viên của EIA đã hoạt động bí mật tại Lào và Việt Nam từ tháng 10/2010-5/2011 để đưa ra các kết luận đăng trong phúc trình có tên 'Crossroads', vừa ra mắt hôm thứ Năm 28/07.
Những người này đã bám theo con đường vận chuyển gỗ từ các tỉnh Attapeu và Sekong ở miền Nam Lào, tới các nhà máy chế biến gỗ và sản xuất hàng nội thất ở Quy Nhơn, Hà Nội và các nơi khác, cũng như tới tận cảng Đà Nẵng.
Họ nói đã phát hiện ra tuy rằng Lào đã có luật cấm xuất khẩu gỗ chưa chế biến nhưng luật này thường xuyên bị vi phạm. Các quan chức bị nói đã ăn hối lộ để cấp giấy phép cho doanh nghiệp mua bán gỗ.
EIA nói đa số gỗ khai thác tại Lào được vận chuyển trái phép qua biên giới sang Việt Nam để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ đang phát triển mạnh tại đây.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ đôla tiền đồ gỗ xuất khẩu, chủ yếu tới Mỹ và châu Âu.
Trong số các công ty Việt Nam bị cáo buộc đã mua gỗ tận nguồn và chuyển gỗ trái phép về Việt Nam là Công ty Hợp tác Kinh tế, một doanh nghiệp quân đội.
EIA nói việc kinh doanh gỗ này là trái pháp luật và kẻ thủ lợi đầu tiên là quan chức chính quyền hai bên cũng như các doanh nhân có quan hệ với chính phủ.
Tổ chức này kêu gọi nhà nước Việt Nam và Lào phải có biện pháp để chấm dứt nạn buôn bán gỗ lậu nhằm bảo vệ những cánh rừng hiếm hoi còn sót lại ở Lào.
EIA cũng kêu gọi EU thúc đẩy kiểm soát nguồn gốc hàng từ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
BBC sẽ có tường thuật chi tiết về cáo buộc của tổ chức môi trường EIA, mời quý vị đón theo dõi.
theo BBC