Trong vòng 60 năm qua, khu vực Sừng châu Phi chưa bao giờ khô cằn đến thế.
Cơn hạn hán khủng khiếp đang bóc dần từng mảng sống vốn đã mong manh ở xứ sở thừa bạo lực nhưng thiếu đồ ăn này. Khoảng 11 triệu người đang phó mặc số phận của mình cho thời tiết và những nhà từ thiện quốc tế. Trong tình cảnh ấy, những đứa trẻ ra đời cũng được xem là gánh nặng…
Khu vực Sừng châu Phi.
Chạy trốn
Hiện tượng khí hậu La Nina gây hạn hán nghiêm trọng ở khu vực phía đông lục địa đen, đặc biệt là tại vùng Sừng châu Phi - nơi có đất nước Somalia đang rối loạn trong xung đột, bạo lực và cướp biển. Hàng nghìn người Somalia đã phải di dời khỏi quê hương mình để tìm miếng ăn, hoặc ít nhất là tránh súng đạn.
"Đây là chuyện sống và chết", Weheleey Osman Haji - bà mẹ 33 tuổi người Somalia vừa sinh con một ngày trước tại thị trấn Liboi phía biên giới Kenya - nói như vậy. Weheleey và 5 đứa trẻ đến được nước láng giềng Kenya sau nhiều tuần di cư khỏi bản xứ. Quê hương Somalia của cô đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 60 năm qua. Weheleey đặt tên bé trai mới sinh là Iisha - nghĩa tiếng Anh cũng tựa như... sự sống.
Bà mẹ Weheleey từ lúc sinh con chưa được ăn gì.
Đứa trẻ ngủ thiếp trong vòng tay của mẹ. Nó chưa nhận thức được hoàn cảnh của mẹ nó và những người thân đang trải qua khốn cùng thế nào vào thời điểm nó đến thế giới này. Iisha ra đời dưới một gốc cây keo cách trại tị nạn Dadaab của Kenya 80km về phía bắc - nơi có hàng nghìn người Somalia kéo tới mỗi ngày. Họ băng qua biên giới với hi vọng được dừng lại hành trình và được nghỉ ngơi, được ăn uống, song đa số không biết rằng quãng đường còn rất xa mới tới được trại tị nạn. Bà mẹ tội nghiệp Weheleey đã đi bộ suốt 22 ngày mà hầu như chỉ uống nước. "Từ lúc sinh, tôi chưa được ăn gì cả. Bây giờ tôi chỉ cần ăn, uống và một chỗ nghỉ chân mà thôi", Weheleey thều thào nói.
Bỏ con
Có rất nhiều bà mẹ khốn cùng như Weheleey. Có người trong số họ khóc như sắp chết khi kể lại việc họ nhẫn tâm bỏ lại một đứa bé ốm yếu bên vệ đường, vì biết nó không đủ sức sống cho hành trình đến Kenya. Cô ta có gánh nặng là những đứa con khác nữa, nên một đứa yếu nhất đã phải ở lại sa mạc. "Cho đến lúc này, tôi vẫn thấy ánh mắt của nó như van xin tôi đừng bỏ rơi nó", người mẹ nức nở thừa nhận "tội ác" của mình.
Rukiyo Maalim Noor, người Somalia, cũng đã đi suốt 20 ngày. Cô có một đứa trẻ vừa đầy tháng và cũng phải rời bỏ quê hương vì hạn hán trầm trọng. "Không có thức ăn, không có gì cho trẻ con cả. Chúng tôi phải đi thôi", Rukiyo nói. Nhiều người Somalia trốn chạy sang Kenya qua thị trấn biên giới Liboi, nhưng hầu hết muốn vượt qua vùng đất khô cằn mà thẳng tiến đến khu tị nạn Dadaab vì sợ nhà chức trách Kenya sẽ bắt họ quay trở lại.
Biên giới Kenya và Somalia chính thức bị đóng cửa đầu năm 2008 vì liên quan đến các cuộc xung đột tại Somalia - nơi phiến quân Hồi giáo đang kiểm soát hầu hết các vùng miền trung và nam đất nước. Giới chức Kenya do đó lo ngại lực lượng này có thể lợi dụng thâm nhập biên giới của họ. Tuy nhiên, chính phủ Kenya đã ký hiệp ước quốc tế về trợ giúp nhân đạo và không thể ngoảnh mặt với những con người khốn cùng đang cần giúp đỡ. Nếu những bà mẹ như Weheleey hay Rukiyo phải quay lại hình trình của mình, họ sẽ chết, những đứa trẻ có thể lại bị vứt bên vệ đường.
Em bé vừa chào đời được đặt tên là Iisha - sự sống.
Nhiều bà mẹ mang con vượt biên để tìm sự sống.
Chờ đợi
Vượt qua những quãng đường dài bụi bặm và khốc liệt, sự sống chưa hẳn đã mở rộng đối với những thân xác ốm yếu, với những đứa trẻ sắp chết vì đói và khát. Mẹ con nhà Weheleey phải biết hi vọng để có thể tồn tại, vì họ chỉ là một trong cả chục triệu người bị cơn hạn hán khủng khiếp dày vò, xua đuổi khỏi quê hương. Trong những trại tị nạn, những số phận như họ phó thác hoàn toàn vào lòng thương và trách nhiệm của giới chức địa phương và các chương trình nhân đạo của Liên hợp quốc. Họ sống và chờ đợi nguồn sống.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, trong khoảng 11 triệu người ở Đông Phi bị ảnh hưởng bởi hạn hán thì 3,7 triệu người Somalia chịu tác động nặng nề hơn cả. Số lương thực được chuyển tới mới đây giải cứu được gần 200.000 người khỏi chết đói, nghĩa là còn trên 2 triệu người vẫn đối mặt với cái chết. Các cuộc họp khẩn cấp, các khoản viện trợ liên tục được kêu gọi từ Liên hợp quốc và nhiều chương trình nhân đạo quốc tế cho thấy, con người đang thực sự hối hả cứu lấy sự sống ở Sừng châu Phi.
Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới, Josette Sheeran đau đớn khẳng định trong một nghị quốc tế ở Rome (Italia): Trẻ em Somalia có chưa đầy 40% cơ hội sống sót do hầu hết "đều rất yếu và phần nhiều trong số đó ở tình trạng suy dinh dưỡng cấp độ 4". Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì cảnh báo về một cơn "ác mộng kinh hoàng" do hàng trăm nghìn người Somalia tuyệt vọng đã đi bộ hàng tuần để tới Ethiopia, Kenya khiến nhiều "trẻ mồ côi một mình đến đất nước xa lạ - kinh hãi và đói ăn, còn cha mẹ chúng đã chết dọc đường".
Một phụ nữ buộc bụng để tránh cơn đói.
Thế giới cũng đang đau đầu mổ xẻ những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Người ta đổ lỗi cho thời tiết, cho sự chậm chạp của Liên hợp quốc đối với vấn đề khu vực, cho tình trạng thường xuyên gây xung đột, bạo lực, và cho cả sự vô tâm của báo chí thế giới… Nhưng, lúc này, nói như bà Josette Sheeran thì bây giờ đừng quan tâm chuyện chính trị hay vấn đề gì khác, mà hãy làm điều đơn giản nhất, hãy cứu họ khỏi chết đói.
Việt Nguyễn - GiaĐinh