Nhiều người đang khóc ròng vì trót ôm lượng vàng lớn đúng lúc giá lên đỉnh, đạt hơn 46 triệu đồng tầm trưa ngày 9/8. Thống kê của các DN vàng cho thấy, lượng vàng bán ra cao gấp nhiều lần so với mua vào.
Có người mua vào 25 cây vàng
Anh Trần Công Lộc ở Nguyễn Chí Thanh là một điển hình về tình huống trên. Khi vàng đang 44 triệu ngày 8/8, nhiều người rủ đi mua, anh không dám. Đầu giờ sáng 9/8, lúc vàng lên 46 triệu đồng/lượng, bạn bè bán có lãi gọi điện "chê bôi". Thấy "nóng trong người", lại đang có sẵn gần 200 triệu đồng tiền hàng, anh "múc" luôn 4 cây. Rồi ngồi ăn trưa trên phố chờ lấy vàng lúc 2 giờ chiều, anh xem giá luôn.
Ai ngờ vàng bất ngờ đổ dốc, vàng chưa có, nhìn bảng giá mà Lộc lóa cả mắt. Đến khi có vàng, Lộc hốt hoảng bán vội, chịu mất 4 triệu đồng trong mấy tiềng đồng hồ. Anh phải gọi điện vay tạm của bạn để bù tiền hàng. Lỗ không nhiều nên Lộc tự giễu mình: "cười ra nước mắt với vàng".
Điều lạ là, trong khi thị trường Hà Nội nhốn nháo vì vàng, thì tại TP.HCM, người dân lại thờ ơ. Tâm lý đám đông, đầu cơ vàng đã tạo ra một khung cảnh hỗn loạn tại các cửa hàng, con phố bán vàng lớn ở Thủ đô. Rút tiền ngân hàng, lục sổ tiết kiệm, thậm chí cả "đập lợn" để gom tiền xu... là tình huống dễ bắt gặp khi người dân vét tiền mua vàng.
Ấy thế là, chẳng mấy khi nhân viên cửa hàng vàng được chứng kiến hình ảnh người dân vác cả bao tải tiền, hay xếp từng chồng tiền lẻ ra đất, buộc các cọc tiền xu... rồi chen nhau đến gom vàng.
Có người còn vác cả bao tải tiền đi mua vàng (Ảnh: VTC)
Đại diện Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội cho biết, từ sáng đến 12h trưa ngày 9/8, bảng giá vàng phải thay đổi tổng cộng 42 lần. Số lượng khách đến mua trội hơn hẳn so với bán. Trong số hơn 500 khách đến giao dịch sáng 9/8, có 480 khách mua vàng, còn lại khoảng 50 người bán. Người mua nhiều nhất là 25 cây trong khi có người bán một lúc cả 17 cây vàng.
Tại Đà Nẵng, tính từ sáng đến 15g30 chiều qua, giá vàng cũng thay 15 lần, lượng vàng bán ra gấp hơn 4 lần lượng mua vào. Số lượng bán ra đến 900 lượng và chỉ mua vào được 200 lượng. Đây là số lượng vàng giao dịch lớn nhất những ngày gần đây của SJC.
Tương tự, ở các công ty kinh doanh lớn, chênh lệch giữa số lượng mua vào và bán ra cũng rất lớn. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết, lượng vàng bán ra của công ty cao gấp 4-5 lần so với mua vào.
Như ngày 8/8, công ty bán ra 2.500 lượng vàng, nhưng chỉ mua vào được 500 lượng. Sáng 9/8, tính đến 10g, chỉ sau hơn một giờ mở cửa, trên toàn hệ thống PNJ đã bán được 1.200 lượng vàng, trong khi lượng mua vào chỉ khoảng 200 lượng. Ghi nhận tại công ty SJC, trong ngày bán ra được khoảng 4.000 lượng, mua vào 1.500 lượng. Công ty PNJ bán ra 1.800 lượng, mua vào được 1.100 lượng.
Bà Trần Như My - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Doji - cho biết, trong buổi sáng 9/8, khối lượng giao dịch đạt 1.500 lượng, xu hướng mua vào buổi sáng vẫn cao, nhưng đến trưa và buổi chiều bắt đầu chững lại, khi có thông tin về việc NHNN cho phép nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường.
Theo nhận định của bà Cúc, một phần không nhỏ trong số này, là đã trót vay vàng ("đánh xuống") thời điểm giá trong nước xấp xỉ 40 triệu đồng - mức giá mà họ cho rằng ở mức "đỉnh". Tuy nhiên, cơn bão giá vàng không ngừng tăng cấp, các ngân hàng buộc khách vay vàng phải cắt lỗ, nên rất nhiều người phải đổ xô đi mua vàng là vì vậy.
Tránh cú sốc đột biến, cần có sự liên thông
"Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao hơn nhận định hồi đầu năm. Tâm lý người dân hết sức nhạy cảm với vấn đề này, nên đổ xô đi mua vàng", tổng giám đốc ngân hàng TMCP Eximbank Trương Văn Phước nhận xét trên SGTT.
Ảnh: Phạm Hải
Ông Phước nói: "Nhiều người cho rằng, vàng tăng là do đầu cơ. Đúng, người ta có thể mua vàng hôm nay để mai giá tăng kiếm lời. Nhưng về xu hướng, trong bối cảnh bất ổn thị trường tài chính quốc tế chưa được xử lý triệt để, lạm phát trong nước tăng cao... , người Việt Nam mua vàng cũng là cách để bảo hiểm tài sản của mình. Cho nên cũng khó nói là vàng ở mức giá nào là cao hay thấp. Nhà đầu tư họ chỉ quan tâm đến xu hướng, khi mua - bán, tương lai sẽ là như thế nào".
Song, theo ông Phước, đây là lúc Chính phủ, NHNN có thể xem xét lại khuôn khổ pháp lý để có thể điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp, các cá nhân nắm giữ vàng. Bởi có thể nói rằng trong mấy năm gần đây vàng luôn nằm trong xu hướng tăng giá. Nhiều quốc gia phải bỏ tiền ra mua vàng. Chúng ta phải xem lại các hoạt động huy động vàng, cho vay vàng, làm sao trong xu hướng tất yếu đó, người dân Việt Nam có thể nắm giữ các tài sản tài chính tạo ra lợi ích của quốc gia.
"Sự biến động của tỷ giá, giá vàng thời gian vừa qua, những nhà kinh doanh tìm cách kiếm lời, mua thấp bán cao và ngược lại - là bình thường. Điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước có thể học được, rút ra từ thực tế sinh động đó, là nhìn nhận lại một cách hết sức bình tĩnh, nhiều chiều việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho huy động, cho vay vàng, cũng như mua - bán vàng trên lãnh thổ Việt Nam", ông Phước nhận xét.
Ông Phước cho rằng, thực tế chứng minh rất rõ, vàng cũng là tài sản tài chính, trong truyền thống, tập quán của người Việt Nam. Do vậy, việc tạo ra niềm tin về vàng, tạo ra ổn định tâm lý về vàng - không có nghĩa là làm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, mà là tạo ra suy nghĩ, niềm tin rằng có sự liên thông của thị trường vàng Việt Nam - quốc tế, không lo sợ những cú sốc đột biến.
Nếu chúng ta ổn định được tâm lý thị trường, cùng kiềm chế lạm phát, có thể hy vọng năm 2012 các biến số kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể được ổn định.
Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam[FL][/FL]