Vượt mặt những "anh tài" sừng sỏ như Moscow, Tokyo, Hong Kong... Luanda của Angola trở thành thành phố có mức giá tiêu dùng “đại gia” nhất toàn cầu.
Kết quả này vừa được tập đoàn tư vấn nhân lực nổi tiếng William Merce công bố. Trong bản danh sách 214 thành phố lớn có mức sống đắt đỏ nhất hành tinh năm nay, thủ đô Luanda của Angola vẫn giữ chắc vị trí độc tôn.
Thành phố Luanda của Angola.
Theo kết quả điều tra, một căn phòng đôi tại Luanda có mức giá lên tới 7.000 USD, một suất buffet trong khách sạn tiêu tốn 75 USD, một đồ uống không cồn trên hành lang giá 10 USD…., trong khi lao động phổ thông ở Luanda chỉ được nhận được mức lương khoảng 50 USD/tháng.
30 năm nội chiến đã khiến nhu yếu phẩm và các loại hình dịch vụ tại Luanda khan hiếm trầm trọng. Thành phố chật hẹp có sức chứa 500.000 người hiện phình nở với 500 triệu người. Và Angola trở thành nước có hệ số Gini, tức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tệ hại bậc nhất thế giới.
Trong bảng xếp hạng này, Tokyo vẫn được đánh giá là đối thủ đáng gờm nhất tại châu Á và xếp thứ hai trên thế giới sau Luanda. Thảm họa kép trong năm nay đã khiến giá thực phẩm tại thành phố hoa lệ này sụt giảm đáng kể. Nhưng đồng yen Nhật vẫn tăng cao so với USD, khiến Tokyo vẫn là nơi có mức tiêu xài siêu đắt đỏ.
Thành phố Tokyo hoa lệ về đêm.
Moscow của Nga đứng đầu trong danh sách những thành phố ở châu Âu. Ngoài một số thực phẩm ăn nhanh có giá bán siêu rẻ, như một chiếc bánh bao tại Nga có giá 0,43 USD, thì ở Paris lên tới 2 USD; phần lớn các thực phẩm khác đều bán với giá “cắt cổ”. Ngoài ra, giá nhà ở cũng là một nỗi khiếp sợ với người dân lao động có mức thu nhập thấp tại Nga. Trung bình một m2 đất có giá 20.000 USD. Mức giá khủng này cũng biến Moscow thành nơi có giá bất động sản cao thứ hai thế giới.
Moscow của Nga.
Đại diện sáng giá của châu Mỹ thuộc về thành phố Sao Paulo, Brazil. Từ vị trí 21 trong năm ngoái, Sao Paulo nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 10 của bảng xếp hạng 2011 do Merce bình chọn. Theo đánh giá của công ty tư vấn này, mức giá tiêu dùng tại đây còn cao hơn Mỹ. Thậm chí, một chai nước khoáng hạng bình dân có giá 2 USD. Tiền tệ của Brazil tăng giá cũng là nguyên nhân chính khiến Sao Paulo được “vinh dự” tăng hạng trong năm nay. Ngoài thành phố này, hai địa danh khác của Brazil cũng có cú lộn ngược dòng đáng kể, trong đó Rio de Janeiro xếp thứ 12 và Brasilia xếp thứ 33.
Thành phố Sao Paulo của Brazil.
Báo cáo của Merce được tổng hợp trên cơ sở so sánh 200 khoản chi tiêu của 214 thành phố trên thế giới, bao gồm phí thuê nhà ở, lương thực – thực phẩm, phí đi lại…
Mai Anh (theo cb.com.cn)