Vụ 4 cháu bé chết thảm tại công trường, Vinaconex-PVC nói gì?
Liên quan tới cái chết của 4 cháu nhỏ tại công trường ngập nước, lãnh đạo Vinaconex-PVC từ chối bình luận về nguyên nhân và vị trí xảy ra vụ chết đuối bốn em nhỏ bởi...
... “cơ quan điều tra đang vào cuộc làm rõ, và khi nào có kết luận chính thức thì mới biết được".
Liên quan tới cái chết hết sức bi thảm của 4 cháu nhỏ tại điểm công trường thi công nút giao thông Phú Đô thuộc Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc, Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long (đơn vị thay thay mặt Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc) xác định vị trí xảy ra vụ tai nạn thuộc phạm vi công trường thi công đường dẫn nút giao thông Phú Đô (km4+500) thuộc dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc.
Gói thầu này do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC làm nhà thầu thi công và hố nước xảy ra tai nạn được xác định nằm ở cạnh mái taluy nền đường xác định chủ thầu là Vinaconex và đơn vị thi công là do Công ty CP đầu tư xây dựng Vinaconex-PVC. Chiều 15/8, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ làm việc với lãnh đạo đơn vị thi công công trình.
Ông Nguyễn Thanh Quỳnh, Phó tổng giám đốc Vinaconex-PVC cho biết gói thầu hoàn thiện nút giao Phú Đô - Láng Hòa Lạc được Vinaconex-PVC khởi công từ năm 2008 và đến giờ chưa thể hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Thanh Quỳnh, Phó tổng giám đốc Vinaconex-PVC không trả lời được nhiều câu hỏi của PV.
Theo ông thì đoạn đường do đơn vị này phụ trách có chiều dài 400 mét, đã tạm ngừng thi công hơn một năm nay. Điểm nào được bàn giao mặt bằng thì Vinaconex-PVC đã tiến hành thi công.
400m chiều dài của công trình không hề có rào chắn, biển cấm, biển báo nguy hiểm.
Ông Quỳnh cho biết do tuyến đường đơn vị này phụ trách thi công có nền là đất ruộng nên khu vực đường gom rất thấp so với trục chính. Trong thời gian vừa qua, Hà Nội liên tiếp có mưa nên sau những trận mưa lớn, nước bị ứ đọng lại, không thoát kịp và tạo thành một khu hồ nước.
Theo ông Quỳnh, “Công ty đã lập nhà Ban điều hành công trường tại đấy và cắt cử một ban điều hành thường xuyên túc trực, giám sát việc ra vào khu vực của người dân. Ít nhất luôn có từ 4 đến 5 người từ bảo vệ đến kỹ sư ở đó. Nhưng, việc nhắc nhở, cảnh báo trong toàn bộ khu vực là rất khó.”
Trước câu hỏi: “Địa điểm bốn cháu nhỏ chết đuối chỉ cách nhà chỉ huy công trường chỉ khoảng 20 mét, tại sao không có ai biết và nhắc nhở các cháu?” - ông Quỳnh lại không trả lời được. Ông Quỳnh nói: “khu vực này thường xuyên có các cháu nhỏ tới chơi, bảo vệ công trình cũng đã nhiều lần nhắc nhở một số cháu nhỏ vào khu vực này” Nhưng ông lại không giải thích được vì sao lại không cắm biển báo nguy hiểm.Trước câu hỏi của phóng viên về việc, cả đoạn công trình 400 mét này, không hề được đơn vị thi công rào chắn hay cắm biển báo công trình đang thi công, ở những điểm nguy hiểm cũng không có biển cấm, ông Quỳnh thừa nhận có thiếu sót.
Cái chết của 4 cháu nhỏ khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc vì sự tắc trách của đơn vị thi công.
Tuy nhiên, đến cuối cuộc làm việc, Vị lãnh đạo này lại từ chối bình luận nguyên nhân và vị trí xảy ra vụ tai nạn cướp đi mạng sống 4 cháu bé với lý do: "cơ quan điều tra chưa chính thức kết luận nên chưa thể biết được".
Trao đổi với PV, gia đình các nạn nhân và người dân xã Mễ Trì tỏ ra rất bức xúc về việc thi công tắc trách của đơn vị thi công công trình đã dẫn đến cái chết không đáng có của 4 cháu nhỏ. Ông Nghiêm Văn Sự, ông nội của hai cháu Nghiêm Văn Hưng và Nghiêm Quang Huy nói: "Các cháu cũng không phải không biết đọc. Nếu ở đó có biển cấm hoặc biển báo nguy hiểm thì các cháu đã không dẫn đến cơ sự đau lòng này".
Theo GDVN