Nương nhẹ lao động ‘chui’ người Trung Quốc?
HẢI PHÒNG (TT) - Lần đầu tiên một nhà thầu Trung Quốc bị phía Việt Nam buộc nộp phạt số tiền 6 triệu đô vì xây dựng nhà máy phân bón ở Hải Phòng không đạt yêu cầu.
Nhà máy phân bón dởm do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Theo chủ đầu tư là Tổ hợp Hóa chất Việt Nam thì phía nhà thầu là Tổ hợp Xây dựng Hóa chất Quốc gia Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy phân bón Ðình Vũ viết tắt là DAP ở Hải Phòng trị giá 172 triệu đô.
Nhà máy này đã được khởi công từ tháng 7 năm 2003 nhưng phải 6 năm sau mới hoàn thành. Ngoài việc thi công chậm, việc nghiệm thu nhà máy từ giữa năm 2009 cho tới nay kéo dài 2 năm vẫn tiếp tục gặp nhiều trở ngại.
Tổng công suất 3 nhà máy DAP Ðình Vũ được thiết kế theo hợp đồng gồm nhà máy diamoni phosphat 330,000 tấn phân bón/năm; nhà máy acid sunfuric 414,000 tấn năm chưa kể nhà máy acid photphoric.
Tuy nhiên, công suất của nhà máy diamoni phosphat hiện nay chỉ đạt tối đa là 150,000 tấn, và tổng công suất của 3 nhà máy đạt chưa tới 30% công suất theo hợp đồng ký kết. Ðiều đáng lo là nhà máy xả nhiều khí độc ra ngoài từ lưu huỳnh, acid sulfuric cho đến hợp chất flo... và phẩm chất dinh dưỡng chỉ đạt 60% tiêu chuẩn yêu cầu.
Phúc trình của Cục Hóa Chất Việt Nam xác nhận thái độ tắc trách của nhà thầu Trung Quốc, cuối cùng đã bàn giao một nhà máy phân bón chậm nhiều năm, công suất thấp, không đạt chỉ tiêu về hàm lượng dinh dưỡng và xả khí độc làm ô nhiễm môi sinh. Niềm hy vọng một nhà máy phân bón hiện đại cho nền nông nghiệp Việt Nam đáng giá hàng trăm triệu đô la của ngành hóa chất Việt Nam bị tắt ngấm. Với 6 triệu đô tiền phạt, niềm hy vọng nêu trên cũng không thể sống lại được.
Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 15 tháng 8, phúc trình này đã gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người cho rằng cần phải điều tra đơn vị xét thầu và kiểm tra công trình vì biết đâu có tham nhũng từ ở đó chứ không đơn thuần là hậu quả của thói “tham bát bỏ mâm” của những người lãnh đạo Việt Nam.
Trong khi đó, lao động Trung Quốc “dởm” có mặt tại nhiều nhà máy của các đơn vị Trung Quốc trúng thầu xây dựng cũng đang gây phẫn nộ trong dư luận tại Việt Nam. Riêng tại nhà máy đạm Cà Mau hiện qui tụ 1,728 lao động Trung Quốc trong đó có 1,047 lao động “chui” đang trở thành vấn đề lớn mà các giới chức Việt Nam loay hoay không biết xử trí ra sao.
Tại hội nghị của Bộ Lao Ðộng và Xã Hội Việt Nam diễn ra sáng 15 tháng 8 ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Thứ Trưởng Bộ Lao Ðộng-Xã Hội Việt Nam Nguyễn Thanh Hòa đã đổ trách nhiệm cho các nhà thầu Trung Quốc và nhà đầu tư Việt Nam để lao động “chui” người Trung Quốc tràn ngập các công trình xây dựng.
Một cuộc kiểm soát liên ngành của tỉnh Ðắc Nông cũng vừa hoàn tất một phúc trình mới đây gây sốc cho nhiều người. Phúc trình này nói rằng một nửa nhân viên xây dựng nhà máy nhôm Nhân Cơ thuộc địa phận tỉnh này là người Trung Quốc “chui.” Số lao động Trung Quốc làm việc tại đây lên tới 309 người trong đó có đến 170 người không hề được cấp giấy phép làm việc mà vẫn là nhân viên chính thức của nhà máy. Theo báo Người Lao Ðộng, hầu hết thợ Trung Quốc chỉ làm những việc phổ thông như đan sắt, trộn hồ, đẩy xe rùa...
Nhận định về tình hình này, báo Tuổi Trẻ cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc chính quyền Việt Nam “nương nhẹ” các nhà thầu Trung Quốc và giới đầu tư địa phương.
(PL/nguoi-viet)