Mỗi khi thủy triều xuống, rác thải lại ùn ùn kéo nhau theo dòng nước ra biển. Cứ thế, nhiều năm nay người dân miền biển xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) đã biến vùng biển của mình thành nơi để “gửi” rác.
Ảnh minh họa
Đi đâu cũng thấy ô nhiễm
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có mặt tại cảng cá Diễn Ngọc, đây được mệnh danh là cảng cá lớn nhất huyện Diễn Châu. Tới đây, người đi đường ai cũng phải trang bị cho mình một chiếc khẩu trang để tránh “uế khí” nồng nặc bốc lên từ những bãi rác ven biển. Một người dân cho biết: “Chỗ ni bẩn lắm, ai không quen chẳng ngửi được đâu. Nào là mùi cá chết, mùi rác thải, nước thải... quanh năm bốc mùi không bao giờ hết”.
Chúng tôi cuốc bộ dọc theo bờ Lạch Vạn, lạch nước mặn từ biển ăn sâu vào đất liền, mới thấm cái sự ô nhiễm ở đây. Chỉ tay về phía bãi rác ruồi bám đen kịt như vãi vừng, anh Lang Văn Phương - một ngư dân nói: “Anh thấy đấy, những đống rác ven bờ như thế này không bao giờ hết, ở đây người dân vô ý thức lắm cứ đưa rác ra là vứt xuống cạnh bờ biển và chờ thủy triều lên “chở” đi...”.
Một phụ nữ nhặt phế liệu khăn trùm kín mặt, chân đi ủng cao su cho biết: “Ở bãi biển ni nhiều thứ để nhặt lắm. Không những vỏ lon bia chưa kịp trôi mà còn rất nhiều kim loại, thậm chí có cả đinh đóng tàu và sắt, thép…”.
Không những xả rác, người dân nơi đây còn xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra biển. Chỉ cần đi khoảng 100m dọc theo bờ Lạch Vạn có thể đếm được 3 - 4 ống nước thải với màu nước đen ngòm và sặc sụa mùi hôi, thối. Cảnh ô nhiễm ở đây trong suốt nhiều năm qua, không biết bao nhiêu tấn rác thải, bao nhiêu ngàn m3 nước thải đã “gửi gắm” vào biển.
Chính quyền bó tay?
Rác, nước thải tuồn thẳng ra biển dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở cửa biển Lạch Vạn quanh năm hôi hám, bẩn thỉu. Ô nhiễm về nguồn nước ở khu vực này đã đe dọa trực tiếp đến môi trường sống không chỉ cho người dân mà còn ảnh hưởng tới sinh vật biển.
Theo một số người dân nơi đây cho biết, nhiều năm trở lại đây một số sinh vật như tôm, cua, cá ở khu vực này giảm đi trông thấy. Đặc biệt các loại ốc, sò sống trên bãi cát thì lại vô cùng hiếm do rác thải phủ đầy bề mặt. Rừng ngập mặn nơi đây cũng đang đứng trước nguy cơ xóa sổ do ô nhiễm ngày càng tăng cao.
Nói về vấn đề này, anh Đặng Xuân Thể (52 tuổi) cho biết: “Mặc dầu chính quyền địa phương cấm đổ và xả thải ra biển nhưng đa số người dân vẫn không tuân thủ. Ban ngày họ không dám mang đi, nhưng đêm đến cứ thế lén đưa rác thải ra vứt. Ở đây cũng chưa quy hoạch bãi rác nên mới xảy ra tình trạng rác thải được người dân vứt bừa bãi và không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ?”.
Để chấn chỉnh thực trạng trên và đảm bảo vệ sinh, đảm bảo môi trường sống của sinh vật biển. Các cơ quan ban ngành chức năng đã có nhiều cuộc kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, sau kiểm tra đâu lại vào đó.Ông Đậu Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc - cho biết: “Trong tháng 7 vừa qua, xã đã tiến hành kiểm tra xử phạt hành chính hàng chục hộ, cơ sở kinh doanh từ 2-7,5 triệu đồng và cho thời hạn 60 ngày để sửa xử lý, nhưng vẫn không mấy khả quan”.
Khi chúng tôi đề cập về vấn đề quy hoạch, xây dựng và xử lý rác thải, ông Đậu Xuân Thủy giải thích: “Cho đến thời điểm hiện tại, xã vẫn chưa thể xây dựng được bãi rác. Dù đã có quy hoạch và UBND huyện Diễn Châu đã thông qua, tuy nhiên vấn đề mặt bằng vẫn chưa thể đạt mức đền bù thỏa đáng nên chúng tôi đành chấp nhận không có bãi rác”.
Dưới đây là một số hình ảnh cảnh ô nhiễm rác, nước thải tại cảng cá Diễn Ngọc do PV báo ghi lại:
Cảng cá Diễn Ngọc trở thành nơi tập kết rác thải
Rác lấn rừng ngập mặn
Bãi biển biến thành bãi rác, các em nhỏ, người lớn... có cơ hội nhặt rác mưu sinh
Nước thải thẳng ra biển có màu đen như mực và hôi thối
Một cống nước thải hướng ra biển
Nước thải của một hộ kinh doanh, chế biến hải sản xả ra biển không qua xử lý
Một bao rác chuẩn bị trôi ra biển.
Theo DanTri