Mối tình điên dại và bi kịch cuộc đời
Căn nhà nhỏ của mẹ con chị Dương Thị Bé (xóm 4, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) trông quạnh quẽ, u sầu. Sự nông nổi của tuổi trẻ đã khiến một người đàn bà đem lòng yêu say đắm tướng cướp Toọng (Nguyên mẫu trong tác phẩm (Người không mang họ) một thời khét tiếng Thành Vinh, hơn 30 năm nay người đàn bà ấy luôn phải sống trong nỗi ân hận.
Chị kể, sinh ra trong một gia đình khá giả lại là con gái duy nhất nên chị Bé được cha mẹ thương yêu, nuông chiều từ nhỏ. Năm 18 tuổi, chị tham gia vào bộ đội, làm phục vụ ở Cục Hậu Cần Quân khu 4. Nhưng vì bản tính ương ngạnh nên trong một lần bị kỷ luật khiển trách, Dương Thị Bé đã đào ngũ bỏ về quê.
Dù giận đứa con gái bướng bỉnh, làm ảnh hưởng đến danh dự của gia đình, họ hàng nhưng ông bà Dương Long (cha mẹ ruột của chị Bé) đành ngậm ngùi chịu đựng. Hai năm sau, với ít tiền sẵn có làm vốn, Dương Thị Bé quyết định lăn ra chợ đời ngược xuôi buôn bán.
Trên bước đường giật hàng đầu này buộc lại đầu kia để kiếm lãi mỗi ngày, chị đã gặp Toọng - tướng cướp khét tiếng thành Vinh lúc bấy giờ. Ngay lập tức người đàn ông mạnh mẽ, có uy trong giới giang hồ lại đặc sệt chất giọng miền Trung đã khiến cô gái có máu phiêu lưu nảy sinh tình cảm. Hành động nghĩa hiệp lấy lại hàng hoá giúp cô gái mỗi khi bị bọn bụi đời cướp mất của đại ca Toọng càng làm cho cô cảm phục và yêu say đắm. Mặc dù sau đó biết Toọng là đại ca có tiếng ở thành Vinh nhưng Dương Thị Bé như con thiêu thân lao vào cuộc tình với hắn.
Sau những lần gây án ở nội thành Vinh, Toọng thường dạt ra các huyện lân cận để tránh mặt và nghỉ ngơi. Mỗi lần như thế hắn thường tìm gặp người yêu tâm sự. Chùa Sư Nữ, quán cà phê Hằng Thọ, bờ đê, đường tàu (nằm gần ngã tư TP.Vinh - Nam Đàn) là điểm hẹn lý tưởng, thường xuyên mà hai người thường lui tới.
Những bài hát buồn, đậm mùi "bèo dạt mây trôi" của kiếp giang hồ được Toọng tự sáng tác rồi hát lên trong sự xen lẫn của tiếng đàn ghi ta như đưa Dương Thị Bé như lạc vào cõi mộng. Trong cơn say tình, họ đã hát cho nhau nghe, rồi lại truyền tay nhau những ly rượu, điếu thuốc cho đến lúc tàn cuộc. Mặc dù bị người cha ngăn cấm: "Mày là con nhà gia giáo, tuyệt đối không được đi lại với tên đầu gấu đất Vinh đó", nhưng vì mê muội thậm chí sùng bái trước "danh tiếng" của người tình, Dương Thị Bé đã bỏ nhà theo Toọng biệt tăm.
Lửa tình đang bùng lên mạnh mẽ, chợt một hôm tướng cướp Toọng gọi chị Bé lại rồi nói: "Anh đang mắc bệnh nặng em ạ! Chắc là không sống lâu được nữa đâu. Anh muốn giới thiệu em cho Lợi "râu" - đệ tử ruột của anh. Nhà nó có thế, sau này là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời em". Trước câu nói đầy dứt khoát của người tình, Dương Thị Bé như vỡ mộng nhưng chỉ biết sụt sùi nước mắt đành chấp nhận số phận hẩm hiu vì ai cũng biết Toọng là tay giang hồ khét tiếng không chỉ thành Vinh mà còn cả dải đất miền Trung khi đó. Hơn nữa khi đó, chị Bé đã cãi lời bố mẹ, bỏ nhà ra đi theo người tình, khi hắn quay lưng thì lâm vào cảnh phận gái dặm trường, không còn lựa chọn nào khác để theo sự sắp xếp của Toọng.
Theo lời giới thiệu của Toọng, chị đã gặp Lợi "râu" (Tức Trần Đức Lợi) và trở thành vợ chồng sống không hôn thú với y. Ngày Toọng, Trần Đức Lợi và đồng bọn bị bắt rồi kết án tử hình, con trai đầu lòng của chị Bé là Trần Đức L. mới được 8 tháng tuổi. Tâm sự với chúng tôi, chị Bé không cầm được nước mắt: "Vì sự nông nổi của tuổi trẻ mà cuộc đời của tôi khổ như con sâu, cái kiến vậy. Bị cha mẹ anh em từ mặt, người đời nguyền rủa. Hơn 30 năm nay, tôi luôn phải sống trong sự ân hận xót xa bởi sự đã lỡ của mình".
Cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh
Chính cuộc đời bất hạnh ba chìm bảy nổi lênh đênh đã giúp Dương Thị Bé hiểu rõ cái giá của một thời lầm lỗi mà thương yêu tha thiết những số phận lầm lỡ hoặc hẩm hiu. Vượt lên sự éo le, mặc cảm, một mình chị gồng gánh nuôi con và cứu rỗi nhiều mảnh đời bất hạnh.
Chân dung của tướng cướp Trương Hiền
Tháng 5/2003, chị đã gặp Đặng Thị L - một người phụ nữ mang bầu bị điên vì người tình phụ bạc. Là người thấu hiểu hoàn cảnh nên ngày L sinh, chị Bé đã cắt rốn và chăm sóc cho đứa trẻ khi nó mới cất tiếng khóc chào đời. Con vừa lọt lòng, người mẹ điên ngồi gượng dậy, cười lên khanh khách rồi bỏ đi sau đó. Như người mẹ có tấm lòng nhân hậu, Dương Thị Bé đã ẵm đứa trẻ vào lòng và nuôi cháu khôn lớn trong suốt 8 năm qua. Cháu bé bất hạnh ấy được chị nhận làm con nuôi, đặt tên là Dương Thị Kiều Oanh.
Năm 2004, trong đêm mưa gió một người phụ nữ lạ mặt ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã bồng một đứa trẻ đến gõ cửa nhà chị Bé rồi cầu xin khóc lóc: "Vì tình yêu mù quáng với gã Sở Khanh, em đã mang bầu và sinh ra cháu. Nay em rất khổ nên định quăng nó đi. Nếu chị thương tình thì nuôi giùm em". Nhìn đứa trẻ trần truồng, toàn thân thâm tím, co quắp trong cái lạnh tháng Chạp, chị Bé không thể cầm lòng và đã nhận lời nuôi. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lại nghĩ cho tương lai của đứa trẻ nên năm cháu lên 4 tuổi, chị Bé đành lòng giao nó cho một cặp vợ chồng hiếm muộn có điều kiện ở xã Nam Giang huyện Nam Đàn nuôi nấng.
Không chỉ riêng tấm lòng dành cho những cháu bé bất hạnh, mà đối với nhiều người bạc phận, người hành khất, chị Dương Thị Bé vẫn mở lòng cưu mang cứu giúp họ. Khi được hỏi về những việc thiện mà mình đã làm, chị Bé tâm sự: "Vì sự nông nổi của tuổi trẻ nên cuộc đời tôi đã phải chịu nhiều đau khổ. Tôi không muốn ai sai lầm lặp lại điều đó. Hãy biết trân trọng, yêu thương những gì mình đang có. Như vậy ta mới thấy cuộc sống này đẹp và có ý nghĩa".
Hiểu Anh (NĐT)