Theo báo cáo năm 2011 của Ngân hàng thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 98 trong tổng số 183 quốc gia khảo sát, đứng thứ 5 trong khối ASEAN.
Việt Nam xếp hạng 98 trong số 183 quốc gia. Ảnh:
bbc.co.uk
Trong tổng thể bảng xếp hạng, Việt Nam tụt 8 bậc so với năm 2010, đứng thứ 98. Xét riêng từng tiêu chí, Tiếp cận tín dụng (Getting Credit) là hạng mục mà Việt Nam được đánh giá cao nhất, xếp hạng 24. Bảo vệ nhà đầu tư (hạng 166), Số thuế phải nộp (hạng 152) và Khắc phục khả năng thanh toán (hạng 142) là ba hạng mục bị đánh giá thấp nhất của Việt Nam.
Trong 10 nước ASEAN tham gia khảo sát (trừ Mianmar), 5 quốc gia đứng đầu là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đây là lần thứ 6 liên tiếp, Singapore dẫn đầu danh sách về đánh giá môi trường kinh doanh của WB ở cả khu vực ASEAN và trên toàn thế giới. Trong khi Malaysia và Brunei đều có bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh thì Việt Nam lại là quốc gia có bước lùi lớn nhất trong khu vực.
Trên thế giới, xếp sau Singapore trong bảng xếp hạng là Hồng Kông, New Zealand, Mỹ và Đan Mạch. Vị trí của top 5 không có sự thay đổi nào so với năm 2010.
Tuy đang ngập trong khủng hoảng nợ nhưng vị trí của Hy Lạp trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới lại tăng một bậc so với năm trước, đứng ở vị trí thứ 100.
Đối với nhóm các quốc gia mới nổi BRICS, ngoài Nam Phi nằm trong top 35, các nước khác đều có vị trí tương đối thấp như Trung Quốc ở vị trí thứ 91, Nga hạng 120, Brazil hạng 126 và Ấn Độ xếp thứ 132. Hai nền kinh tế lớn khác của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc giữ vị trí thứ 20 và 8. Hàn Quốc tăng thêm 7 bậc so với năm 2010 nhờ thành lập quy trình đăng ký mở công ty trực tuyến, sáp nhập một số loại thuế và cho phép nộp hồ sơ kiện tụng qua mạng.
Quỳnh Anh
Theo vnexpress