Hơn 100 triệu cầm cố đất đai "bay vèo" theo 2 tháng chữa bệnh. Tân cử nhân loại ưu Đại học Kinh tế quốc dân nằm chờ chết với ung thư thực bào trong nỗi buồn của người mẹ nghèo.
Trần Thanh Bình sinh năm 1989, ở Văn Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa. Quê em là một miền quê nghèo, bản thân gia đình em lại càng khó khăn khi cha em - trụ cột của cả gia đình đã mất từ khi em lên 9 vì bệnh ung thư. Gánh nặng kinh tế của cả gia đình dồn cả lên đôi vai gầy của mẹ em. Cả nhà 3 mẹ con sống và học bằng hơn 3 sào ruộng. Kinh tế khó khăn, vất vả, bác gái lại nhận thêm việc làm công nhân vệ sinh cho xã, sáng nào cũng dậy từ 3, 4 giờ để đi gom rác khắp nơi.
Trần Thanh Bình.
Bác sẵn sàng chấp nhận vất vả để hai con ăn học nên người. Không phụ lòng mẹ, từ ngày đi học Bình đã luôn là con ngoan, trò giỏi, 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và là còn là Cháu ngoan Bác Hồ. Liên tục cố gắng, lên đại học, em vẫn là một sinh viên xuất sắc khiến gia đình luôn luôn trông đợi và hi vọng. Thời gian em học đại học và liền sau đó cô em gái đi học Cao đẳng kinh tế cũng ở Hà Nội thì gia đình khó khăn hơn rất nhiều. Tuy Bình được ở nhờ nhà một người cô không mất tiền thuê trọ, nhưng mỗi tháng hai anh em tằn tiện cũng tiêu hết khoảng ba triệu đồng tất cả. Số tiền này ngoài nhờ sự chắt chiu, dành dụm của người mẹ tần tảo, còn là số tiền mà nhà nước cho sinh viên vay vốn để đi học.
Người mẹ nghèo của Bình.
Tưởng “khổ tận” sẽ đến ngày “cam lai”. Cả ba mẹ con chờ mong ngày Bình ra trường, đi làm kiếm tiền để mẹ bớt vất vả. Nào đâu ngờ, vừa tốt nghiệp sau cũng là lúc Bình xuất hiện triệu chứng của căn bệnh khá lạ “Hội chứng thực bào”. Sốt liên tục suốt hai tháng liền, đi khám ở rất nhiều nơi, mãi rồi Bình mới được chuẩn đoán mắc căn bệnh này dưới dạng nhiễm virus, cụ thể là virus EPV.
2 mẹ con khốn khổ ở cạnh nhau với hi vọng sống mong manh.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Vũ Bảo Anh – bác sĩ trực tiếp điều trị cho Bình tại Khoa Điều trị tích cực - Viện huyết học và truyền máu trung ương, được bác sĩ cho biết: “Thời gian đầu khi vào viên, tình trạng của Bình rất nặng với đầy đủ các biểu hiện của bệnh như sốt cao liên tục; hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giảm; xuất huyết; suy gan; viêm gan nặng; rối loạn đông máu… Để điều trị bệnh cho Bình cần phải dùng thuốc diệt virus, kháng sinh, truyền chế phẩm máu làm thủ thuật (như trao đổi huyết tương). Việc điều trị này tốn kém rất nhiều tiền bạc. Hiện nay, sau hơn ba tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân có cải thiện tốt lên cả về triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Hồng cầu, tiểu cầu đã phục hồi, chức năng gan tốt lên. Tuy rằng thời điểm này vẫn còn sớm để có thể nói rằng bệnh nhân có thể khỏi hay không nhưng vẫn có khả năng khỏi bệnh. Có điều, đây là một bệnh hiếm gặp, tình trạng khá nặng và cần điều trị lâu dài, nhiều đợt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều chi phí điều trị”.
Sau hơn hai tháng bị bệnh, chi phí điều trị cho Bình đã lên tới hơn 100 triệu. Trong số tiền này có 80 triệu đồng là tiền cầm cố sổ đỏ quyền sử dụng đất của nhà Bình ở quê. Hiện nay, kinh tế gia đình đã cạn. Lao động chính là bác gái thì phải ở viện chăm con nên không có thu nhập. Trong khi đó, mỗi ngày chi phí thuốc men sinh hoạt cũng khá nhiều. Ngoài tiền thuốc được bảo hiểm chi trả phần nào, Bình vẫn phải điều trị bằng nhiều loại thuốc phải mua thêm bên ngoài. Mẹ Bình hàng ngày chăm con ở viện, chỉ ăn cho có, khi cái bánh mì, khi gói xôi, cả ngày chỉ dám tiêu 10.000, 15.000 đồng. Bản thân bác cũng đang bị bệnh nhưng “nào dám nghĩ đến chuyện chữa trị. Còn phải dồn hết cho thằng Bình đã”.
Rời bệnh viện mà lòng tôi cứ ám ảnh mãi bởi cái nhìn của em: một cái nhìn buồn bã, tuyệt vọng nhưng vẫn ánh lên sự hi vọng. Tôi nhớ lúc mình tốt nghiệp đại học, dù không phải là một sinh viên xuất sắc, nhưng vẫn mang trong mình bao hoài bão, bao tham vọng. Còn em: một sinh viên nghèo tốt nghiệp loại giỏi của trường đại học Kinh tế quốc dân lại là sinh viên xuất sắc của toàn khóa. Gia cảnh nhà em lại vô cùng khó khăn. Có lẽ em còn khát khao, còn nhiều ước mơ hơn tôi rất nhiều. Em còn là niềm hi vọng của cả gia đình, của mẹ, của em gái. Em cũng mới 22 tuổi, em muốn sống và xứng đáng được sống.
Mọi sự giúp đỡ em xin gửi về: Cô Nguyễn Thị Vinh, mẹ em Trần Thanh Bình - Đội 2, Xóm Tinh Hoa- Thôn Văn Lộc- Huyện Hậu Lộc- Tỉnh Thanh Hóa. Hiện em Bình đang điều trị tại Phòng 835, tầng 8, khoa điều trị tích cực –Viện huyết học truyền máu Trung ương – Phố Trần Thái Tông, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại liên lạc: 01646.571.618
Theo PLXH