R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
Join Date: Dec 2008
Posts: 44,699
Thanks: 262
Thanked 591 Times in 456 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 60
|
Hàn Quốc và con đường sau khi lên đỉnh vinh quang (1)
Từ một đất nước thuộc loại nghèo nhất thế giới, sau vài chục năm, nay Hàn Quốc vinh dự nằm trong nhóm dẫn đầu. Tuy nhiên chưa ai biết rồi mọi chuyện sẽ đi về đâu.
Đối với những người ở bên ngoài, thành công của kinh tế Hàn Quốc có thể coi như mẫu hình để học tập. Thế nhưng nay khi đã bắt kịp nhóm nền kinh tế phát triển, Hàn Quốc cần phải thay đổi đường hướng chính sách của mình.
Vào một sáng mùa thu rực rỡ ở Seoul, một người đánh cá ngồi mơ màng bên dòng sông Cheonggyecheon trong khi thế giới xung quanh ông đang hối hả. Phía sau ông là những tòa nhà chọc trời của trung tâm tài chính mới mọc lên. Dưới tầng trệt là những trung tâm mua sắm tấp nập vào loại nhất châu Á. Người dân đi lại nườm nượp.
20 năm trước đây, ai dám đến câu cá ở khu vực này quả thật quá bạo gan. Khi đó, khu vực còn rất bẩn thỉu và nghèo khổ. Hoạt động khai hoang khu vực Cheonggyecheon, một trong những dự án đô thị lớn nhất thế giới, đã mang đến một diện mạo mới cho toàn bộ khu vực.
Năm 1960, sau chiến tranh, đất nước miền Nam này nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tương đương với nhiều nước nghèo nhất tại châu Phi. Đến cuối năm 2011, tính GDP bình quân đầu người, Hàn Quốc sẽ còn giàu hơn cả mức trung bình tại Liên minh châu Âu (EU). GDP bình quân đầu người tại Hàn Quốc đạt 31.750USD trong khi đó con số này tại Liên minh châu Âu ở mức 31.550USD/người (tính theo ngang giá sức mua). Hàn Quốc là nước duy nhất vươn lên thành công từ nước chủ yếu nhận viện trợ nước ngoài sang nước giàu chỉ trong vài chục năm.
Đối với phần lớn nước nghèo, Hàn Quốc có thể coi như mô hình tăng trưởng lý tưởng hơn cả Trung Quốc, nước có mô hình quá lớn để học theo. Hàn Quốc còn tốt hơn so với Đài Loan, Singapore, Hồng Kông. Cả 2 nước và lãnh thổ trên đều giàu hơn Hàn Quốc thế nhưng đều chỉ có quy mô của thành phố tự trị trong khi đó chủ quyền của Đài Loan vẫn đang gây tranh cãi.
Kinh tế Hàn Quốc không chỉ tăng trưởng nhanh. Hàn Quốc đã kết hợp tốt giữa tăng trưởng và dân chủ. Hàn Quốc kết hợp tốt giữa phát triển kinh tế và chăm sóc cho con người. Chẳng có nước nào làm việc này tốt hơn Hàn Quốc. Từ năm 1980 đến năm 1997, hệ số Gini, hệ số đo bất bình đẳng thu nhập, hạ từ mức 0,33 xuống mức thấp đáng ngạc nhiên 0,28 và sau đó tăng lên trong thời kỳ khủng hoảng châu Á năm 1997 – 1998. Năm 2010, hệ số này ở mức 0,31, thấp hơn một chút so với vài nước vùng Scandinavi nhưng cao hơn so với Canada.
Mô hình thành công
Sau rất nhiều thành công của mình, Hàn Quốc hiện vẫn vững vàng. Kinh tế Hàn Quốc rất khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng sau đó đã phục hồi nhanh hơn bất kỳ nước giàu nào. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2008 đến tháng 2/2009, Hàn Quốc mất 1,2 triệu việc làm. Hệ thống tài chính khá cởi mở của Hàn Quốc dễ chịu tác động từ biến động trên thị trường thế giới và đến nay vẫn tiếp tục như vậy. Chỉ trong tháng 9/2011, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra khoảng 1,3 nghìn tỷ won tương đương 1,1 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, đồng won sụt 10%.
Vào năm 2010, GDP Hàn Quốc tăng 6%. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 4%. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3%. Sự phục hồi của kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc: so với quy mô nền kinh tế, Hàn Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Trung Quốc hơn so với bất kỳ nước nào khác.
Thế nhưng điều đó chỉ lý giải một phần câu chuyện. Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chương trình tạo việc làm để mở rộng lực lượng lao động thêm 2%. Tất cả các chính sách trên do Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đưa ra, ông từng làm CEO của tập đoàn Hyundai và được coi như luôn có định hướng chính sách mang tính hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp lớn.
Mức sống của người dân Hàn Quốc đã cải thiện hơn rất nhiều. GDP bình quân đầu người tại Trung Quốc cần phải tăng trưởng phải 7,5 – 8%/năm trong 20 năm để đạt đến đỉnh cao mà Hàn Quốc đã có được. Nếu kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng 4,5%/năm còn kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5%/năm, chỉ vài năm nữa, kinh tế Hàn Quốc sẽ vượt Mỹ (tính theo ngang giá sức mua).
Để tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, Hàn Quốc cần phải có một số chiến lược mới. Khi một đất nước hay công ty đang chơi trò đuổi bắt, họ thường nhìn xem nước khác làm gì và cố gắng làm tốt hơn. Hàn Quốc đã làm tốt việc này. Huyndai đã vượt qua Toyota đối với dòng sản phẩm ô tô giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu.
Thực sự cần một sự thay đổi lớn
Cách làm của Hàn Quốc chỉ phát huy hiệu quả khi trước đó đã có ai đi trước. Khi đã gia nhập vào nhóm nước giàu nhất, cũng không còn nhiều bài học để học theo. Kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào hoạt động đổi mới và học hỏi từ chính sai lầm của mình chứ không phải phát triển lên từ thành công của người khác. Mô hình Hàn Quốc thập niên 1960 – 2010 vẫn được coi như điển hình cho nhiều nền kinh tế đang phát triển, nhưng chính Hàn Quốc thật sự cần cái gì đó mới.
Mô hình thành công của Hàn Quốc có 4 đặc điểm chính: lực lượng lao động làm việc cần cù, các tập đoàn hùng mạnh, nhóm công ty nhỏ hoạt động khá yếu và sự kết nối tốt về mặt xã hội. Tất cả những yếu tố này đang chịu áp lực hoặc cần phải được đánh giá lại, hoặc cần cả hai.
Người Hàn Quốc làm được nhiều việc lớn nhờ có học vấn tốt và làm việc chăm chỉ. Mỗi năm, họ làm việc tới 2.200 giờ, cao gấp đôi so với người Hà Lan hay người Đức. Thời kỳ kinh tế thế giới suy giảm năm 2008, người Hàn Quốc phản ứng bằng cách làm việc chăm chỉ hơn. Giáo sư Richard Freeman thuộc đại học Harvard cho biết trong quá trình kinh tế phục hồi giai đoạn 2009 – 2010, tỷ lệ giờ làm trong lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc tăng cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Đài Loan. Ngoài ra, chất lượng lao động quan trọng hơn so với số lượng.
Cùng với Phần Lan và Singapore, các trường học của Hàn Quốc thường đứng đầu về tiêu chuẩn giáo dục quốc tế. Tính tỷ lệ tương quan với GDP, chính phủ Hàn Quốc dành tiền để phát triển giáo dịch nhiều hơn bất kỳ nước giàu nào, không kể Mỹ. Xét đến thực tế mức lương vẫn thấp, lực lượng lao động Hàn Quốc có sức mạnh vô địch.
Tuy nhiên khi đã vươn lên đến hàng top, thật khó để tiếp tục tiến xa chỉ với thu nhập có thêm được từ việc làm thật giỏi, thật chăm chỉ, vấn đề ở chỗ làm sao để duy trì được sự vượt trội.
Ông Yeong Kwan Song, chuyên gia thuộc Viện phát triển Hàn Quốc, một cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính phủ, chia sẻ rằng các công ty đang bắt đầu lo lắng về việc sinh viên ra trường với kỹ năng không phù hợp cho công việc. Theo một số tính toán, hơn nửa sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp thời gian gần đây không thể tìm được việc làm toàn thời gian nên sau đó lại đi học tiếp lên cao hơn hay chấp nhận làm bán thời gian. Như vậy có thể thấy dù tình hình giáo dục nhìn chung vẫn tốt, kỹ năng công nghiệp đang đi xuống.
Còn tiếp...
Đình Hảo - Ngọc Diệp
Theo TTVN
|