Úc, Singapore, Malaysia, Philippines cũng bắt đầu sắm vũ khí chống tàu ngầm.
Cuối tháng 11, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận hải quân ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 24-11 đưa tin ông Rakesh Sharma, Giám đốc điều hành Công ty Ultra Electronics (Anh), nhận định trong trường hợp Trung Quốc mở rộng hoạt động hải quân ở Thái Bình Dương, Mỹ,̀ các nước đồng minh sẽ tập trung đầu tư cho thiết bị vũ khí có khả năng phát hiện tàu ngầm, ngay cả ở các tuyến đường biển sầm uất nhất.
Nguyên nhân: Một khi Trung Quốc tăng cường hoạt động hải quân ở Thái Bình Dương, căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có thể sẽ gia tăng trong khi các nước cần phải bảo đảm giao thương hàng hải an toàn.

Tàu ngầm lớp Tống chạy bằng diesel của Trung Quốc. Ảnh: neporazitelny.blogsp ot.com
Công ty Ultra Electronics chuyên sản xuất thiết bị an ninh quốc phòng, vận tải và năng lượng, nhà cung cấp lớn nhất thế giới về thiết bị phát hiện và định vị vật thể dưới nước bằng sóng âm.
Nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin (Mỹ) đã mua hệ thống phát hiện tàu ngầm của Công ty Ultra Electronics để nâng cấp các tàu khu trục chống tàu ngầm và chống máy bay của Úc.
Hãng Boeing (Mỹ) cũng đặt mua hệ thống phát hiện tàu ngầm từ Ultra Electronics để trang bị cho máy bay tuần tra hàng hải P8 Poseidon (dự kiến cung cấp cho hải quân Mỹ vào năm 2013).
Giám đốc Công ty Rakesh Sharma ghi nhận khoáng sản và hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường biển nên bảo vệ các tuyến giao thương ở Thái Bình Dương đã trở thành vấn đề cấp bách. Do đó, Úc, Singapore, Malaysia, Philippines và Mỹ đều bắt đầu mua sắm vũ khí chống tàu ngầm.
Theo ấn bản thông tin quốc phòng IHS Janes (Anh), mục đích Mỹ quyết định triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ ở Darwin (Úc) trong vòng năm năm tới nhằm tăng cường an ninh trên các tuyến đường biển quan trọng để đối phó với hải quân Trung Quốc.
Lo ngại của Mỹ về sức mạnh tàu ngầm của Trung Quốc gia tăng vào năm 2006 khi một đội tàu chiến Mỹ do tàu sân bay USS Kitty Hawk chỉ huy đã không phát hiện một tàu ngầm tấn công lớp Tống chạy bằng diesel của Trung Quốc đi vào tầm phóng ngư lôi ở Thái Bình Dương.
Chuyên gia Simon Wezeman thuộc chương trình chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (Thụy Điển) nhận định Nhật và Hàn Quốc cũng nằm trong số các nước đang nghiên cứu đầu tư cho hệ thống vũ khí chống tàu ngầm.
Dự báo trong thập niên này, các nước châu Á sẽ mua khoảng 100 tàu tuần tra hàng hải và 100 tàu trực thăng hải quân. Hầu hết đều trang bị thiết bị phát hiện tàu ngầm.
Công ty Ultra Electronics (Anh) đang phát triển các thiết bị phát hiện tàu ngầm bằng sóng âm chuyên sử dụng ở các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Các thiết bị này truyền xung động âm mạnh hơn, có thể phát hiện dấu hiệu có tàu ngầm ở vùng biển có nhiều âm thanh hỗn tạp nhất, trong đó có biển Đông và eo biển Malacca. Công nghệ mới nhất của công ty sử dụng nhiều phao âm (phao phát hiện tàu ngầm qua sóng âm) được thả từ tàu hoặc máy bay. Phao sẽ truyền dữ liệu từ nhiều góc độ và nhiều tần số để có thể xác định vật thể dưới nước là tàu ngầm, cá voi hay đá.
Theo phapluattp