(Đất Việt) Sống trên núi cao, người Dao Tiền ở Hòa Bình có các bài thuốc làm đẹp riêng. Bà Dương Thị Thao ở xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hoà Bình vẫn còn lưu giữ được bài thuốc trị mụn, làm trắng da bằng cây lá.
Nhìn khuôn mặt trắng, mịn màng ở cái tuổi 19 của em Lý Thị Lan, ở xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, không ai nghĩ rằng trước đây em có khuôn mặt đầy mụn.
Một tuần hết mụn
Thấy mặt em ngày càng mọc nhiều mụn, người dân trong xóm nghĩ em bị chứng nan y khó chữa nên chẳng ai dám đến gần. Bà Lý Thị Yên, mẹ em Lan, kể lúc đó cũng thấy sợ mặt con gái mình. Thế rồi nghe nhiều người trong xóm mách, gia đình tìm đến bà Thao. Bà Thao ra nương nhổ một ít cỏ bụi về bảo rửa sạch, đun lấy nước rồi rửa mặt hằng ngày. Càng rửa nhiều thì càng nhanh khỏi.
Bà Thao vẫn giữ được bài thuốc dùng cây hoang dại trị mụn cho phụ nữ.
Lan về làm đúng như cách của bà Thao. Sau 4 ngày thì những vết mụn trên khuôn mặt dần lặn đi, một tuần sau thì mất hẳn. Thấy có hiệu quả, Lan lại đến nhà bà Thao xin thêm thuốc để làm da đẹp hơn. Thuốc lần này chỉ hai vị: một cây lá khô, một là dây rừng. Cách dùng là đun sôi để nguội rồi uống và một phần để tắm. Dùng hết 6 thang, những vết nám trên cơ thể cũng lặn dần, màu da chuyển dần sang trắng, mịn màng và đầy sức sống.
Nên tắm vào buổi tối
Cây cỏ sữa chữa mụn mọc hoang ở nhiều nơi.
Nhà bà Thao ở cuối xóm Hạ Sơn, xung quanh là đồi núi. Con đường vào nhà bà phơi toàn cây thuốc. Bà bảo, đây là bí quyết riêng của người Dao và được ông bà, bố mẹ truyền lại. Bà nói: Để chữa mụn thì lấy cây To-tét (tên tiếng Mường), hay còn gọi là cây cỏ sữa. Cây này mang rửa sạch, đun sôi để nguội rồi rửa mặt nhiều lần là khỏi.
Còn với những ai muốn trắng da thì dùng bài thuốc Đen Chi Liếc và Oạp Tam Mây (tiếng Dao). Đen Chi Liếc là cây thân gỗ, sống ở núi đá cao, màu lá xanh đậm, da sần sùi, có mùi thơm và chỉ sống ở rừng nguyên sinh. Để bài thuốc có hiệu quả thì phải uống và tắm. Theo bà Thao nên thắm vào buổi tối lá thuốc mới đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ sau 5 - 10 thang thì da phụ nữ giảm dần chất độc hại, chuyển sang trắng mịn. Bà Thao nói hai loại cây này rất khó tìm.
Đen Chi Liếc là cây thân gỗ sống ở núi đá cao. Cây Oạp Tam Mây là loại cây dây có màu trắng, không có mùi thơm. Hai giống cây này sống gần nhau. Người Dao quan niệm hai cây này tượng trưng cho nếp và tẻ, âm và dương, khi kết hợp nấu nước tắm thì tẩy được những độc tố có trong da, khi dùng nước uống thì những chất độc có hại cho da đi theo đường tiêu hóa.
Bài, ảnh: Việt Lâm