Rất nhiều phụ huynh học sinh của các trường tiểu học, trung học tại Hà Nội đang hoang mang, bức xúc trước kết quả khám mắt theo một phương pháp rất...lạ của bệnh viện mắt Việt - Nga trong chương trình "mắt sáng học đường".
Hoảng hốt với kết luận thị lực 5/10
Hết học kỳ 1 năm lớp 1, con gái chị Vân (Dịch Vọng – Cầu Giấy- Hà Nội) mang về đưa cho mẹ một chiếc phong bì được dán kín trịnh trọng của bệnh viện mắt Việt - Nga, trong đó có tờ giấy thông báo con chị bị loạn thị, thị lực 6/10. Kèm theo một tờ giấy quảng cáo và phiếu giảm giá khi đến chữa bệnh tại bệnh viện này.
|
Một thao tác trong phần mềm chuẩn đoán thị lực nhanh của bệnh viện mắt Việt Nga |
Chia sẻ nỗi lo lắng của mình với cô giáo chủ nhiệm của con, chị Vân ngạc nhiên khi cô cho biết: “Phụ huynh nên cho con đi khám lại ở bệnh viện mắt khác. Thực tình là tôi không kết quả bệnh viện khám cho cháu như thế nào. Nhưng trên lớp, tôi không hề thấy cháu có biểu hiện kém thị lực”.
Nghe lời cô giáo, chị đưa con đi khám ở bệnh viện mắt Hà Nội, sau khi khám cho con chị xong, bác sỹ ngạc nhiên hỏi: “Sao lại đưa cháu đi khám?” Bởi thị lực con chị cả hai mắt vẫn đạt 10/10.
Con gái chị Vân không phải là trường hợp duy nhất ở trường Tiểu học DVB được bệnh viện mắt Việt Nga “gán” bệnh. Chị An (phố Dương Quảng Hàm - Cầu Giấy) – có con gái học ở lớp 3 cùng trường cũng gặp trường hợp tương tự.
Chị An cho biết chị rất giữ gìn mắt cho con, từ điều kiện ánh sáng, tư thế ngồi học, đến việc bổ sung chế độ ăn uống. Do vậy, chị khá tự tin về thị lực của con mình. Tuy nhiên, khi con chị đưa tờ giấy thông báo kết luận thị lực 5/10 thì chị thực sự… sốc.
“Đó là một bệnh viện liên kết với nước ngoài, tôi nghĩ họ không thể làm bừa”- chị An chia sẻ. Chị tự kiểm tra mắt cho con bằng các biện pháp đơn giản và chị thực sự hoang mang khi mắt con còn tinh hơn đôi mắt 10/10 của chị. Cho con đến khám tại bệnh viện mắt Ánh sáng – một lão làng trong nhãn khoa Việt Nam khẳng định thị lực con chị hoàn toàn bình thường, vẫn 10/10.
Một phụ huynh nữa có con học lớp 1A của trường này cũng bày tỏ bức xúc cho biết, khi nhận được giấy thông báo thị lực con mình chỉ có 5/10, cả nhà chị mất ăn mất ngủ. Ban đầu, chị cũng định ngay lập tức đưa con đến bệnh viện mắt Việt Nga để chữa bệnh, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh khác cùng cảnh, đặc biệt là ý kiến của cô giáo chủ nhiệm, chị đã đưa con đến một bệnh viện mắt ở Giảng Võ. Và tất nhiên kết quả không ngoài phán đoán của chị, mắt con chị vẫn rất tốt.
Không phải chỉ các phụ huynh của trường tiểu học DVB gặp cảnh dở khóc dở cười này mà nhiều phụ huynh ở nhiều trường khác có chương trình khám mắt miễn phí của Việt - Nga đều gặp cảnh tương tự.
Ngay khi nhận tờ giấy thông báo kết quả của bệnh viện mắt Việt - Nga về thị lực của con gái mình, chị Vân đã chia sẻ sự lo lắng trên trang mạng xã hội facebook, và chị đã nhận được không ít lời động viên của mọi người. Nhiều người cho biết con họ, con bạn bè họ cũng bị BV mắt Việt Nga cho rằng cận thị, loạn thị, viễn thị…. Nhưng đến khi kiểm tra ở các bệnh viện danh tiếng khác thì kết quả vẫn đảm bảo 10/10.
PVPLVN đã làm cuộc khảo sát nho nhỏ tại trường tiểu học DVB, khi được hỏi các phụ huynh có con trong độ tuổi lớp 1, 2 về kết quả khám mắt của con họ do Bệnh viện mắt Việt Nga triển khai, đều nhận được câu trả lời: Họ bảo con tôi mắt 4- 5/10 gì đó. Nhưng tôi chẳng quan tâm vì con tôi mắt vẫn rất bình thường! Một số người khác thì phân vân : tôi phải cho đi kiểm tra lại. Nhìn kết quả sợ quá. Nhưng chẳng thấy con tôi có biểu hiện kém gì, thử kiểm tra đọc xa vẫn tốt.
Khám mắt hay chơi game?
Được biết, các học sinh kể trên đều nằm trong các trường tiểu học, Trung học trên địa bàn Hà Nội- nơi Bệnh viện mắt Việt - Nga đang triển khai chương trình Mắt sáng học đường.
|
Một thao tác trong phần mềm chuẩn đoán thị lực nhanh của bệnh viện mắt Việt Nga |
Mục tiêu của dự án Mắt sáng học đường là phát hiện sớm các bệnh về mắt cho các em học sinh. Trong điều kiện hiện nay, học sinh mắc các tật về mắt rất nhiều, sẽ rất có hữu ích nếu như được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu với một chuẩn đoán sai, nguy cơ cũng là khôn lường, khi các bậc phụ huynh quá tin tưởng vào kết quả để đưa con đi "điều trị" khi thị lực của con vẫn hoàn toàn bình thường.
Tìm hiểu của nhóm phóng viên cho thấy, bệnh viện mắt Việt - Nga kiểm tra thị lực cho học sinh không theo phương pháp mà các bệnh viện mắt Việt Nam hiện đang sử dụng, mà dùng phần mềm “Khám chuẩn đoán thị lực từ xa”, hay còn gọi là "chuẩn đoán nhanh thị lực".
Với phương pháp này, người được khám sẽ ngồi trước một màn hình máy tính có kết nối mạng, thực hiện các bài kiểm tra theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Các số liệu được truyền đến trung tâm xử lý tại Nga, sau đó kết quả sẽ được truyền trả lại.
Hiển thị trên màn hình máy tính là rất nhiều các yêu cầu đối với người được kiểm tra, đơn giản nhất là một dòng chữ rất to "Bịt mắt trái và nhấn nút". Tiếp đó là: "Bạn có nhìn thấy hình tròn khuyết ở giữa màn hình không? Hãy nhấn chuột về phía khuyết của hình tròn! Nếu bạn không thấy phía khuyết của hình tròn - kích vào "không rõ".
Hay với màn hình là một bàn cờ ca rô 14x14 có chấm đen ở chính giữa, và dòng chữ "Nhìn vào dấu chấm ở trung tâm trong vài giây. Tất cả các đường lưới có đều nhau không? nhấn nút cần thiết". Tiếp đó là hai dấu nút có chữ "đều nhau"/ "Méo hình".
Hoặc một bước kiểm tra khác: Hãy đo chiều dài mũi tên AB trên mành hình (bằng Millimet), rồi yêu cầu nhập số liệu đã đo vào một ô quy định.
Chỉ với một vài ví dụ, có thể thấy phương pháp kiểm tra này không dễ để học sinh những bậc đầu tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, chưa đọc thông, chưa sử dụng quen máy vi tính có thể thao tác được.
Theo dự án Mắt sáng học đường, việc khám mắt chỉ là bước đầu tiên của quy trình. Bệnh viện mắt Việt - Nga còn đề nghị được đặt những Trung tâm chăm sóc mắt tại trường để điều trị cận thị cho học sinh. Giá của một đợt điều trị không hề thấp.
Một dự án được triển khai rầm rộ tại các trường học vì sao lại có những sai sót "chết người" như vậy? Tại sao các trường lại liên kết với bệnh viện mắt Việt - Nga ( mà không phải bệnh viện nào khác)? Phương pháp "chẩn đoán thị lực từ xa" có đáng tin cậy và liệu có bao nhiêu học sinh đã tin vào phương pháp này để rồi "tiền mất, tật mang"?
PLVN sẽ tiếp tục làm rõ để thông tin tới bạn đọc
Nhật Thanh