Thực hiện đầy đủ các thủ tục ký kết giao nhận tiền nhưng đến hạn lấy nợ, anh L. hốt hoảng phát hiện trên các loại giấy tờ này không còn chữ ký của người mượn. Khi anh L. biết được “đối tác” sử dụng bút bay mực thì đã quá muộn.
“Hô biến” bút tích sau 24 giờ
"Bút phù thủy" làm cho chữ viết biến mất sau 6 - 24 giờ
Thời gian gần đây, một loại bút bay mực hay còn gọi là “bút phù thủy” đang len lỏi vào giới kinh doanh gây hoang mang cho nhiều người khi thực hiện các giao dịch, ký kết. Với đặc tính có vẻ bề ngoài không khác gì một chiếc bút bi bình thường lại có thể viết trên mọi chất liệu, “bút phù thủy” đang trở thành “vũ khí” của nhiều đối tượng làm ăn bất chính hoặc có mưu đồ lừa đảo.
Anh N.Q.L. (Chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại quận Bình Tân) cho biết, đầu tháng 2/2013, anh được một khách hay mua vật liệu tại cửa hàng của anh đên hỏi mượn tiền. Nghĩ đây là khách hàng thân thiết lại có biên nhận hai bên ký kết với nhau nên anh L. yên tâm đưa cho người này mượn gần 1 tỷ đồng. Đến hẹn lấy nợ, anh L. mở tủ cầm giấy vay ra thì tá hỏa không thấy chữ ký của người mượn tiền đâu. Tìm gặp để làm rõ, thì anh L. bị “con nợ” chối bay. Sau lần này, anh L. chấm dứt quan hệ với vị khách “mối’ này.
Bút bay mực hay còn gọi là "bút phù thủy" được rao bán trên mạng
Để truy tìm nguồn gốc, thực hư của loại “bút phù thủy” này, chúng tôi vào một số trang web mua bán online, không quá khó để tìm ra được những đầu nậu bán “bút phù thủy” qua mạng với những lời quảng cáo công khai như: “Bút phù thủy” là loại bút có thể xóa sạch những gì đã viết ra mà không để lại một dấu vết nào. Sau 6 - 24 giờ, mực trên chất liệu đó sẽ tự động bay hết màu, trở lại ban đầu như khi bạn chưa viết…
Tìm đến một điểm quảng cáo bán “bút phù thủy” trên đường Quang Trung (phường 8, quận Gò Vấp), chúng tôi được Quang (người chuyên cung cấp loại bút phù thủy tại TP.HCM) cho biết, loại bút bay mực này được bán với giá 300 ngàn đồng/cây. “Tụi em bán giá này là chuẩn nhất rồi đó anh. Em mới lấy 100 cây chỉ trong vài ngày đã không còn hàng bán. Cái hay của bút này là nó như cây bút mực bình thường, chỉ cần viết bất kì điều gì lên giấy lên da, lên tường, hay bất kì vật dụng gì…thì trong vòng 6 - 24 giờ mực trên chất liệu đó sẽ tự động bay hết màu, trở lại ban đầu như khi chưa viết” - Quang khẳng định.
Khi thấy chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc của loại bút bay mực, Quang phân tích thêm, loại “bút phù thủy” là hàng Việt Nam nhưng mực thì của Trung Quốc, giá bèo nên không bảo hành. Để chứng minh về hiệu quả của bút, Quang đã đích thân “thực hành”, rồi bảo tôi mang về nhà sau 18 giờ nữa là biết kết quả, khi ấy quay lại mua cũng chưa muộn. Qủa đúng như lời của Quang giới thiệu, chưa đến 18 giờ sau mực viết trên giấy đã hoàn toàn biến mất.
Những lời "thoái thác" từ người rao bán "bút phù thủy" trên mạng
Theo Quang, bút này “gây sốt” với giới trẻ, họ mua về để làm ảo thuật và rất nhiều đối tượng khác tìm mua vì chiếc “bút phù thủy” đã giúp không ít công nợ của các công ty được giải quyết bởi khi ký xong chữ ký bay mất thì ai có thể làm chứng được chứ. “Tuy nhiên, em nói trước, mục đích sử dụng tùy thuộc từng người, bên em không chịu trách nhiệm về bất cứ thiệt hại, hay lợi ích của sản phẩm…” - Quang nhấn mạnh.
Cảnh giác với “bút phù thủy”
Nên thận trọng khi ký kết các hợp đồng tài chính, mua bán... tránh dùng bút không rõ nguồn gốc
Trước việc tìm mua, sử dụng “bút phù thủy” quá dễ dàng, rất có thể sẽ dẫn đến nguy hiểm trong việc giao kết các hợp đồng, giao nhận hàng hóa…Nhiều trường hợp chữ ký của người vay tiền hoặc thế chấp tài sản sau một đêm đã bay mất, chỉ còn lại tờ giấy trắng. Các nạn nhân cho rằng thủ phạm đã dùng loại bút bay màu mực để lừa đảo.
Nhằm đối phó với “bút phù thủy”, một số ngân hàng đã phải đưa ra khuyến cáo với nhân viên của mình không nên sử dụng bút của khách hành khi ký tất cả các hồ sơ, chứng từ của ngân hàng như giấy rút tiền, chuyển tiền, hợp đồng khế ước… Nhân viên cần chuẩn bị bút viết sử dụng loại mực có độ bền cao đưa cho phía đối tác ký. Các ngân hàng còn gửi thư ngỏ đến khách hàng khuyến cáo việc sử dụng bút bay mực dẫn đến rủi ro mất chữ ký trên các chứng từ gốc của khách hàng lưu lại, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó, các bộ phận giao dịch tuyệt đối tuân thủ theo quy định về kiểm soát chứng từ, không được tẩy xóa trên chứng từ giao dịch, kiểm tra sự khớp đúng giữa số tiền bằng số, bằng chữ và màu mực đồng nhất…
Theo PGS.TS. Phạm Thành Quân - Trưởng khoa kỹ thuật hóa học Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM, loại bút bay màu chỉ là một thủ thuật hóa học. Mực bút được làm bằng thuốc nhuộm hoàn nguyên, viết xong có hiện diện nhưng tùy theo nhiệt độ, thời gian sẽ bị oxy hóa, bay mất.
“Rất khó phân biệt loại bút này với bút thông thường vì mực và hình dáng hệt bút thường. Hiện chúng ta rất khó kiểm soát
loại bút này vì thuốc nhuộm hoàn nguyên rất dễ mua. Tốt nhất, trước khi ký hợp đồng giao dịch phải tìm hiểu kỹ đối tác, nên sử dụng những loại bút thông thường có nhãn hiệu của Việt Nam.” - PGS.TS. Phạm Thành Quân nhấn mạnh.
Vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc xử phạt hoặc cấm hành vi sử dụng bút bay mực
Dưới góc nhìn của các luật sư, hiện nay chưa có qui định nào xử phạt hoặc cấm hành vi sử dụng bút bay mực. Tuy nhiên, nếu người sử dụng loại bút trên vào mục đích nào đó nhưng gây hậu quả thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc vi phạm những điều mà pháp luật nghiêm cấm thì tuỳ vào hậu quả mà có thể phải bồi thường, bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định pháp luật.
Trong khi những loại bút này vẫn còn tràn lan ngoài thị trường, chưa có quy định cụ thể thì tổ chức kinh tế, người dân nên nêu cao cảnh giác, sử dụng bút viết có loại mực độ bền cao để ký kết.
Trung Kiên - DânTrí