Khi bạn bị ốm, sức đề kháng trong cơ thể bạn yếu hơn, việc ăn uống, tiêu hóa cũng trở nên khó khăn hơn bình thường. Trong giai đoạn này, có những loại thực phẩm bạn nên tránh xa nếu muốn nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
1. Đồ ngọt
Khi bạn cảm thấy khó chịu trong người, tuyệt đối không nên ăn đồ ăn vặt nhiều đường như kẹo, bánh, ... Những loại bánh ngọt này chứa nhiều chất béo bão hòa, khiến hoạt động của hệ tiêu hóa ngày càng trì trệ. Thậm chí chính những loại đồ ăn ngọt đó còn khiến bạn cảm thấy ốm thêm.
2. Thịt tẩm ướp và sấy khô
Đây là những loại thịt đã được xông khói hoặc ướp các loại gia vị như đường, muối trước khi được phơi, sấy khô. Quá trình tẩm ướp làm cho chất ni-trát trong thịt biến đổi thành ni-trít, có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí còn là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư.
3. Nước cam
Hầu hết mọi người đều cho rằng nước cam là bí quyết giúp phục hồi sức khỏe nhờ cung cấp nhiều vitamin C, chất xơ và các dưỡng chất khác. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lầm. Để có một ly nước cam ngon và dễ uống, bạn phải dùng rất nhiều đường (tương đương lượng đường có trong một lon soda). Đường lại là chất không có lợi khi cơ thể đang mệt mỏi. Bên cạnh đó, lượng a-xít dồi dào trong nước cam còn có thể làm hỏng dạ dày của bạn.
4. Các loại quả hạch
Phần lớn các loại quả hạch đều nằm trong danh sách những thứ cần tránh khi đang bệnh, đặc biệt là đậu phộng. Những người đang bị cảm cúm không nên ăn đậu phộng vì chúng làm cơ thể tiết ra nhiều chất nhầy hơn. Các loại hạt còn có thể là nguyên nhân gây ra chứng táo bón.
5. Thịt đỏ
Giống như các loại quả hạch, thịt đỏ cũng có những tác động tiêu cực đến cơ thể của bạn. Nếu ăn quá nhiều thịt có màu đỏ khi đang cảm cúm, toàn bộ lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể sẽ được giữ lại và biến thành chất nhầy tích tụ trong mũi và cổ họng. Bạn sẽ chảy nước mũi và có nhiều đàm hơn bình thường. Không chỉ vậy, cơ thể còn phải tốn nhiều thời gian và công sức để tiêu hóa hết lượng chất béo có trong thịt.
6. Chất cồn
Chất cồn có khả năng tương tác với tất cả thuốc được sử dụng để làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có chứa chất cồn còn gây ra tình trạng tăng a-xít quá mức, khiến dạ dày căng thẳng và hoạt động mệt mỏi hơn.
7. Caffeine
Caffeine là chất rất khó hấp thụ. Hạn chế các loại đồ uống như sô-đa, cà phê hay sô-cô-la khi đang bệnh sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục nhanh hơn. Ngoài ra, đồ uống có chứa caffeine cũng chứa nhiều đường, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của bạn.
8. Đồ ăn cay
Có thể khi đang bệnh, bạn không cảm nhận rõ được vị cay, nhưng hãy lưu ý tránh xa những món ăn cay này nếu bạn muốn phục hồi sức khỏe nhanh chóng, đặc biệt nếu bạn bị sổ mũi hay bị xoang. Ngoài ra, ăn cay sẽ làm dạ dày tích lũy nhiều hơi gas, gây chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu.
9. Rau sống
Chế độ ăn có nhiều rau xanh luôn tốt cho sức khỏe. Đối với người bệnh, rau xanh sẽ mang đến lợi ích cho quá trình hồi phục chỉ khi chúng đã được chế biến và nấu chín. Ăn rau sống khi cơ thể không khỏe càng làm cho hệ tiêu hóa trở nên bất ổn hơn, đồng thời nguy cơ nhiễm khuẩn từ rau cũng tăng cao.
10. Các sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa chứa hàm lượng chất béo cao. Những chất béo trong sữa lại ở dưới dạng hợp chất nên rất khó tiêu, khiến nhiều người còn có hiện tượng dị ứng với các sản phẩm sữa khi ốm.
Nguồn: PNTD