Bản Áng, cách thị trấn Mộc Châu khoảng gần 10 km, vào mùa này, sương mù giăng kín cả ngày ngày lẫn đêm. Trong giá lạnh bâng khuâng, nhấp chén rượu gạo cay nồng, nếm món gà nướng chẳm chéo, trò chuyện đôi ba câu khiến kỉ niệm những ngày xưa cũ như chợt ùa về.
Ai đã một lần lên vùng Tây Bắc, được thưởng thức một lần gà nướng chẳm chéo, món ăn mang đậm hương vị của núi, của rừng, của những màn sương nhập nhoạng thì có lẽ không thể nào quên được. Đây là thứ đặc sản vùng cao để lại cho du khách khá nhiều những dư âm về một đêm “về rừng” đúng nghĩa.
Ai đã một lần lên vùng Tây Bắc, được thưởng thức một lần gà nướng chắm chéo, món ăn mang đậm hương vị của núi, của rừng, của những màn sương nhập nhoạng thì khó có lẽ không thể nào quên được (Ảnh: Internet)
Với truyền thống gần gũi hiếu khách từ bao đời, mỗi khi có khách từ miền xuôi lên thăm, bà con người Thái luôn thết đãi những món ăn đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Một tinh thần truyền thống đặc sắc của đồng bào nơi đây.
Người Thái ưa vị cay, chua, đắng, nồng nên các món ăn nơi đây hầu như cũng thật đậm đà với các hương vị đặc trưng đó. Mùa nào thức nấy, du khách sẽ được thưởng thức những sản vật phong phú của vùng đồi núi như thịt lợn rừng, gà đồi, cải ngồng, măng đắng, rau dớn… Và trong những ngày đầu đông, khi lạnh giá bao phủ đất trời, được ngồi cùng nhau bên ánh lửa, thưởng thức món gà nướng chẳm chéo thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.
Gà trước khi đem ra nướng đã được ướp với rau mùi, hạt tiêu rừng, sả, ớt, thêm tí muối cho vị mặn ngấm dần. Nướng gà cũng cần một ít công phu, phải chọn loại than củi giữ nhiệt, không để nguội hay lửa cháy quá to, nướng từ từ, thong thả cho đến khi mỡ gà chảy ra tự nhiên. Phải biết điều chỉnh nhiệt độ sao cho vừa phải để gà chín đều, từ ngoài vào trong.
Nướng gà cũng cần một ít công phu, phải chọn loại than củi giữ nhiệt, không để nguội hay lửa cháy quá to, nướng từ từ, thong thả cho đến khi mỡ gà chảy ra tự nhiên
Khi bắt đầu chín, lớp da gà săn lại, vàng rộm ở bên ngoài và ngọt mềm ở bên trong, thơm ngậy mùi của tiêu rừng, của sả. Là gà đồi nên thịt rất chắc, từng thớ thịt trắng phau, khói tỏa nghi ngút, mùi bốc lên thơm xịt mũi nhanh chóng đánh thức vị giác của các vị thực khách đang nhỏ dãi thèm thuồng. Gia vị được ướp từ trước thẫm đẫm đến tận xương tủy, nhai cả xương mà vẫn thấy ngọt lừ trong miệng. Bên cạnh đó không thể thiếu thứ lá ghém không tên được lấy trong rừng, ăn vào lúc đầu thì nghe chan chát, nhưng khi nhai kĩ thì lại thấy vị ngọt bùi quyện lẫn.
Khi bắt đầu chín, lớp da gà săn lại, vàng rộm ở bên ngoài và ngọt mềm ở bên trong, thơm ngậy mùi của tiêu rừng, của sả
Nhưng đồng bào Thái đãi khách quý ở đây không chỉ là gà nướng mà còn có thứ khác. Sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ quên thứ gia vị ăn kèm mang cái tên đậm chất núi rừng – chẳm chéo.
Chẳm chéo là sự hòa quyện hoàn hảo của sả, lá chanh, lá tỏi, lá hành, mắc khén, tỏi, ớt, rau mùi… tất cả đều trộn lại với nhau, giã nhuyễn. Dùng chẳm chéo để chấm thịt gà nướng thì trộn hỗn hộp trên với muối, bột ngọt, còn khi chấm với thịt luộc, rau rừng thì thay muối bằng nước mắm và thêm chút đường. Tùy theo sở thích và món ăn mà người ta có thể pha chế chẳm chéo theo những cách riêng biệt.
Chẳm chéo dường như là thứ gia vị truyền thống được nhắc đến nhiều nhất bên mâm cơm đồng bào dân tộc Thái. Mọi món ăn được kèm với chẳm chéo đều trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đó là sự tổng hợp của tất cả hương vị núi rừng, vị cay của ớt, nồng của tỏi, vị tê tê của mắc khén cùng mùi thơm ngọt của rau mùi, mọi hương vị cứ quấn quýt nơi đầu lưỡi không nỡ rời.
Chẳm chéo dường như là thứ gia vị truyền thống được nhắc đến nhiều nhất bên mâm cơm đồng bào dân tộc Thái
Để khiến chẳm chéo đặc biệt đến vậy, gia vị quan trọng nhất chính là mắc khén. Thứ vẫn thường được gọi là hạt tiêu của rừng ấy thực ra là quả của cây khén, một loại cây thân gỗ của đại ngàn. Quả mắc khén có màu nâu, sau khi hái xong thì trảy hạt rồi đem gác bếp, rang hoặc nướng trên lửa. Chỉ thể thôi mà đã có thể cho ra được một thứ gia vị thơm lừng gây nghiện có một không hai.
Mắc khén có vị thơm nồng đậm, cay cay và thoảng lên thứ tinh dầu ngai ngái sẵn sàng mê hoặc bất kì ai. Và trên với mâm cơm đồng bào người Thái dường như lúc nào cũng thoảng thơm hương mắc khén, nhiều món ăn chẳng thể tròn hương vẹn vị nếu thiếu đi loại gia vị đặc trưng của miền sơn cước này.
Giờ đây, chẳm chéo còn được coi như một thứ đăc sản dân tộc mà bất cứ ai lên Mộc Châu cũng sẽ được mời nếm thử. Và khi trở về, những cô bác người Thái chẳng bao giờ quên dúi một ít chẳm chéo làm quà cho miền xuôi, món quà tuy nhỏ nhưng bao trọn tình cảm của núi rừng.
Kèm với thứ món ăn gây nghiện này không thể thiếu rượu gạo. Những hạt gạo trắng ngần, thơm ngọt của đồng bào người thái, được ngâm ủ trong suốt một tuần trước khi nấu, uống vào đến đâu là biết đến đó, cay nồng nhưng rất ngọt, men rượu ngấm sâu làm ngây ngất lòng người.
Trong ánh lửa bập bùng, trong sương mù rải khắp lối, chuyến choáng hơi men phảng phất và dư vị mê hoặc của món ăn rừng Tây Bắc khiến cho ai đã một lần trải qua thì không thể nào quên được.
Eva