Trái cây một thực phẩm gần như không thể thiếu trong các bữa ăn. Chúng cũng có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe do chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Nhưng nếu dùng không đúng cách thì nó sẽ gây hại cho cơ thể bạn vô cùng, vậy như thế nào là ăn trái cây đúng cách?
Trái cây trở thành một phần thiết yếu của những bữa ăn, nhưng để tận dụng được tối đa các lợi ích của nó, cần phải biết cách ăn cho đúng, khoa học.
Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng không đúng cách thì nó sẽ gây hại cho cơ thể.
Ăn trái cây đã chín muồi?
Đa số các loại trái cây sẽ đạt được hương vị ngon nhất khi chín muồi (nhưng chưa chín rục), nhất là những loại có mủ như măng cụt, mãng cầu, mít, sầu riêng…
Tuy nhiên, nếu trái cây đã chín rục, thâm đen hay lên men rượu rồi thì thành phần chất dinh dưỡng có thể thay đổi, chỉ nên ăn khi màu, mùi, vị còn tốt. Trái cây ủng thối, vị đắng… không nên dùng. Người đái tháo đường chỉ nên ăn chuối còn hơi sống, xoài còn hơi xanh… để hạn chế tăng đường huyết.
Không nên dùng sau bữa ăn
Nếu ăn cơm no rồi ăn trái cây thì lượng đường tổng cộng trong bữa ăn sẽ tăng, đường huyết tăng cao và nhanh, không có lợi cho sức khỏe, nhất là người bị đái tháo đường.
Người muốn giảm cân nên ăn trái cây trước khi ăn cơm
Lượng calo trong trái cây cao hơn trong rau, có thể thay thế một phần thức ăn chính. Mỗi ngày ăn 200-250g trái cây có thể cung cấp calo tương đương với 25g thức ăn chính. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều trái cây thường xuyên thì cũng dẫn đến tình trạng dư thừa calo dẫn đến béo phì.
Tốt nhất là ăn một ít trái cây hoặc uống một ít nước hoa quả khoảng 30 phút trước khi ăn cơm. Frutose trong trái cây có thể đáp ứng được nhu cầu calo của cơ thể, giảm nhu cầu ăn, đặc biệt là giảm rất nhiều nhu cầu về mỡ, có tác dụng ức chế sự thèm ăn. Như thế có thể phòng tránh hữu hiệu sự tích lũy mỡ, từ đó giảm cân.
Không được ăn trái cây cùng với hải sản
Các loại hải sản đều chứa rất nhiều protein và giàu các khoáng chất canxi, sắt... Nếu ăn cùng với các loại trái cây chứa nhiều axit tannic (như lựu, sơn trà, hồng, trám, nho, bưởi chua, chanh, mận, mơ chua...), không những sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của protein, mà còn dễ khiến canxi, sắt và axit tannic trong hải sản kết hợp thành một chất mới khó hấp thu.
Chất này có thể gây khó chịu đường ruột, nghiêm trọng thì buồn nôn, ói mửa, đau bụng... Do đó, những loại trái cây này không được ăn cùng hải sản, thông thường cách vài tiếng sau mới nên ăn.
Nước ép trái cây
Nếu bạn thích uống nước ép trái cây, thì nên lựa chọn uống nước hoa quả tươi để tận dụng được hết lợi ích của nó, nên hạn chế uống các loại nước ép đóng chai.
Thanh Lê/Theo Khỏe & Đẹp