Một chút thời gian nghỉ ngơi buổi trưa là điều vô cùng cần thiết với nhiều người. Nó thực sự có tác dụng làm não bộ bạn được nghỉ ngơi và phục hồi để bắt đầu một buổi chiều làm việc. Nhưng nếu không biết cách, ngủ trưa lại có thể gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 45%. Vì sao vậy?
Ngủ trưa một giờ mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 45%
Phát hiện gây sốc trên đến từ một nghiên cứu thực hiện trên 300.000 người, vừa được trình bày tại hội nghị Bệnh tiểu đường lớn nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ngủ trưa hơn 60 phút sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 45% so với nhóm không ngủ trưa.
Tuy nhiên, với những người có giấc ngủ trưa dưới 60 phút lại không bị nguy cơ này. Gần bốn triệu người Anh hiện đang bị bệnh tiểu đường, trong đó hơn 90% là tiểu đường tuýp 2.Tiến sĩ Yamada Tomahide, thuộc Đại học Tokyo, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh rằng đây là một nghiên cứu bằng phương pháp quan sát, và các kết quả có được không chứng minh được rằng việc ngủ trưa là nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tiến sĩ Tomahide trình bày tại buổi họp của Hiệp hội nghiên cứu về căn bênh tiểu đường của châu Âu ở Munich, Đức, rằng giấc ngủ là một phần quan trọng của cuộc sống lành mạnh, giống như chế độ ăn uống tốt và tập thể dục vậy.
Nhưng ông cũng cảnh báo việc một số người ở nhiều nơi trên thế giới, do không ngủ đủ giấc vào ban đêm vì hoàn cảnh sống và công việc nên đã lạm dụng giấc ngủ để bù lại.
Theo TS. Tomahide thì giấc ngủ trưa ban ngày chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn, không nên kéo dài đến vài giờ.
Ngủ trưa đúng cách
Để ngủ trưa phát huy tác dụng, chúng ta cũng cần lưu ý thời gian, tư thế ngủ... sao cho đúng. Với những người không có thói quen này, cần phải chọn một cách nghỉ ngơi phù hợp khác.Ngủ trưa đúng cách mới có lợi cho sức khỏe.
Một giấc ngủ trưa tuyệt vời là khoảng từ 20-30 phút sẽ giúp giảm cảm giác buồn ngủ, tinh thần sảng khoái, bạn sẽ cảm thấy năng lượng phục hồi nhanh chóng và có thể tỉnh táo bắt tay vào công việc ngay. Ngủ trưa khoảng 26 phút sẽ cải thiện hiệu suất làm việc lên 34%, song không nên kéo dài quá 40 phút để tránh trạng thái mệt mỏi.
Với giấc ngủ trưa, nếu bạn ngủ quá lâu, hơn 1,5 giờ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đờ đẫn… do các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại.
Tư thế ngủ rất quan trọng. Với nhiều người, nhất là giới văn phòng, sau giờ ăn trưa, họ sẽ gục đầu xuống bàn làm việc hay ngả người ra sau chiếc ghế tựa để chợp mắt. Dù đã ngủ nhưng sau khi thức dậy họ vẫn cảm thấy mệt mỏi, đau cổ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do ngủ sai tư thế. Việc ngủ không đúng tư thế trong thời gian dài sẽ dẫn đến căng cơ, gây đau cổ và khiến cơ thể nhức mỏi thường xuyên.