Vì sao lại có người thuận tay trái? Tại sao có người thuận tay phải, có người thuận tay trái? Nguyên nhân nào đứng đằng sau?
Khoảng 10% dân số thế giới thuận tay trái. Theo quy luật thông thường thì "cái gì hiếm cũng quý", nhưng rất tiếc những người thuận tay trái thì không được như vậy.
Họ luôn phải chịu rất nhiều bất công trong lịch sử: từ bất tiện trong sinh hoạt, đến sự phân biệt đối xử, bắt phải chuyển sang tay phải... Thậm chí, có nơi xem người thuận tay trái là dấu hiệu của quỷ dữ.
Những người thuận tay trái đã từng chịu rất nhiều thua thiệt trong lịch sử
Nhưng nhìn đi nhìn lại, có ai thắc mắc vì sao chúng ta lại thuận tay trái không? Tại sao tất cả không cùng thuận một tay cho dễ sống?
Đáp án chẳng liên quan đến não bộ
Vào đầu thập niên 80, các nhà khoa học đã nhận ra rằng việc bạn thuận tay nào có thể xác định từ tuần thứ 8 của thai kỳ - dựa trên công cụ siêu âm. Đến tuần thứ 13, thai nhi bắt đầu có xu hướng mút ngón tay bên tay thuận rồi.
Rất nhiều nghiên cứu trước kia từng cho rằng não bộ là thứ quyết định bạn thuận tay nào. Cụ thể hơn, sự khác biệt về gene giữa 2 bán cầu não sẽ quyết định điều này. Tuy nhiên theo nghiên cứu từ cuối năm 2017, mọi chuyện bỗng rẽ theo một hướng khác: nguyên nhân hóa ra lại nằm ở cột sống.
Đây là nghiên cứu do các chuyên gia từ ĐH Bochum (Đức), kết hợp với một số nhà nghiên cứu tại Hà Lan và Nam Phi thực hiện. Theo đó, các hoạt động gene trong cột sống dường như mất cân đối trong giai đoạn thai kỳ, và tùy vào việc nó lệch về bên nào mà quyết định đến tay thuận của đưa trẻ sau này.
Tại sao não bộ không đóng vai trò trong chuyện này?
Não bộ điều khiển tay và vai dựa vào khu vực vỏ não chuyển động. Nó phát ra tín hiệu đến cột sống, và từ đây biến nó thành chuyển động.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng cột sống và vỏ não vận động không hề kết nối với nhau cho đến khi thai nhi được 15 tuần tuổi. Trong khi đó, tay thuận đã được xác định từ trước đó khá lâu rồi. Điều này đồng nghĩa rằng phải có một thứ gì đó thay não bộ quyết định điều này, và thứ đó chính là cột sống.
Để tìm hiểu kỹ hơn, các chuyên gia đã phân tích hoạt động gene trong cột sống từ giai đoạn 8 - 12 tuần của thai kỳ. Họ nhận ra rằng hoạt động có sự chênh lệch gene giữa 2 bên cột sống điều khiển tay và chân của chúng ta.
Sự chênh lệch này được kết luận là do một quá trình mang tên "biểu sinh" - epigenetic. Đây là quá trình các gene được biểu hiện khác nhau, tạo thành các cơ quan khác nhau. Sự khác biệt ấy ảnh hưởng đến hoạt động gene 2 bên cột sống, tạo ra cái gọi là tay thuận, tay nghịch.
Nhưng nếu chỉ là di truyền, tại sao người thuận tay trái lại hiếm thế
Đây là câu hỏi các nhà khoa học đã mất rất nhiều thời gian để trả lời.
Năm 2012, các chuyên gia từ ĐH Northwestern (Mỹ) đã phát triển một mô hình toán học, nhằm chứng minh rằng những người thuận tay trái là thành quả của sự tiến hóa thông qua quá trình rèn luyện. Họ cho rằng sẽ có những nguyên nhân xã hội đứng sau câu chuyện này, thay vì yếu tố di truyền đơn thuần.
"Ở động vật, khi tính cộng đồng càng lớn, sẽ có xu hướng đa số ủng hộ một thứ gì đó" - Daniel Abrams, chuyên gia ứng dụng khoa học cho biết.
"Yếu tố quan trọng nhất khi hình thành xã hội, đó là sự hợp tác. Với loài người, sự hợp tác đã tạo ra một xã hội chủ yếu là người thuận tay phải."
Bằng chứng là nhiều vĩ nhân trong lịch sử thuận tay trái
Nói cách khác theo góc độ tiến hóa, thì quá trình này đã ưu tiên những người thuận tay phải hơn. Mà trên thực tế, nghiên cứu gần nhất cũng cho thấy quá trình phân bổ gene cho tay trái chỉ là 25% các trường hợp mà thôi.
Tuy nhiên, ngay cả nghiên cứu mới nhất vẫn không thể hoàn toàn giải thích vì sao xã hội lại ưu tiên tay phải. Chỉ biết rằng sự chênh lệch về hoạt động thần kinh giữa hai kiểu tay thuận là gần như không có. Mà thậm chí, những người thuận tay trái đôi khi còn tỏ ra ưu việt hơn.