Apple hiện đang là công ty kiếm được nhiều lợi nhuận và giàu có nhất. Nhiều người dùng đã phải phàn nàn về dây sạc mỏng manh của công ty này. Chúng rất dễ hỏng và buộc người dùng phải chi tiền sắm đồ mới thường xuyên.
Để trở thành công ty giàu có nhất từ trước đến nay với 243 tỷ USD tiền mặt, Apple đã cắt giảm chi phí theo những cách bần tiện nhất. Apple mới trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt giá trị vốn hoá 1 nghìn tỷ USD vào tuần trước. Tuy nhiên thật khó để tin được rẳng Apple kiếm được 11 tỷ USD lợi nhuận mỗi quý, khi mà họ vẫn gây khó dễ với chúng ta bằng những chiếc bàn phím lỗi hay những chiếc dây sạc mỏng manh.
Xét cho cùng, sản phẩm cốt lõi của Apple vẫn tốt, và đó là lí do mà nhiều người trong số chúng ta vẫn tin tưởng dùng đồ Apple. Nhưng theo thời gian, trải nghiệm của người dùng đã bị sờn ra như chiếc dây sạc Lightning vậy. Apple kiếm được số tài sản ngày hôm nay là từ việc bán những chiếc iPhone với biên lợi nhuận cao. Vậy sao họ vẫn dùng những "chiêu trò" này để kiếm vài đồng tiền lẻ?
1. Dây sạc thường xuyên bị sờn
Nếu bạn có thể giữ được một chiếc dây sạc đủ lâu, nó sẽ bị sờn ở nơi mà dây cắm nối liền với iPhone. Nhiều người đã sử dụng vô vàn cách để kéo dài tuổi thọ của những chiếc dây sạc này, chẳng hạn như cuốn dây sạc với băng dính điện, hay luồn lò xo của một chiếc bút bi vào dây sạc. Tuy nhiên vấn đề này vẫn không thuyên giảm. Nó tệ đến mức Apple đã bị kiện và phải cung cấp một chương trình sạc MacBook thay thế, tuy nhiên chương trình này đã hết hạn từ nhiều năm trước. Nếu những chiếc sạc này cho phép chúng ta chơi với những thiết bị hào nhoáng mà Apple thiết kế, lẽ ra chúng phải có cùng chất lượng thiết kế công nghiệp chứ nhỉ?
2. Giấu diếm nút huỷ đăng ký iTunes
Bạn muốn huỷ đăng ký Apple Music hay các dịch vụ mà bạn đăng ký dùng thử miễn phí ư? Dễ LẮM. Trước hết, hãy ấn vào hình vòng tròn mà hoàn toàn không có nhãn, biểu tượng cho hình ảnh tiểu sử. Lẽ ra bạn sẽ phải thấy tuỳ chọn "Quản lý đăng ký"... nhưng bạn sẽ chưa thấy ngay đâu. Thay vào đó, bạn sẽ phải ấn vào "View Apple ID". Một khi bạn xác thực, bạn sẽ tìm được tuỳ chọn để huỷ đăng ký. Rõ ràng đây là một mô hình thiết kế đen tối nhằm trục lợi từ người dùng.
3. Bàn phím lầm lỗi
Một hạt bụi cũng có thể khiến cho bàn phím MacBook bị hỏng. Thật vậy. Thiết kế phím con bướm mà Apple cho ra mắt vào năm 2016 có thể bị kẹt bởi bụi, và đòi hỏi phải có một quá trình tháo rời dài dòng, thường cần phải có một chuyên gia để sửa lỗi này. Và Apple không phải lúc nào cũng sửa cái lỗi ngớ ngẩn này, kể cả khi chiếc MacBook đang trong hạn bảo hành. Sau khi có một vụ kiện và bị dân tình chỉ trích, Apple mới cho sửa miễn phí.
4. Giành giật "cần câu cơm" của các blog
Apple được hưởng lợi từ các blog chuyên viết về phần cứng và phần mềm của hãng. Tuy nhiên mới đây, Apple đã trả ơn lại bằng cách thông báo rằng họ sẽ cắt đi một nguồn doanh thu quan trọng của các blog này. Các website trước đó được hưởng 7% tiền hoa hồng từ Apple để đổi lấy những chiếc click vào link liên quan đến App Store. Nhưng trong vài năm qua, Apple cũng đã bắt đầu bán quảng cáo ngay trong App Store, cạnh tranh để giành giật các nhà quảng cáo với những blog nằm ngoài kia. Vì thế, trong tháng 10, Apple đã đóng cửa chương trình liên quan mà các trang review ứng dụng như TouchArcade và AppShopper đang sử dụng, đánh dấu chấm hết cho những blog này.
5. Địa ngục ổ nối
Các ổ kết nối là kết tinh của sự ruồng bỏ của Apple với trải nghiệm người dùng. MỘt ổ nối Thunderbolt 2 sang Thunderbolt 3 tốn mất 50 USD, trong khi ổ nối Lightning sang jack cắm tai nghe sẽ tốn mất 9 USD. Apple rất thích đùn đẩy chúng ta đến những tầm nhìn của tương lai, như chiếc tai nghe Bluetooh (mà họ bán) và cổng sạc nhanh USB-C (mà họ cũng bán). Với mỗi sản phẩm bán ra, Apple ép người mua phải mua thêm hàng chục cái ổ nối. Chả trách sao họ leo được lên cột mốc 1 nghìn tỷ USD.
VietBF © Sưu Tầm