Vietbf.com Luật an ninh mạng: Nguyễn Ánh sẽ mãi mãi là kẻ thù của đất nước? Như vậy, luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Đây là bộ luật gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng, bởi với hơn 50 triệu người sử dụng Internet, ai trong số chúng ta đều có nguy cơ vi phạm một trong hai mươi điều cấm kỵ của luật ANM.
Rõ ràng, với một đất nước có trình độ dân trí chưa thật cao. Việc không hiểu luật dẫn đến sai phạm là lẽ thường tình.
Một trong những điều mà người dùng mạng rất dễ phạm phải nếu căn cứ vào luật ANM. Đó là điều 8, phần 1, khoản c: Xuyên tạc lịch sử... và điều 16, phần 1, khoản c "xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc."
Không bàn đến những hệ lụy mà luật ANM có thể gây ra. Riêng về điều luật xúc phạm anh hùng dân tộc, danh nhân, xuyên tạc lịch sử là thứ mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các diễn đàn mạng hiện nay. Một trong số đó, nhân vật vua Gia Long hiện lên nhiều tranh cãi nảy lửa.
Theo nguồn sử liệu chính thống thì vua Gia Long có hình tượng "cõng rắn, cắn gà nhà" "rước voi giày mã tổ" nên hầu như cái tên Gia Long gây ra sự thù hận, oán ghét của biết bao thế hệ người Việt hiện nay.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của Internet, các nhà nghiên cứu tâm huyết, không chịu sự chi phối bởi quan niệm ý thức hệ. Họ đã dũng cảm phơi bày những sự thật được cho là nhạy cảm, không có lợi trước đây. Những nhà sử học chân chính, không mang tâm niệm đấu tranh giai cấp đã vén những bức màn bí ẩn, trả lại cho nhiều nhân vật lịch sử, trong đó có vua Gia Long cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn.
Trong bài viết này, tôi không muốn nhận định về vị vua ấy. Chỉ mong bạn đọc, thông qua các tư liệu mà người viết cung cấp, để có cái nhìn thấu đáo hơn về vị vua này. Và cũng đến lúc, chúng ta ngừng bôi nhọ vua Gia Long vì thiếu kiến thức hoặc phục vụ cho một âm mưu đen tối nào đó.
Nguyễn Ánh – Gia Long phải là một vị anh hùng dân tộc vĩ đại của dân tộc ta!
Tại sao?
Chúng ta hãy lần theo những trang sử của cuộc đời ông và những đóng góp của ông trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Đặt trong bối cảnh những năm 60 của thế kỷ XVIII, ở Đàng Trong, chính quyền chúa Nguyễn bị loạn thần Trương Phúc Loan thao túng quyền lực, tệ tham ô diễn ra tràn lan, dân nhân lầm than. Hàng chục cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra để chống lại triều đình thối nát.
Phong trào Tây Sơn xuất hiện thời điểm ấy là thời cơ chín mùi. Với khẩu hiệu "phù Nguyễn diệt Trương", "lấy của người gàu chia cho người nghèo" phong trào Tây Sơn nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng hai năm, nghĩa quân Tây Sơn đã chiếm cứ được vùng đất từ Quảng Nam cho đến Phú Yên với Quy Nhơn là thủ phủ. Chia cắt Đàng Trong của chúa Nguyễn ra làm hai.
Năm 1785, Họ Trịnh nhân cơ hội đó đánh chiếm Phú Xuân. Chúa Nguyễn nhanh chóng bị đánh bại, phải chạy vào Gia Định.
Nghĩa quân Tây Sơn chủ động hòa hoãn với quân của chúa Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy ở phía Bắc, dồn toàn bộ lực lượng truy giết dòng họ Nguyễn ở phía Nam.
Trong 4 lần tấn công vào Gia Định, Tây Sơn đã giết được 2 chúa Nguyễn cùng hàng loạt tôn thất họ Nguyễn.
Với đặc điểm là đội quân ô hợp, nhiều thành phần xuất thân khác nhau, trong đó có nhiều tướng cướp. Đặc biệt, Nguyễn Nhạc còn chiêu mộ thêm đội quân cướp biển người Hoa. Trong quá trình làm nên sứ mệnh lịch sử của mình, nghĩa quân Tây Sơn đã vô tình hay hữu ý phá nát Hội An, Đại Phố và Gia Định khiến cho lòng dân oán hận, hướng về chúa Nguyễn. Có không ít tướng lĩnh Tây Sơn quy hàng Nguyễn Ánh.
Nguyễn Huệ khi 18 tuổi đã là tướng quân bách chiến bách thắng của đội quân Tây Sơn, có tài thao lược hơn người, phong thái oai phong, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Còn Nguyễn Ánh, là hậu duệ còn sót lại cuối cùng của dòng chúa Nguyễn, mất nước, phải trốn chạy nhiều lần từ Gia Định ra Phú Quốc rồi lưu lạc sang tận Xiêm (Thái Lan), cầu cứu vua Xiêm giúp đỡ để lấy lại cơ nghiệp của tổ tông và để trả mối thù sâu đậm với nhà Tây Sơn.
Giữa hai con người ấy, có mối thâm thù đại hận, tuy nhiên kết cục lại trái ngược nhau hoàn toàn. Nguyễn Huệ chết sau 4 năm làm vua ở độ tuổi còn rất trẻ. Để rồi sau khi chết đi, triều Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Đúng 10 năm sau, Nguyễn Ánh không chỉ phục dựng lại cơ đồ họ Nguyễn mà còn thống nhất đất nước.
Cái công lao của Nguyễn Ánh lớn lắm. Vậy thì tại sao lại có người đời thoá mạ vị vua này đến như vậy.
Có lẽ vì 4 nguyên cớ sau đây:
Thứ nhất, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm năm 1785.
Thứ hai, cầu viện và ký hiệp ước với Pháp.
Thứ ba, trả thù Tây Sơn quá man rợ.
Thứ tư, nhà Nguyễn do Nguyễn Ánh lập ra để mất nước.
Người viết xin trình bày các sự kiện dẫn đến 4 nguyên cớ trên để bạn đọc nhìn nhận.
Vì duyên cớ nào Nguyễn Ánh lại cầu cứu quân Xiêm?
Điểm lại những sự kiện lịch sử, vua Xiêm lúc bấy giờ là Chakri (Rama I), trước đó, năm 1781, khi đang giao chiến Nguyễn Ánh ở Chân Lạp thì triều đình Xiêm La bất ổn, có chính biến. Chakri đã xin với tướng của Nguyễn Ánh là Nguyễn Hữu Thụy giảng hòa để đem quân về kinh thành trừ nội phản.
Nguyễn Ánh chấp nhận giảng hòa, sau đó Chakri trở thành vua nước Thái Lan, còn gọi là Phật vương. Quan hệ giữa Xiêm với Nguyễn Ánh thay đổi, từ đối kháng trở thành đồng minh. Như vậy, có thể thấy rằng 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược nước ta là sự giúp sức dành cho Nguyễn Ánh. Xét về kẻ xâm lược Xiêm La lúc bấy giờ cũng không mạnh hơn nước ta là bao nhiêu. Theo như nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh thì quân Xiêm không thể nào xâm lược được nước ta. Tuy nhiên, việc Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm là một sai lầm rất đáng trách.
Cùng với đó, việc Nguyễn Ánh bị chê trách nữa là cầu viện Pháp.
Tháng 2 năm 1787 Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Cảnh mới tới hải cảng Lorient ở Pháp và mất một thời gian vận động, đầu tháng 5 năm 1787 họ mới được gặp vua Louis XVI. Ngày 28 tháng 11 năm 1787, tại cung điện Versailles, Bá Đa Lộc với tư cách là đại diện của Nguyễn Ánh đã ký với Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc, một bản hiệp ước "Tương trợ tấn công và phòng thủ" (thường gọi là Hiệp ước Versailles). Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến loại frégaté cùng 1.200 bộ binh 200 pháo binh và 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi) và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, mỗi năm sẽ đóng trả cho Pháp một chiếc tàu giống với loại tàu Pháp viện trợ đồng thời cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông.
Các sử gia về sau cho rằng tuy là ký kết dưới danh nghĩa Nguyễn Ánh, nhưng người chịu trách nhiệm về việc soạn ra các điều khoản đặc biệt có lợi cho phía Pháp trong hiệp ước này có thể là Giám mục Bá Đa Lộc chứ không phải là chính bản thân Nguyễn Ánh; nếu không có lệnh đình chỉ việc thực thi điều ước thì khi trao đổi văn kiện chưa chắc Nguyễn Ánh đã chịu chấp nhận một hiệp ước bất bình đẳng như thế này. Nhưng dù như thế nào, Hiệp ước Versailles năm 1787 đã không thành hiện thực (do cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã lật đổ Hoàng gia Pháp)
Bá Đa Lộc về nước với một đám lính đánh thuê từ Ấn Độ và một vài chiếc tàu chiến cũ kỹ. Về sau, khi đại nghiệp thống nhất thành công, Pháp viện cớ buộc Gia Long thi hành hiệp ước Versailles, tuy nhiên Gia Long đã từ chối vì phía Pháp không thi hành điều gì trong hiệp định. Ông hạn chế giao lưu với người Pháp vì biết rõ ý định xâm lăng từ Pháp quốc. Dù rất nể tướng quân Lê Văn Duyệt nhưng Ông đã không chọn người cháu đích tôn (con của hoàng tử Cảnh) để kế thừa ngai vị mà ông chọn đứa con thứ của mình là Minh Mạng nối ngôi. Bởi dòng đích có tư tưởng thân Pháp. Ông lo ngại Pháp sẽ nhân cơ hội đó mà chiếm lấy nước ta, nên ông chọn người con có tư tưởng chống Pháp lên nối ngôi như đã nói là Minh Mạng.
Thứ ba, Gia Lòng trả thù nhà Tây Sơn.
Trong quá trình hoạt động của mình, Tây Sơn đã giết hai chúa Nguyễn và hàng loạt tôn thất họ Nguyễn. Đều là máu mủ, bà con thân thích với Nguyễn Ánh. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến trả thù về sau.
Ngoài ra, trước đó khi thấy sự lớn mạnh của Nguyễn Ánh ở Nam Bộ, Nguyễn Huệ xem thầy phong thủy và bói toán thì được nói rằng long mạch của chúa Nguyễn ở Phú Xuân còn rất mạnh, đang hổ trợ cho Nguyễn Ánh ở Nam Bộ, cần cắt đứt chúng. Vì vậy, lăng các chúa Nguyễn bị quật lên, trong đó có cha của Nguyễn Ánh, dù không làm chúa là Nguyễn Phúc Côn cũng bị đào xới lên và vất xuống sông. Mộ của Nguyễn Kim ở vùng đồi núi Thanh Hóa không biết ở đâu không thì cũng bị quật lên.
Chính vì việc này, sau khi chiếm được Phú Xuân năm 1801, đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh có những hành động trả thù hết sức dã man. Như khai quật mộ của Nguyễn Huệ lên, giã xương ra sau đó cho quân lính tiểu vào đó. Hộp sọ thì giam vào ngục tối, yểm bùa và xích lại. Con cháu nhà Tây Sơn thì bị giết hết sức rùng rợn. Người đời dèm pha cho rằng Nguyễn Ánh là một con người hiếu sát, tàn bạo với kẻ thù. Nhưng lịch sử đã ghi lại những việc làm khoan dung và độ lượng với những kẻ thù trước đây như vua Lê và con cháu chúa Trịnh, cũng như những người từng làm quan thời Tây Sơn.
Như vậy, Nguyễn Ánh mang trong mình mối hận lớn với nhà Tây Sơn, đặc biệt là với Nguyễn Huệ, việc ông trả thù như vậy. Âu cũng là quy luật nhân quả, có vay ắc phải trả.
Thứ tư, nhà Nguyễn để mất nước còn theo sử gia chính thống nếu Tây Sơn thì sẽ không có chuyện đó.
Theo đánh giá, nhà Nguyễn được xem là triều đại phản động, đàn áp phong trong nông dân, đẩy đất nước quay trở lại chế độ phong kiến mà không tiến lên chủ nghĩa tư bản.
Thật ra trên thế giới lúc bấy giờ chỉ có hai nước là bảo vệ được nền độc lập của mình.
Việt Nam dưới thời Tự Đức không đủ nội và ngoại lực để duy tân, cải cách giống Nhật Bản.
Việt Nam cũng không nằm ở vị trí đắc lợi giống Thái Lan để đưa ra đường lối ngoại giao khéo léo.
Việt Nam giống Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới. Mất nước là tất yếu. Vậy nên, đừng quy chụp cho nhà Nguyễn tội bán nước. Thật sự không công bằng cho dòng họ đó.
Chính vì những điều trên, cần có sự đánh giá công bằng và công tâm hơn về nhân vật Nguyễn Ánh trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Một con người đã thoát khỏi lưỡi hái của kẻ thù đến 18 lần, phải đối phó với một lực lượng quân sự mạnh, đã trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ. Gia Long đã làm được những việc phi thường tưởng chừng không thể làm được.
Ông đã có công bước đầu thống nhất địa giới hành chính quốc gia từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Người ta ví von, sự kiện Nguyễn Ánh thống nhất đất nước sau hơn 200 chia cắt không khác gì ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Gia Long làm chủ một quốc gia lớn nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng vương triều Nguyễn – một vương triều có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Phải chăng, đã đến lúc người Việt cần định hình Gia Long là một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc.
Vậy nên, khi bộ luật ANMl ra đời. Nó sẽ cản trở người dân tiếp cận nhiều nguồn tư liệu khác nhau về những nhân vật lịch sử. Chúng ta không nên mặc định Nguyễn Huệ là anh hùng, còn Nguyễn Ánh là tội đồ bán nước.
Phải chăng, người viết bài này sẽ bị quy vào tội xuyên tạc lịch sử trong bộ luật ANM vừa có hiệu lực?
Hoa Anh Đào
01-2019