Các nguồn sử liệu Anh cho rằng:
Liên Xô có 7 triệu quân lính hy sinh trong cuộc chiến, cộng thêm 3,6 triệu chết trong các trại tù binh của Đức.
Đức chỉ có 4 triệu quân bị giết khi đánh Liên Xô nhưng có thêm 370 nghìn quân bị chết trong các trại tù Liên Xô.
Sử gia Robert Farley cho rằng có ít nhất 15 triệu thường dân Liên Xô bị giết.
Ba Lan bị mất chừng 3 triệu người, cộng thêm 3 triệu công dân Ba Lan gốc Do Thái bị Đức giết trong các trại diệt chủng.
Hoa Kỳ có chừng 400 nghìn quân thiệt mạng, trong đó có khoảng 300 nghìn là do tác chiến.
Pháp chỉ thiệt hại chừng 210 nghìn quân và 390 nghìn thường dân; Anh mất 380 nghìn quân và chỉ gần 70 thường dân.
'Đức thua vì sức kháng cự của Nga, vũ khí của Mỹ và không quân Đồng minh'
Khi ngồi tù ở Nuremberg, cựu ngoại trưởng thời Hitler, Joachim von Ribbentrop, viết lại hồi ký ngắn, trong đó có nhận định vì sao Đức thua và nêu ra ba lý do:
1. Sự kháng cự bất ngờ của Hồng quân Liên Xô
2. Sức mạnh vũ khí, hậu cần dồi dào của Mỹ
3. Hỏa lực áp đảo của không quân Đồng minh
Nguồn: BBC
Ngày 7/5/1945, Bộ Tư lệnh Quân đội phát-xít Đức với đại diện là Tướng Alfred Jodl đã ký văn bản đầu hàng tại Reims ở Pháp.
Tướng Jodl hy vọng với lễ ký kết đó, ông ta có thể cứu mạng sống của cả các đơn vị quân Đức ở chiến trường phía Đông đang chống cự quân Liên Xô.
Người Đức vì đã gây ra các tội ác khủng khiếp ở Mặt trận Phía Đông với quân nhân và thường dân Slavơ và Nga nên luôn sợ bị Liên Xô trả thù.
Với binh lính và sỹ quan Đức, bị Liên Xô bắt làm tù binh đồng nghĩa với cơ hội sống sót trở về rơi xuống âm độ.
Ngày 31/01/1943, Thống chế Friedrich Paulus đầu hàng tại Stalingrad.
Quân đoàn 6 của phát-xít Đức, lực lượng thiện chiến từng chinh phục Ba Lan và Pháp, hoàn toàn bị xóa sổ.
Trong số 110 nghìn quân Đức ra hàng, chỉ có 5 nghìn trở về nhà sau chiến tranh.
Số còn lại chết đói, chết rét, chết bệnh và bỏ mạng trong các trại tù khủng khiếp của Liên Xô.
Các tướng Đức hy vọng đầu hàng Mỹ, Anh và Pháp sẽ cứu họ và hàng triệu quân ở phía Đông khỏi viễn cảnh bị Liên Xô bắt và xử.
Nhưng thời khắc chiến thắng tới gần của phe Đồng Minh cũng là lúc liên quân Đông-Tây bắt đầu có ý chia lại lục địa châu Âu.
Tướng Dwight Eisenhower yêu cầu mọi lực lượng Đức ở phía Đông và phía Tây cùng phải đầu hàng quân Đồng Minh.
Nếu không, vị tướng Mỹ, Tư lệnh Tối cao của Liên quân, dọa sẽ không cho quân và dân Đức từ phía Đông chạy sang vùng Mỹ, Anh và Pháp chiếm đóng.
Jodl đánh điện hỏi Đô đốc Karl Donitz, người chính thức kế nhiệm Adolf Hitler.
Được sự đồng ý của Donitz, Jodl ngồi xuống cùng bàn với Tướng Nga, Ivan Susloparov, Tướng Pháp Francois Sevez và Tướng Mỹ Walter Bedell Smith, ký văn bản chấp nhận đầu hàng của quân Đức.
Tuy thế, chiến sự ở phía Đông vẫn tiếp diễn và nạn nhân đầu tiên của lễ ký kết chính là Susloparov.
Vì ký lúc chưa nhận được ủy quyền chính thức của Stalin, ông Susloparov bị an ninh Liên Xô bắt.
Trên thực tế, Thiếu tướng Susloparov được Tư lệnh Hồng quân Liên Xô, Alexei Antonov cử đến buổi lễ cùng một trợ lý và phiên dịch, chứ không phải là hành động tự ý.
Nhiệm vụ của ông là truyền đạt lại câu chuyện, chuyển nội dung văn bản đầu hàng của Đức về cho cấp trên và chờ lệnh.
Nhưng thời gian bố trí lễ ký kết tại một trường trung học ở Reims gấp rút và không thấy quyết định gì từ Moscow, Tướng Susloparov đã tạm ký vào văn bản.
Điều đáng chú ý là ông viết tên theo tiếng Pháp "Sousloparov' chứ không bằng tiếng Nga và thêm một câu rằng một lễ ký chính thức hơn sẽ được tổ chức sau.
Vừa ký xong Susloparov nhận được điện từ Moscow bác bỏ văn bản.
Nạn nhân thứ nhì của lễ ký tại Reims là tướng Alfred Jodl.
Nhận án tử hình của Toà án Nuremberg vì tội ác chiến tranh, Jodl bị treo cổ trong nhà tù tháng 10/1946.
Nhưng văn bản đầu hàng (Instrument of Surrender) với Đồng Minh lúc 02:41 ngày thứ Hai, 07/05 có hiệu lực từ 23:01 ngày 08/05 giờ Trung Âu đã cứu mạng hàng vạn người Đức.
Theo thỏa thuận này, người Đức có thể bỏ vùng chiến sự bị Liên Xô tiến đánh chạy sang vùng do Đồng minh Phương Tây làm chủ.
Ngày 8/05, đoàn tàu thuyền 92 chiếc chở 18 nghìn dân Đức bỏ chạy khỏi Libau, Latvia ra biển Baltic để về 'đất mẹ Đức'.
Họ là nhóm người cuối cùng được phép rời đi mà không bị tàu Liên Xô tấn công.
Vì từ tháng 1/1945, tàu ngầm và chiến hạm Liên Xô liên tục đánh chặn các đoàn tàu chở người tỵ nạn Đức ra khỏi các nước Đông Âu và Baltic.
Ngày 30/01/1945, tàu Wilhelm Gustloff chở 10 nghìn quân dân Đức bỏ chạy khỏi Gdynia, Ba Lan bị tàu ngầm S-13 của Liên Xô bắn chìm. Chừng 9500 người chết.
Ngày 16/04/1945, một đoàn tàu bốn chiếc của Đức chở 20 nghìn lính và thường dân bị thủy lôi Nga tấn công. Tàu Goya bị đắm, giết chết 6000 người.
Quy định của văn bản đầu hàng ở Reims chỉ cho người Đức một thời gian ngắn ngủi đúng một tuần để tháo chạy.
Vì văn bản đầu hàng thứ nhì, ký tại Berlin đã cấm việc di chuyển này và cả triệu dân Đức bị kẹt trong vùng Liên Xô chiếm đóng.
Lễ ký đầu hàng lần hai
Theo lệnh của Stalin, quân Liên Xô yêu cầu làm một lễ ký tại Berlin ngay trong ngày 08/05, chỉ vài giờ sau khi văn bản Reims có hiệu lực.
Nguyên soái Georgy Zhukov của Liên Xô nói sau khi ký văn bản ở Reims, không ít đơn vị Đức vẫn tiếp tục chiến đấu và họ sẽ không được nhận quy chế tù binh.
Nếu những người này bỏ chạy và bị Đồng minh Phương Tây bắt, họ phải bị trả về cho phía Liên Xô.
Để làm vừa lòng Moscow, Tướng Eisenhower bắt ba tư lệnh lục quân, không quân và hải quân Đức lên máy bay từ Frensburg về Karlshorst, Berlin.
Nhưng họ phải chờ tới 22:00 giờ ngày 8/05, các đại diện đồng minh, gồm cả Nguyên soái Zhukov, và Đại tướng Eisenhower, và Tướng Pháp, Jean de Lattre de Tassigny, và Tướng Anh, Sir William Tedder mới có mặt.
Trên thực tế, văn bản thứ nhì này không khác văn bản đầu tiên bao nhiêu, vì chỉ là buộc Đức đầu hàng vô điều kiện trên tinh thần Hội nghị Yalta từ tháng 1/1945.
Nhưng phe đồng minh tranh cãi nhau ai đặt bút ký đến tận sáng ngày hôm sau, 09/05.
Tướng Eisenhower, Tổng Chỉ huy Tối cao (Supreme Commander) Liên quân trên toàn châu Âu, chức cao hơn Nguyên soái Zhukov nên không thể "ký ngang hàng".
Vì thế, Eisenhower cử người phó của mình, William Tedder ký thay.
Nhưng Tedder là Phó Tổng chỉ huy Liên quân nhưng về mặt quốc tịch lại là tướng không quân của Anh.
Nếu chỉ để ông Tedder ký thì hóa ra không có một tư lệnh người Mỹ nào đặt bút vào văn bản chấp nhận Đức đầu hàng.
Bởi vậy, các bên đồng ý là Tướng không quân Mỹ, Carl Spaatz, sẽ cùng ký với tư cách nhân chứng.
Vào phút chót, sau khi đã đồng ý có ba bên: Liên Xô, Liên quân và Đức ký thì lại này sinh vấn đề của Pháp.
Pháp nằm dưới sự chỉ đạo của Liên quân, nhưng Tướng Charles de Gaulle đòi phải cho Tướng de Tassigni thay mặt Pháp có chữ ký của mình.
Các văn bản phải soạn đi soạn lại và dịch ra ba bản tiếng Đức, Anh và Nga (không có Pháp) nên tới sáng 9/05, lễ ký thực sự mới xong, nhưng vẫn đề ngày 08/05.
Ở Nga khi đó đã là ngày 09/05 nên Liên Xô sau này lấy đó làm ngày kỷ niệm Chiến thắng Phát-xít Đức.
Cho đến nay vẫn có những nhận định khác nhau về công lao đóng góp và sự hy sinh của các nước thuộc phe Đồng Minh chống phát-xít Đức.
Trước đó, Joseph Goebbels từng thuyết phục người Đức rằng bộ máy quân sự Liên Xô lạc hậu "sẽ tan như bộ lá bài".
Nhưng sau các trận thua liên tiếp năm 1941 (4-5 triệu quân bị giết và bắt làm tù binh), Liên Xô đã nhanh chóng tập hợp lực lượng trở lại.
Chỉ trong 1-2 năm sau, Hồng quân Liên Xô cải tổ để trở thành một lực lượng hùng mạnh, có trợ giúp hữu hiệu từ các nhà máy sản xuất súng, pháo, xe tăng hiệu quả để phản công và đẩy lùi Đức ra khỏi lãnh thổ.
Có vẻ như lúc còn sống, Hitler cũng đồng ý với Ribbentrop về lý do sức mạnh không quân của Đồng minh.
Hitler đã không đổ bộ sang được đảo Anh vì không quân do Herman Goering không chinh phục được bầu trời Anh.
Sau đó chính Hitler đã nói, một tuần trước khi tự sát trong hầm ở Berlin rằng "thất bại quân sự có lý do từ thất bại của không quân Đức".
Chiến sự vẫn còn kéo trong tháng 5/1945 vì những đơn vị nhỏ của Đức tử thủ ở một số vùng của châu Âu.
Ngày 5/06/1945, Đồng minh đưa ra Tuyên bố về sự thất bại của Đức (Declaration regarding the defeat of Germany), xóa sổ toàn bộ bộ máy chính quyền Đế chế III, chính thức chấm dứt một trang sử đen tối của châu Âu.
|
|