Công trình cổ xưa hơn cả Ai Cập cổ đại được phát hiện khi cháy rừng ở Úc lộ ra. Các vụ cháy rừng ở Úc đã làm lộ một hệ thống thủy lợi cổ được xây dựng bởi thổ dân bản địa, được cho là có tuổi thọ còn lâu hơn cả thời Ai Cập cổ đại.
Hệ thống thủy lợi Budj Bim, di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2019 (Ảnh: Twitter)
Di sản văn hóa cổ Budj Bim, nằm ở phía tây nam bang Victoria, Úc, là một hệ thống kênh đào và hồ chứa được kè bằng đá, phục vụ việc săn bắt lươn của thổ dân Gunditjmara. Vào năm 2019, di tích này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Một số phần của hệ thống phức tạp này cũng cho thấy bằng chứng về những ngôi nhà bằng đá có niên đại khoảng 6.600 năm trước.
Nhưng sau vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 12 năm ngoái và mới chỉ được kiểm soát vào tuần trước, một số di tích cổ khác, trước đó bị ẩn sâu dưới thảm thực vật, nay lại mới được phát hiện. Các di chỉ này cũng được cho là một phần trong hệ thống thủy lợi của người Gunditjmara.
Denis Rose, quản lý dự án bảo tồn các di sản truyền thống của thổ dân Gunditjmara, cho biết ông không quan tâm đến việc đám cháy sẽ bùng phát và ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi này như thế nào.
“Có lẽ đã có nhiều vụ cháy ở đây từ hàng nghìn năm trước,” ông cho biết với ABC News, “Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là hệ quả để lại từ vụ cháy rừng, và chúng tôi còn rất nhiều việc để làm.
Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến thảm thực vật, đặc biệt là những loại cây cao hơn hiện đang phát triển bên trong và xung quanh hệ thống thủy lợi và những khu nhà đá ở xung quanh, và những loại cây bị suy yếu và hư hại, có khả năng đổ xuống và mọc rễ trên những cấu trúc đá cổ xưa này.”
Một cuộc khảo sát mới sẽ diễn ra sau khám phá này, khi các nhà khảo cổ sẽ làm việc cùng với các kiểm lâm viên bản địa cũng như chụp ảnh trên không bằng phần các mềm chuyên dụng.
Ông Rose cho biết phát hiện này là một tín hiệu tích cực, và cũng rất may mắn là đám cháy không nghiêm trọng như các vùng khác tại Úc:
“Chúng tôi đã rất may mắn vì khu vực này chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ các đám cháy rừng, không như những thiệt hại và tàn phá xảy ra ở các khu vực phía đông nước Úc. Những đám cháy này chỉ gây thiệt hại cho thảm thực vật dưới thấp, thay vì thiêu rụi toàn bộ khu rừng.”