Các cư dân ở thành phố Mạc Hà, tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc có cơ hội chiêm ngưỡng ba Mặt Trời xuất hiện cùng lúc trên bầu trời suốt ba giờ.
"Mặt Trời ma" xuất hiện trong thời gian dài ở Mạc Hà. Video: Xinhua.
Ảo ảnh quang học xảy ra vào sáng ngày 15/10 trên bầu trời Mạc Hà, thành phố cực bắc thuộc địa khu Đại Hưng An Lĩnh của tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc. Hiện tượng mang tên "Mặt Trời ma" này kéo dài từ 6h30 đến 9h30 theo giờ địa phương. Đây là một trong những lần hiện tượng diễn ra lâu nhất những năm gần đây, theo Sở cứu hỏa Đại Hưng An Lĩnh. Cơ quan khí tượng Trung Quốc chia sẻ video ghi hình hai vầng sáng gọi là "Mặt Trời ma" ở bên trái và phải của Mặt Trời thật nhô cao phía trên thị trấn 20.000 dân.
"Mặt Trời ma" xảy ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua những tinh thể băng ở độ cao lớn trong đám mây ti. Grahame Madge, phát ngôn viên của Cơ quan Khí tượng Anh, cho biết hiện tượng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Trăng sáng khác thường cũng có thể tạo ra hiệu ứng tương tự nhưng rất hiếm gặp.
Theo kỹ sư khí tượng người Trung Quốc Bian Yun, "Mặt Trời ma" hiếm khi hình thành ở nước này. Hiện tượng đòi hỏi phải có nhiều tinh thể băng hình lục giác trong những đám mây bán trong suốt. Đôi khi tinh thể băng nằm theo phương ngang và khi ánh sáng chiếu qua chúng, kết quả là hình phản chiếu giống Mặt Trời.
VietBF@sưu tập