Từ thiết bị phần cứng tới phần mềm như iOS, Android, macOS, Facebook, Zalo và sắp tới là Windows mới... Bất cứ đâu cũng sẽ thấy sự xuất hiện của các góc bo tròn. Tại sao thiết kế góc bo tròn lại có mặt ở khắp mọi nơi, thống trị mọi thứ mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày.
Lý do thứ nhất: Góc bo tròn giúp mắt và não bộ nhận thức nhanh chóng hơn
Theo giáo sư Jürg Nänni, một chuyên gia về nhận thức thị giác, con người cần ít nỗ lực nhận thức hơn khi nhìn vào hình chữ nhật với góc bo tròn so với hình chữ nhật với góc vuông. Nếu là một hình tròn thì não và thị giác của chúng ta thậm chí còn nhận thức nhanh hơn. Quá trình nhận thức của não và thị giác sẽ bị chậm lại do cần thêm bổ sung thêm các tế bào thần kinh hình ảnh vào quá trình phân tích.
Những góc vuông làm gián đoạn suy nghĩ của chúng ta. Ví dụ, để xử lý một hình có các góc vuông, não bộ sẽ xử lý từ điểm A tới điểm B sau đó tạm dừng một chút rồi mới xử lý tiếp từ B đến C... cho tới khi hoàn thành liền mạch. Với một hình chữ nhật, não bộ sẽ cần xử lý 4 phép tính mới nhận ra được.
Với các hình có góc được bo tròn, não bộ không cần phải dừng xử lý đột ngột và chỉ thực hiện duy nhất một phép toán khi mắt của bạn quét theo cách cạnh của nó một cách mượt mà, liền mạch.
Lý do thứ 2: Con người được huấn luyện để tin vào những góc bo tròn
Từ khi còn bé, chúng ta luôn được nhắc nhở hãy tránh xa những thứ sắc nhọn vì chúng có thể làm chúng ta bị thương. Dần dần, não bộ của chúng ta tạo ra cái gọi là "phản ứng tránh né" với các góc vuông, góc nhọn hoặc những thứ xù xì gai góc.
Quay ngược về năm 1981 khi Macintosh vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Khi ấy, bậc thầy đồ họa cuộc sống Bill Atkinson đã đưa vào Macintosh những hình tròn và hình elip. Atkinson tự hào về tư duy đúng đắn của mình. Tuy nhiên, Steve Jobs, cha đẻ của Macintosh, lại có một yêu cầu cấp bách hơn: tạo ra giao diện với những hình chữ nhật bo tròn.
Đối với Jobs, hình chữ nhật với góc bo tròn rất thân thiện và ông khẳng định rằng các góc bo tròn đã xuất hiện trên mọi thứ, có mặt ở khắp mọi nơi. Jobs đã đưa Atkinson đi dạo để chứng minh rằng yêu cầu của ông là hợp lý, hợp thời đại chứ không chỉ là một ý thích thẩm mỹ của cá nhân ông. Sau đó, Atkinson đã bị thuyết phục bởi những đồ vật tròn trịa và một biển báo "Cấm đỗ xe".
Atkinson đã ngay lập tức phát triển những dòng code cần thiế cho việc hiển thị các hình chữ nhật với góc bo tròn. Các nút và cửa sổ trở nên mềm mại hơn trên Macintosh. Tất cả những thay đổi đó định hình một giao diện thân thiện, an toàn cho Macintosh. Với khách hàng, Macintosh có một sức hấp dẫn nhẹ nhàng, dễ chấp nhận hơn so với khí chất đáng sợ toát ra từ hai sản phẩm cùn thời của IBM và Microsoft.
Di sản của Apple với các góc bo tròn đã vượt ra khỏi lĩnh vực phần mềm. Khi ra mắt, iPhone được giới thiệu là dễ đút vào túi hơn so với các thiết bị cùng thời do có các góc bo tròn. Tương tự như vậy, máy tính iMac của Apple thân thiện và không hề đáng sợ như những chiếc PC khác. Mac giống như một người bạn còn PC giống như những người đàn ông mặc suit tối màu.
Con người sinh ra đã không hề thích những thứ sắc nhọn, vuông vắn. Steve Jobs biết điều đó. Apple biết điều đó. Và nay, hầu như toàn bộ thế giới đều thừa nhận và áp dụng điều đó vào các sản phẩm của mình nhằm tạo ra sự dễ chịu cho người dùng.
Khi nào nên sử dụng góc bo tròn?
Góc bo tròn dễ chịu nhưng cũng không phải là một ý tưởng hay nếu bạn đưa quá nhiều góc bo tròn vào thiết kế của mình. Vị trí sử dụng góc bo tròn tùy thuộc vào cảm xúc mà bạn muốn người dùng của bạn trải nghiệm và cá tính bạn muốn thể hiện.
Các góc bo tròn gợi lên sự ấm áp và đáng tin cậy. Đây là lý do tại sao các nút call-to-action (kêu gọi hành động như đăng ký, mua hàng...) được thiết kế với các góc bo tròn. Nó làm cho khách hàng cảm thấy an toàn khi giao dịch với thương hiệu của bạn.
Các góc bo tròn còn giúp bản đồ và biểu đồ biểu diễn dữ liệu hiệu quả hơn. Lý do là vì như đã đề cập ở trên, nó giúp mắt và não bộ của bạn nhận thức nhanh chóng và dễ dàng hơn, không bị gián đoạn bởi các góc vuông.