70.000 nhân viên tham gia vụ đình công lớn nhất Hollywood. Bởi vì thỏa thuận giữa các bên chưa đạt được nên IATSE ấn định ngày đình công của 60.000 nhân viên đoàn phim và thêm 10.000 người ở các công đoàn khác tham gia.
Ngày 13/10, Variety đưa tin Matthew D. Loeb - chủ tịch Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE) - thông báo 60.000 nhân viên sẽ bắt đầu cuộc đình công chống lại các hãng phim lớn từ trưa 18/10.
Song song đó, Loeb vẫn tiếp tục thương lượng với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) nhằm tiến tới thỏa thuận giải quyết vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, theo Deadline, lãnh đạo IATSE đang tỏ ra thất vọng trước cách làm việc lề mề của AMPTP.
Trước mắt, IATSE yêu cầu các hãng phim cam kết nhân viên hậu trường được nghỉ ngơi ít nhất 10 giờ giữa ca làm việc và 54 giờ mỗi cuối tuần.
Họ cũng đề xuất khung phạt hợp lý nhằm buộc các nhà sản xuất phải cho nhân viên có thời gian ăn trưa. Đồng thời, những khung phạt cũng phải được áp dụng để các bên sản xuất chấm hạ mức giá chiết khấu cho các dịch vụ phát trực tuyến.
Những chuẩn bị trước ngày đình công lịch sử
13 chi nhánh của IATSE ở Bờ Tây Mỹ đã chuẩn bị băng rôn phản đối và khẩu trang để xuống đường. Họ sắp xếp lịch trình và cho người đưa đón nhân viên đến nơi đình công. Dòng người này bao gồm nhiếp ảnh gia, quay phim, chuyên viên PR, nghệ sĩ trang điểm, hóa trang, biên tập viên, kỹ thuật viên âm thanh, họa sĩ, thợ điện...
IATSE đang tiến rất gần đến khoảnh khắc lịch sử ở Hollywood. Tuy nhiên, việc đình công cũng đồng nghĩa rằng người lao động sẽ không có lương. Khác với quy định trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người lao động ở California không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp - theo Variety.
Xoay quanh vấn đề này, Bộ Phát triển Việc làm của California giải thích quy định giữa các tiểu bang khác nhau. Tại New York, nhân viên đình công đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp sau 14 ngày.
Thành viên Hiệp hội Biên tập Ảnh Điện ảnh ở đơn vị Local 700 viết thông điệp về mức lương công bằng cho tất cả các thành viên lên xe hơi trong cuộc biểu tình ngày 26/9 tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times.
Hôm 13/10, lãnh đạo của Hiệp hội các nhà quay phim quốc tế phát biểu trước nhân viên: "Nếu đình công, chúng ta phải bán studio, phim trường và tuyệt đối ngừng làm phim ở mọi nơi. Giá trị lớn nhất của chúng ta là sức lao động, và việc giữ lại sức lao động là vũ khí lớn nhất của chúng ta".
Variety ghi nhận các hãng phim lớn đã lập kế hoạch dự phòng trước vụ đình công sắp diễn ra. Tuy nhiên, không có cách nào dự trữ dụng cụ cần thiết cho quá trình quay phim. Chính vì vậy, họ đang săn lùng và mua lại dụng cụ từ Vương quốc Anh, Australia và các lãnh thổ khác, đồng thời muốn biến những nơi này thành khu vực thay thế nếu tình trạng ngừng làm việc kéo dài.
Vụ đình công ngày 18/10 được giới quan sát nhận định sẽ lớn và rộng rãi hơn cuộc đình công giai đoạn 2007-2008 của Hiệp hội Nhà văn Mỹ. Theo đó, nhân viên Hollywood sẽ tạm ngừng làm việc dựa trên Thỏa thuận cơ bản, Thỏa thuận video và Thỏa thuận tiêu chuẩn khu vực đối với hoạt động sản xuất phim điện ảnh và truyền hình từ bờ này sang bờ khác của nước Mỹ.
Tuy nhiên, do nằm trong hợp đồng riêng và chưa hết hạn, một số công việc hậu trường vẫn phải được tiếp tục. Trong khi đó, Deadline đưa tin hợp đồng giữa IATSE với HBO, Showtime, BET và Starz đến ngày 31/12/2022 mới kết thúc. Vì vậy, IATSE đã hỏi ý kiến nhân viên làm bộ phận này có dự định đình công hay không.
Steve Dayan, thư ký kiêm thủ quỹ của Teamsters Local 399, nói: "Nếu có cuộc đình công, sự kiện sẽ diễn ra trong vài hoặc ba ngày đầu tiên".
Theo Variety, cuộc đình công dự kiến có 60.000 nhân viên ở các đơn vị của IATSE tham gia, đồng thời thu hút 10.000 người ở các công đoàn khác, bao gồm cả Hội công nhân điện quốc tế.
"IATSE sẽ đấu tranh đến cùng"
Trả lời phỏng vấn Variety ngày 13/10, Matthew D. Loeb nhấn mạnh IATSE sẽ đấu tranh đến cùng để đòi quyền lợi. "Cuộc chiến sẽ không kết thúc dễ dàng, chúng tôi có thể nói về chuyện này mãi mãi. Nhân viên của chúng tôi xứng đáng được giải quyết nhu cầu cơ bản ngay lập tức", Loeb phát biểu.
Ở diễn biến khác, người phát ngôn của AMPTP nói chỉ còn 5 ngày (tính từ ngày 13/10) để đạt thỏa thuận, trước khi hàng chục nghìn nhân viên tiến hành vụ đình công lịch sử. Đại diện AMPTP hy vọng mọi cuộc thảo luận sẽ khép lại trong hòa bình để Hollywood tiếp tục hoạt động.
Theo Variety, IATSE và AMPTP trở lại bàn thương lượng vào ngày 5/10, sau một ngày IATSE công bố kết quả cuộc bỏ phiếu tỷ lệ nhân viên đòi đình công, trong đó ghi nhận 98,7% phiếu ủng hộ và 90% người tuyên bố sẽ hành động.
Matthew D. Loeb - chủ tịch Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE). Ảnh: The Hollywood Reporter.
Quyết tâm của IATSE đã nhận được sự ủng hộ từ công chúng, các công đoàn ngành giải trí khác cũng như thành viên của Quốc hội Mỹ.
Liz Shuler - chủ tịch Liên đoàn lao động và Hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO) - lên tiếng ủng hộ IATSE. Bà Shuler khẳng định sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhân viên nếu IATSE thực hiện đình công.
"Chúng tôi đoàn kết, sát cánh cùng IATSE trên hành trình này. AFL-CIO cam kết sử dụng sức mạnh của phong trào lao động để đảm bảo rằng các công ty phim cảm nhận được nỗi đau mà nhân viên chịu đựng suốt bao năm", Shuler phát biểu.
Bà Shuler cho biết AFL-CIO có nhiều chiến lược có thể sử dụng trong phong trào lao động, ví dụ như "Bully pulpit" (tạm dịch: Bục giảng bắt nạt - vị trí tạo cơ hội để con người nói ra và được lắng nghe), chiến lược huy động vốn cổ đông, hỗ trợ vật chất cho nhân viên hậu trường Hollywood.
VietBF@ sưu tập